ClockThứ Hai, 08/12/2014 05:37

Không có vùng cấm

TTH - Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội) ngày 6-12 vừa qua. Điều này thể hiện quan điểm nhất quán, kiên quyết của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, tham nhũng hiện đang trở thành quốc nạn. Đảng ta coi đây là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất của đất nước. Cái khó trong phòng, chống tham nhũng là tham nhũng thường gắn với quyền lợi, gắn với người có chức, có quyền, có điều kiện. Tham nhũng cũng gắn với nhau thành dây, thành nhóm phức tạp. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều giải pháp đồng bộ kiên quyết xử lý các vụ tham nhũng nổi cộm như vụ Vương Chí Dũng, bầu Kiên, thu hồi nhà đất của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện kê khai tài sản... Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng còn thấp. Ngoài nguyên nhân khách quan do tính chất phức tạp, tinh vi của tham nhũng thì việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức. Chẳng hạn, việc kê khai tài sản được thực hiện vài năm nay, nhưng trong các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, bị cáo đầu vụ là những cán bộ chủ chốt ở các bộ, ngành, doanh nghiệp, hàng năm đều thực hiện việc kê khai tài sản, nhưng chẳng ai bị phát hiện có khối tài sản khổng lồ bất minh. Rõ ràng, việc kê khai tài sản của các quan tham không trung thực và việc kiểm tra, xác minh tính trung thực của các bản kê khai không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Với quan điểm phòng là cơ bản, việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp cốt lõi, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật thì công tác hậu kiểm cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đặc biệt, những người được bổ nhiệm, bầu vào các chức vụ quan trọng cần chi tiết hóa việc kê khai và xác minh tài sản cả trước và sau khi hết đảm nhận chức vụ. Thời gian qua, dư luận thường râm ran chuyện cán bộ A. có mấy lô đất, cổ phần góp ở mấy công ty, cán bộ B. mua nhà cho con ở TP Hồ Chí Minh, cán bộ C. tiền đâu mà chu cấp cho con du học ở nước ngoài... nhưng chẳng thấy ai lên tiếng. Nếu làm tốt việc kê khai, công khai, hậu kiểm thì sẽ có ngay câu trả lời, tài sản của vị cán bộ nọ là bao nhiêu, tăng thêm là do đâu; con đi học nước ngoài tự túc hay nhờ học giỏi được cấp học bổng... Nếu có khuất tất, chắc chắn họ sẽ chẳng qua được “nghìn tai, nghìn mắt” của Nhân dân. Khi đó, việc xác minh, thanh tra, kiểm tra sẽ đúng trọng điểm, đúng đối tượng.

Kê khai, công khai tài sản đi đôi với kiểm tra giám sát là cơ chế kiểm soát hiệu quả nhất trong phòng, chống tham nhũng từ nội bộ đến ngoài xã hội. Làm tốt công tác này không nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, mà còn góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top