ClockThứ Sáu, 15/04/2022 14:20

Không chỉ là cái dây buộc

TTH - Đã thành quen, mỗi lần ra chợ, tôi hay ghé góc bày bán bánh chưng, bánh tét của một chị đã lớn tuổi. Không chỉ ngon, chiếc bánh trông thật hiền với dây buộc bằng lạt chẻ từ tre.

Chậu hoa tái sử dụng từ rác nhựa của các em học sinh

Một hôm, như thường lệ, ghé mua bánh, bỗng hụt hẫng khi chiếc bánh chưng của chị đã khác. Sợi dây buộc bằng lạt đã được thay thế bằng sợi dây nhựa. Hỏi chuyện thay cái dây buộc bánh, chị chậm rãi: Thời buổi ni, ai cũng buộc dây nhựa cho tiện. Phải theo thôi.

Lại nhớ đòn chả bò dịp tết năm nay. Chỗ mối quen, mỗi năm, tôi lại đặt một ít chả bò nhà làm. Không chất bảo quản, được gói nhiều lớp lá, chả rất ngon và thơm. Nhưng tết nay, đòn chả quen thuộc kia đã khác, được bọc lớp ni lông bên trong, trước khi gói lớp lá chuối mỏng bên ngoài. Nhìn lớp bao ni lông đã trải qua hàng giờ đun nấu, tự hỏi, vì sao lại phải bọc thêm bên ngoài đòn chả lớp ni lông độc hại ấy?.

Rồi nem, chả, tré... vốn là đặc sản nguyên thủy đều được gói bằng lá, nay nhiều điểm chế biến đã gói bằng bao ni lông, có lẽ để tiện và bớt đi chi phí, bất chấp những cảnh báo về vấn nạn lạm phát đồ dùng bằng nhựa.

Mới đây nhất, ngày 25/3/2022, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt dẫn nguồn một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Environment International. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của 22 người trưởng thành khỏe mạnh và phát hiện 17 người có hạt vi nhựa trong cơ thể. Một nửa số mẫu chứa nhựa PET, loại thường được dùng cho chai đựng đồ uống; 1/3 số mẫu chứa polystyrene, loại nhựa được sử dụng trong đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Trong khi đó, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, thành phần chính của các loại túi nhựa.

Dù tác động của chúng đối với sức khỏe vẫn chưa rõ ràng, song các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại bởi kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa gây tổn thương tế bào của người. Trong khi thói quen dùng đồ nhựa đang thịnh hành, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong quá trình được cho ăn bằng bình nhựa, trẻ có thể nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

Phát hiện trên đang đặt ra nhiều câu hỏi như: Điều gì đang xảy ra trong cơ thể chúng ta? Các hạt vi nhựa có bị giữ lại trong cơ thể không? Chúng có thể di chuyển đến một số cơ quan nhất định, chẳng hạn như vượt qua hàng rào máu - não không? Và liệu lượng vi nhựa có đủ cao để gây bệnh?

Trong khi các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tài trợ cho những nghiên cứu sâu hơn thì trên thực tế, mỗi ngày, vô số rác thải nhựa từ sinh hoạt của con người tiếp tục thải ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn đất, không khí, nguồn nước..., ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người. 

Trong một chia sẻ trên trang facebook cá nhân, khi ghi lại những dòng nhật ký của một người làm vườn, TS.Thái Kim Lan trăn trở. Vì sự tiện lợi, bền chắc, ngày nay, kể cả người làm vườn, vốn sống với cỏ cây, thiên nhiên, cũng chỉ quen dùng thép, dây ni lông rồi cốt thép để rào vườn, dựng cây. Họ đã quên mất lá chuối, khi tươi thì gói quà, làm bánh; khi khô thì ủ phân, sống lá phơi khô cũng có thể dùng làm dây buộc. Và trang facebook của chị hiện lên khu vườn hiền hòa xanh mát ở miệt vườn Kim Long với hàng rào tre, được cột bằng dây chuối khô.

Ở một góc khác, người bạn trong ngành du lịch vừa khoe những chậu hoa được các em học sinh ở một trường học ở Huế tặng, được làm rất khéo từ các bịch đựng xà phòng. Tại cơ sở homestay của chị, từ cái xô dựng nước lau nhà, bồn rửa mặt, ghế ngồi... đều từ rác nhựa được tái sử dụng với slogan “biến rác thành hoa”. Và một câu chuyện khác, cũng về rác, khi một thư viện từ gạch rác cũng đang được xúc tiến ở Huế.

Phát động phong trào phụ nữ đi chợ bằng giỏ nhựa; đổi rác ấy cây xanh; gây quỹ  từ tiền bán rác... không ít những hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đang âm thầm lan tỏa. Song, những nỗ lực ấy sẽ chỉ như “muối bỏ biển” nếu chỉ thực hiện nhỏ lẻ, manh mún, theo phong trào... trong khi thói quen sử dụng đồ nhựa đang lan tràn mà việc chế tài, xử phạt hay hạn chế sản xuất túi ni lông... chưa được đặt ra thấu đáo.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc bánh nghĩa tình tặng người yếu thế

Hơn 60 sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế đã trải qua một ngày và đêm 23 tháng chạp (14/1) tất bật với nhiều công việc chuẩn bị quà và làm ra nhiều chiếc bánh để tặng những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Huế.

Chiếc bánh nghĩa tình tặng người yếu thế
"Kể chuyện" bằng bánh

Trứng bị vữa, bánh bị xẹp, không chín hoặc bị cháy xém, màu sắc chưa đạt chuẩn... Những thất bại đó họ đều từng trải qua. Nhưng với niềm yêu thích và nhẫn nại, họ đã thành công với nghề, làm ra những chiếc bánh bông lan, mousse, cheesecake… ngon tuyệt.

Kể chuyện bằng bánh
Return to top