ClockThứ Hai, 01/08/2016 09:24

Không chủ quan với bão

TTH - Bão số 1 có tên quốc tế là Mirinae đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Bắc vào cuối tháng 7 vừa qua được dự báo là không lớn nhưng để lại hậu quả hết sức nặng nề. Điều này cho thấy, công tác dự báo cũng như chủ động đối phó với bão vẫn còn nhiều bất cập.

Tâm bão số 1 ban đầu được xác định ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Nam Định đến Quảng Ninh, với cường độ cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và sẽ suy yếu nhanh trên đất liền. Song, trong thực tế tâm bão lại đổ bộ vào các tỉnh từ Ninh Bình đến Thái Bình, với cường độ cấp 9, giật cấp 10, cấp 13 và quần thảo trong một thời gian dài… làm chính quyền và người dân một số địa phương không phòng tránh kịp. Hậu quả, bão đã làm 10 người chết, mất tích; 21 người bị thương; đánh chìm 12 tàu cá, sập 30 căn nhà; làm hư hỏng hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu, cây xanh; phá hủy nhiều hạ tầng dân sinh quan trọng, gây mất điện kéo dài trên diện rộng…

Quy luật có lặp lại không khi 10 năm trước đây, cũng cơn bão số 1 có tên quốc tế là Chanchu xảy ra vào tháng 5/2006. Ban đầu, dự báo bão Chanchu không đổ bộ vào Việt Nam nhưng sau đó, bão lại đột ngột chuyển hướng vào biển miền Trung Việt Nam, làm công tác kêu gọi tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn không thể thực hiện. Hậu quả, 260 ngư dân các tỉnh miền Trung bị dấn chìm khi đang đánh bắt trên biển; đến nay, đa số vẫn chưa tìm thấy thi thể; để nỗi đau cứ day dứt mãi khôn nguôi!

Theo nhiều chuyên gia khí tượng, khi còn ở cách xa bờ, hướng đi cũng như cường độ của bão rất khó lường. Trong quá trình di chuyển, nếu gặp tác động của một số hình thái thời tiết, địa hình, bão sẽ chuyển hướng; hay gặp điều kiện thuận lợi, bão sẽ tăng cường độ. Do vậy, việc phải thường xuyên cập nhật hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh là hết sức cần thiết. Tốt hơn hết là nên có sự cảnh báo dự phòng với nhiều khả năng xảy ra tại nhiều khu vực, nhiều địa phương, để không xảy ra bị động, bất ngờ.

Bão số 1 là cơn bão khởi đầu cho mùa bão lụt trong năm; theo đó, công tác phòng chống bão lụt cần sớm kiện toàn ngay từ bây giờ. Điều đáng quan tâm nữa là bão thường đi kèm với mưa to gây ra lũ lụt; nên việc triển khai phòng chống bão phải đi liền với phòng chống lũ lụt. Với những tồn tại đã xảy ra trong cơn bão số 1 là bài học kinh nghiệm cho công tác dự báo cũng như việc phòng chống giảm nhẹ thiên tai tại nhiều địa phương sau này. 

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản

Với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ và hơn 10 tổ chức quốc tế đã triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản Huế, với tổng kinh phí hơn 10 triệu USD.

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản
Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế

Trong rất nhiều dấu ấn nổi bật của ngành du lịch năm 2023, việc khai thác các đường bay quốc tế tạo ra nhiều gam màu tươi sáng cho bức tranh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những cột mốc mới từ lượng khách quốc tế, khi họ ngồi trên chuyến bay đáp thẳng xuống sân bay quốc tế Phú Bài.

Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế
Return to top