ClockChủ Nhật, 11/09/2016 05:06

Không chủ quan về “Bức tranh” môi trường

TTH - ông Phan Văn Thông, TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho rằng, so với các địa phương khác, môi trường ở Thừa Thiên Huế chưa đáng quan ngại. Song vẫn phải giám sát, quản lý chặt từ khâu đầu vào lẫn đầu ra để giữ “cánh cửa” môi trường xanh - sạch - đẹp.

Điểm qua bức tranh môi trường chung của tỉnh, ông Phan Văn Thông khẳng định, về cơ bản đảm bảo khá tốt và tiệm cận mức khá. Tuy vậy, vẫn còn một số nơi có mức độ ô nhiễm tương đối, như khu vực bãi rác Thủy Phương, một số nhà máy ở Cụm Công nghiệp Thủy Phương, Nhà máy sắn ở Phong Điền, các cơ sở giết mổ tập trung… Việc gia tăng số cơ sở nuôi tôm công nghiệp ven biển và chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thời gian gần đây đang gây sức ép lớn đối với môi trường, bởi lượng xả thải cũng như tải lượng chất ô nhiễm tăng nhanh nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn.

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Thực trạng ông vừa nêu là do nguyên nhân từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân: tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế hay vùng quy hoạch sản xuất tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ... Nhưng chung quy vẫn do nhận thức về BVMT của người dân còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa cao. Không ít doanh nghiệp nhiều lần bị nhắc nhở, xử phạt do vi phạm về BVMT nhưng vẫn cố tình chậm khắc phục, hoặc khắc phục mang tính đối phó và kéo dài từ năm này sang năm khác vì họ chỉ tính toán yếu tố lợi nhuận trước mắt mà chưa có chiến lược phát triển bền vững.     

Điều ông vừa nói là do cơ chế xử phạt vi phạm môi trường chưa đủ sức răn đe?

tôi không nghĩ vậy. Hiện nay, mức xử phạt hành chính về môi trường không nhẹ. Có cơ sở vừa bị đoàn thanh tra của Bộ TNMT ra quyết định xử phạt lên đến 200 triệu đồng, nhẹ hơn cũng bị phạt 130-140 triệu đồng. với mức phạt tiền tăng cao và các hình thức xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 179 của Chính phủ đang phát huy hiệu quả chính là công cụ có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sở dĩ có sự xem thường pháp luật, tái phạm là do doanh nghiệp có sự so sánh về lợi nhuận kinh tế. Thay vì để đầu tư một hệ thống xử lý cần nguồn vốn đáng kể; đồng thời còn phải chi phí thêm cho khâu vận hành thường xuyên, thì một số doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt mỗi khi bị “sờ gáy”.

Vậy cơ quan chức năng “bó tay” và những “con sâu” tiếp tục làm ảnh hưởng đến môi trường?

Sao lại bó tay?! Mới đây, UBND tỉnh đã cương quyết “đóng cửa” một số cơ sở gây ô nhiễm và buộc các cơ sở này phải hoàn thiện giải pháp khắc phục mới được hoạt động trở lại. Ngay cả những cơ sở sản xuất kinh doanh trước khi đi vào hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động nhưng vi phạm về xả chất thải ra môi trường không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN), chúng tôi bắt buộc phải có kế hoạch xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt yêu cầu (hệ thống xử lý chất thải đảm bảo kỹ thuật, chất thải sau xử lý đạt yêu cầu theo QCVN) mới cho phép đi vào hoạt động.

Chúng ta mới nói đến việc giải quyết phần ngọn, tức khâu xử lý xả thải. phần gốc, tức khâu đầu vào (thẩm định, cấp phép dự án…) được thực hiện như thế nào? Còn tồn tại, vướng mắc gì, không thưa ông?

Việc thẩm định và cấp phép dự án thuộc trách nhiệm của các cơ quan xúc tiến đầu tư. Đối với Sở TNMT, trước khi cấp phép về đất đai, khoáng sản, khai thác tài nguyên nước…, các dự án luôn phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được hội đồng thẩm định kỹ trước khi cấp phép môi trường.

ĐTM hiện là một trong những cơ sở pháp lý chính để quản lý xuyên suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện dự án. Theo Luật BVMT 2014, ĐTM được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án và làm cơ sở để cấp quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp dự án phải quyết định chủ trương đầu tư. Theo tôi, nếu thực hiện ĐTM lúc này thì chủ yếu mang tính dự báo tác động, chưa lường hết tất cả tác động khi triển khai dự án và đi vào vận hành. Nếu thực hiện sau khi có báo cáo nghiên cứu khả thi thì có nhiều yếu tố, dữ liệu hơn, có thể đánh giá ĐTM kỹ hơn và đánh giá tác động sâu hơn. Do đó, chúng ta có thể nghiên cứu thực hiện ĐTM thành hai bước: bước 1 đánh giá tác động sơ bộ để xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư; bước 2 là đánh giá tác động môi trường chi tiết để đánh giá tác động và đề ra các biện pháp bắt buộc chủ dự án phải thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Việc xác định, lựa chọn công nghệ đầu tư cũng rất quan trọng. Đây là trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, nên theo tôi, Bộ này cần kiểm duyệt thật chặt công nghệ sản xuất của nhà đầu tư đảm bảo không gây tác động xấu đến môi trường trước khi cấp phép hoạt động.

Vậy đó có phải là “kẽ hở” và “điểm yếu” ở khâu đầu vào dẫn đến phát sinh ô nhiễm sau khi dự án đi vào hoạt động như thực tế đang diễn ra?

chưa hẳn vậy. Trước đây, do nhu cầu phát triển sản xuất, cần tăng trưởng nhanh, nên có một số giai đoạn chúng ta đơn giản hóa một số bước để khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, qua thời gian, một số nơi đã trả giá về bài học môi trường quá lớn. Hiện nay, các thủ tục quy định khá chặt chẽ và có những yêu cầu cao hơn nhằm hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Nghĩa là tỉnh đã lường trước những hệ lụy gây ảnh hưởng môi trường cũng như từ chối những dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm?

Đúng vậy. Thời gian qua, tỉnh đã từ chối, không cấp phép đầu tư cho một số dự án nhiệt điện, đóng tàu... tại Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, do các dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường; hoặc đã từ chối vị trí đầu tư chưa phù hợp, dễ tác động đến môi trường sống đối với những dự án chăn nuôi quy mô lớn, cơ sở giết mổ gia súc tập trung...

Thừa Thiên Huế nên phát triển theo hướng nào và cần có những giải pháp, chương trình, hành động gì để giảm tác động đến môi trường?

Mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc tạo bứt phá về phát triển kinh tế, cũng như những mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với môi trường, song Thừa Thiên Huế vẫn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản văn hóa; giữ được môi trường xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống và môi trường sống được nâng lên rõ rệt.

Thừa Thiên Huế đang xây dựng và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Do đó, việc phát triển các KCN sản xuất tập trung phải được xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế và BVMT, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, nhưng hiệu quả không cao, gây lãng phí đất đai. Kết hợp tốt việc “lấp đầy” diện tích các KCN với nâng cao chất lượng các dự án đầu tư vào KCN bằng cách khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám, công nghệ cao, quá trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng như có kế hoạch để hình thành các đô thị xanh, đô thị sinh thái, thành phố môi trường trong chuỗi đô thị của tỉnh; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh…

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

TIN MỚI

Return to top