ClockThứ Năm, 10/07/2014 03:00

Không chạy theo thị trường ngắn hạn

TTH - Kể từ khi diễn ra căng thẳng trên Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (đầu tháng 5/2014), kinh tế nước ta bị tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trong nước, nhất là với hàng hoá nông sản.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang thị trường Trung Quốc là 1,18 tỉ USD, giảm 2,5% so với tháng 5; ước giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 6 khoảng 860 tỉ đồng so với tháng 5. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc tháng 6 khoảng 3,43 tỉ USD, giảm 14,6% so với tháng trước. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là cao su ước giảm 32,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 12,2%, gạo giảm 5%... Điều đáng nói, các mặt hàng giảm mạnh đều rơi vào nhóm hàng nông sản và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta xuất sang Trung Quốc, nên đã tác động không nhỏ đến sản xuất trong nước, nhất là ngành nông nghiệp.

Tại Thừa Thiên Huế, “hơi nóng” của áp lực thị trường đã có những tác tiêu cực “đo đếm” được. Rõ nhất là chuyện cây ớt ở Phong Điền. Được Công ty Tân Phú Quang (tỉnh Quảng Nam) hỗ trợ giống, vật tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ nông dân hăng hái trồng ớt cao sản. Mùa thu hoạch, ớt chín rụng nhưng doanh nghiệp không bao tiêu theo hợp đồng, do thương lái Trung Quốc không thu mua. Một loại cây công nghiệp khác của tỉnh cũng đang chịu tác động do việc xuất sang Trung Quốc gặp khó khăn, giá sản phẩm giảm mạnh là cây cao su. Giá mủ cao su thời gian quan liên tục rớt giá, hiện chỉ 6 - 7nghìn đồng/kg, giảm hơn 2 phần so với năm 2012, khiến hàng chục ngàn hộ nông dân của tỉnh lao đao.

Không chỉ với sản xuât nông nghiệp, sức ép do biến động của thị trường Trung Quốc cũng đang tạo áp lực lớn đối với một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ông Võ Quang Hiền, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế trải lòng: Do sản xuất công nghiệp thế giới chững lại, sản phẩm xỉ titan không tiêu thụ được. Các mặt hàng khác như Ilmenite, rutile, zicon... vẫn “nhúc nhắc” sản xuất và chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Quỹ lương chia ba, anh em cố gắng “ôm ấp” nhau vượt qua khó khăn. Nhưng sau căng thẳng trên Biển Đông, các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc không còn quan hệ làm ăn. Các tập đoàn lớn không phải doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tuy không bị chế tài bởi quy định này, nhưng cũng e ngại, lo sợ rủi ro nên không còn mặn mà như trước. Công ty chủ yếu xuất hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện công ty đang tích cực mở rộng các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... để tháo gỡ khó khăn.

Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng hoạt động một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định. Nếu một số cửa khẩu Trung Quốc dừng hoạt động, giao thương tiểu ngạch hạn chế, nhiều mặt hàng nông sản sẽ không xuất được, tồn ứ lại. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần phải tái cơ cấu thị trường, tìm thêm những thị trường mới để đưa mặt hàng nông sản Việt Nam ra ngoài trước nguy cơ không ổn định từ thị trường Trung Quốc.

Yêu cầu là vậy, nhưng để giải được bài toán này, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, người sản xuất, cần có sự chung sức của các cấp, các ngành. Đơn cử, với cây công nghiệp ngắn ngày như cây ớt, việc chuyển đổi cây trồng tính bằng mùa vụ, nhưng với cây công nghiệp dài ngày thì điều này không dễ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, chi phí trồng mới cho 1 ha cao su khoảng 40- 50 triệu đồng, chưa kể vốn và công sức chăm sóc đầu tư hàng năm. Như vậy, để có hơn 9 nghìn ha cao su như hiện nay, chi phí hỗ trợ của tỉnh, vốn đầu tư của người dân bỏ ra là một khoản khổng lồ. Nay mủ cao su rớt giá mạnh, nếu tiếp tục duy trì, nguồn thu không đủ bù cho chi phí chăm sóc, khai thác. Nếu chặt phá cao su chuyển đổi cây trồng khác cũng không dễ, bởi vốn vay đầu tư trồng cao su chưa trả hết; công sức, tiền bạc đầu tư 7 - 8 năm nay đổ hết xuống sông xuống biển. Giải pháp lúc này không chỉ là hỗ trợ nông dân bằng các chính sách tín dụng, mà còn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu khó khăn trước mắt, tránh chặt phá cao su. Bài học chạy theo thị trường ngắn hạn trước đây, phá tiêu để trồng điều, rồi có lúc thì ngược lại làm biết bao hộ nông dân rơi vào cảnh tiêu điều.

Với các doanh nghiệp, cùng với việc cơ cấu lại sản phẩm, việc đa dạng hoá thị trường càng cấp bách hơn bao giờ hết. Để thâm nhập vào các thị trường mới, ban đầu các doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn nhất định, nhưng lâu dài sẽ tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường có nhiều nguy cơ mất ổn định như Trung Quốc. Khi có được thị trường đối trọng thì các doanh nghiệp sẽ có được cuộc chơi bình đẳng hơn, có lợi hơn với thị trường Trung Quốc.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top