ClockThứ Ba, 25/11/2014 06:58

Không chờ ngân sách

TTH - Giải quyết bài toán thiếu vốn cho nhiều công trình trên địa bàn TP Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, UBND TP Huế cần chủ động, linh hoạt, tranh thủ các nguồn thu, chứ không chỉ chờ vào nguồn ngân sách phân bổ hàng năm.

Công trình chờ vốn

Các công đoạn giải tỏa, chỉnh trang của dự án chỉnh trang bờ sông An Cựu, đoạn từ cầu An Cựu (phía đường Đặng Văn Ngữ) đến cống Phát Lát đã hoàn thành phần giải phóng mặt bằng, đền bù di dời, giải tỏa đã hoàn thành cách đây chừng một năm, với kinh phí đầu tư khoảng 38 tỷ đồng. Phần nền đường cơ bản được san lấp, thông thoáng. Thế nhưng, phần xây kè để hoàn thiện toàn bộ dự án xem chừng khó khả thi, nguyên nhân chính là do thiếu vốn.
Bờ sông An Cựu phía đường Đặng Văn Ngữ đã hoàn thành giải tỏa
Chủ đầu tư dự án là Ban đầu tư và Xây dựng TP Huế cho hay, nếu được bố trí vốn, đơn vị đã bắt tay thực hiện từ cuối năm ngoái. Song, do chưa có nguồn lực nên nơi đây bây giờ vẫn là bãi đất trống. Quy hoạch trở thành điểm xanh như ban đầu chưa thành hiện thực bởi còn thiếu phần xây kè. Do vậy chủ đầu tư chưa thể bàn giao để các đơn vị liên quan triển khai tiếp công đoạn quản lý, sử dụng phần phía trên, gồm vỉa hè, diện tích đã giải tỏa. Dù dự án cải thiện môi trường nước có đầu tư để nạo vét, khơi thông dòng chảy thì mục đích của dự án cũng không vì thế mà đạt được.
Khó khăn hơn còn ở dự án chỉnh trang bờ sông Đông Ba, đoạn từ chợ Phú Bình đến cầu Bãi Dâu. Với dự án này, chủ đầu tư đã triển khai xong phần xây kè. Mặt bằng mỗi bên đã được giải phóng 6m. Chỉ còn thiếu phần bó vỉa, vỉa hè, điện chiếu sáng nữa là hoàn tất toàn bộ công trình như mong đợi của TP Huế là biến khu vực này trở nên sạch đẹp, tinh tươm, tránh tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, gây mất mỹ quan và trật tự đô thị. Dù nguồn kinh phí đầu tư các hạng mục còn lại của dự án không lớn so với mức đầu tư toàn dự án, song do nguồn lực khó khăn nên đến nay, dự án vẫn chưa hoàn chỉnh.
Với dự án xây dựng hạ tầng khu quy hoạch Tây An Hòa phục vụ việc di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa của dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế càng khó khăn hơn, bởi tổng mức đầu tư quá lớn hơn 784 tỷ đồng. Nếu dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho gần như toàn bộ số dân bị ảnh hưởng của dự án. Song, như đã nêu, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai, dù theo kế hoạch sẽ triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015.
 
Không để cái khó bó cái khôn
Rà soát lại các nguồn thu, từ quỹ đất, quỹ nhà. Nếu chưa thể bán đấu giá thì cho thuê để có thêm nguồn thu. Điều chỉnh lại diện tích các lô đất đã quy hoạch, nếu quá lớn 800-900m2 khó bán thì chia thành 2-3 lô, mỗi lô khoảng 300-400m2 để dễ bán. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả đầu tư vào Huế. Trong tất cả các sinh hoạt khác của các cơ quan, phòng ban trực thuộc cũng chỉ đạo, kêu gọi việc thực hành tiết kiệm... là những giải pháp mà Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành nêu nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách trong năm 2015.
Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cùng các ban ngành với UBND TP Huế, Chủ tịch UBND TP Huế - ông Nguyễn Văn Thành nêu nguyên nhân một số công trình chưa kết thúc, hoàn thành như dự kiến là do ngân sách phân bổ năm 2014 chỉ 138 tỷ đồng, thấp hơn 2013 gần 27 tỷ đồng. Trong khi, công trình cần đầu tư lại lớn (154 công trình). Nếu tính bình quân thì mỗi công trình chưa tới 1 tỷ đồng. Trong tổng số 138 tỷ đồng này, TP Huế phải trích 86 tỷ đồng để trả nợ. Với số tiền còn lại, TP Huế phải cân nhắc từng công trình để đầu tư, song vẫn không tránh khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và khó dứt điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, năm tới và các năm tiếp theo sẽ còn khó về nguồn ngân sách phân bổ. Do đó, TP Huế phải chủ động các nguồn thu để có kinh phí đầu tư cho các công trình. Không đầu tư theo kiểu dàn trải, tập trung cho các công trình thiết yếu, có ý nghĩa về mặt chính trị - xã hội...
Trở lại với các công trình nêu trên, ông Hoàng Thiện, Phó Giám đốc Ban đầu tư và Xây dựng TP Huế thông tin, với dự án chỉnh trang bờ sông An Cựu, UBND TP Huế thống nhất giao cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sinh vật cảnh chịu trách nhiệm san lấp mặt bằng để kinh doanh, vừa để tạo nguồn thu cho TP Huế trước khi tìm được nguồn lực để đầu tư xây kè.
Đối với công trình xây dựng hạ tầng khu quy hoạch Tây An Hòa, nguồn vốn đầu tư lớn là do phần xây lắp có vốn đầu tư lớn hơn 430 tỷ đồng, trong đó có việc đầu tư xây dựng 22 khối nhà chung cư 4 tầng, nên TP Huế sẽ ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng khu quy hoạch trước, sau đó mới tính đến chuyện xây nhà chung cư khi được cấp vốn. Trước mắt sẽ hoàn thiện hạ tầng trên diện tích khoảng 8,8 ha để bố trí tái định cư, còn lại sẽ tổ chức phân lô bán nền để có thêm nguồn thu.
Trong năm 2015, TP Huế sẽ tìm nguồn lực để hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án chỉnh trang bờ sông Đông Ba. Một số công trình khác tùy theo tính chất, mức độ, sự cần thiết, thành phố sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top