ClockThứ Bảy, 13/06/2015 11:18

Không còn là ca Huế

TTH - Nhà thơ Võ Quê, người góp công lớn nhất đưa ca Huế xuống biểu diễn trên sông Hương trăn trở rằng, hiện nay các nghệ sĩ, diễn viên chủ yếu biểu diễn những bài dân ca, lý, vè… chứ không phải biểu diễn những bài bản của ca Huế.

Một chương trình ca Huế trên sông

Nhập nhằng

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Festival Huế đón tiếp một đoàn khách ở miền Nam ra công tác. Nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Huế, anh Tuấn dẫn đoàn đi nghe ca Huế trên sông Hương. Là người từng tìm hiểu về ca Huế, anh Tuấn cho hay: “Lâu lắm rồi tôi mới quay trở lại nghe ca Huế trên sông Hương, nhưng không hiểu vì sao mà các ca sĩ và nhạc công chỉ biểu diễn những bài như lý mười thương, lý giao duyên, Vè nữ sinh Đồng Khánh,…Còn những bài như Nam Ai, Nam Bình… rất quen thuộc mà vài năm trước đó tôi từng nghe giờ không thấy nữa”.

Nhà thơ Võ Quê nhận định: “Những ngày đầu ca Huế xuống sông Hương chỉ biểu diễn những bài bản ca Huế, nay các nghệ sĩ, diễn viên chủ yếu hò lý, hò giã gạo, hát chầu văn… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ca Huế trên sông Hương đang bị biến chất như vậy, trong đó, nguyên nhân hàng đầu là các nghệ sĩ, diễn viên, không phân biệt được ca Huế và các loại hình dân ca khác, đặc biệt là những diễn viên trẻ mới bước vào nghề. Sự dễ dãi và không phân biệt được của du khách cũng là yếu tố khiến các diễn viên thoải mái biểu diễn mà không sợ khán giả thắc mắc”.

Trao đổi với ông La Thiên Phương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm quản lý Ca Huế - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi được biết các chương trình được xây dựng sẵn đang bị nhập nhằng giữa các thể loại. “Một chương trình mẫu để biểu diễn ca Huế trên sông Hương hiện có dân ca, lý, vè. Thực tế trong chương trình còn nhiều vấn đề, miễn sao, các diễn viên biểu diễn âm nhạc truyền thống, không biểu diễn nhạc tân thời. Theo quy định về nội dung một chương trình thì phải biểu diễn ca Huế, chỉ khi biểu diễn xong chương trình mà khách yêu cầu thì có thể biểu diễn các loại hình khác để phục vụ. Trong nhiều cuộc làm việc, chúng tôi đã nhắc nhở và khuyến cáo chỉ khi đã biểu diễn xong chương trình thì mới biểu diễn thêm nếu khách có nhu cầu”, ông Phương, cho biết.

Kiểm soát chặt hơn

 “Các nghệ sĩ lớn tuổi, có kinh nghiệm trong biểu diễn ca Huế cũng đối mặt với căn bệnh "lười", khi hát ngắn lại hoặc cắt bớt một số đoạn. Lâu dần trở thành thói quen, dẫn đến thế hệ trẻ sau này tưởng ca như vậy và hát theo. Biểu hiện như bài Hò mái nhì, phải có những đoạn ngưng nghỉ để mái nhì cất lên thì bài hò mới hay: đưa câu mái đẩy… ờ… ơ… đưa câu mái đẩy chạnh lòng… (ngưng) ơ… nước non, nhưng các diễn viên hát luôn một mạch "đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”, nhà thơ Võ Quê chia sẻ.

Ông La Thiên Phương nhấn mạnh: “Thời gian đến, chúng tôi sẽ cấp phép hoạt động cho các nghệ sĩ theo Nghị định 79 của Chính phủ. Nhằm tiến đến biểu diễn ca Huế trên sông Hương thành những chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ cấp thẻ hoạt động cho những nghệ sĩ có bằng cấp, đã tốt nghiệp từ các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Còn những người không được đào tạo chuyên nghiệp mà được truyền nghề qua truyền khẩu, trong từng hộ gia đình mà có thể biểu diễn thì chúng tôi sẽ tổ chức các buổi thẩm định chất lượng. Chỉ khi đáp ứng đủ những yêu cầu về chuyên môn thì mới được cấp phép tham gia biểu diễn ca Huế”.

Những ngày đầu khi ca Huế được biểu diễn trên sông Hương là một niềm vui lớn của những nghệ sĩ, những nhà quản lý tâm huyết với ca Huế. Những người đầu tiên đưa ca Huế xuống Sông Hương giờ nhìn lại họ cảm thấy tiếc cho một không gian biểu diễn phù hợp, có sức lan tỏa cho ca Huế. Qua thời gian, những nghệ sĩ lớn tuổi, những nghệ sĩ thực sự tâm huyết với ca Huế đã không còn tham gia, nên những bài bản ca Huế cũng ít được biểu diễn.

“Mỗi lần thấy tôi xuống bến thuyền xem biểu diễn là các diễn viên rất lo lắng. Tôi đã động viên rằng đối với ca Huế thì cần sự chịu khó tìm hiểu kỹ hơn, luyện tập nhiều hơn. Khi chúng tôi tổ chức ca Huế thính phòng ở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhiều bạn trẻ đến tham gia biểu diễn. Mới đầu các bạn cũng hiểu nhầm những bài dân ca là ca Huế, qua thời gian tìm hiểu các bạn ấy đã ca được những bài của ca Huế, lúc ấy chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Tôi đã nói với các diễn viên rằng mình đang làm du lịch, đang góp phần quảng bá văn hóa Huế đến với bạn bè khắp nơi, lỡ gặp những vị khách có tìm hiểu, nghiên cứu về ca Huế mà yêu cầu hát bài gì đó mà chúng ta không hát được thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch của Huế”, nhà thơ Võ Quê tâm sự.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Footsteps Travels, chi nhánh Huế, chia sẻ: “Theo tôi, khi xây dựng các chương trình cần có thêm người hướng dẫn, thuyết trình. Tăng cường sự tương tác giữa người biểu diễn và người nghe, có thể mời du khách cùng tham gia biểu diễn. Lúc đó, sẽ góp phần đưa ca Huế đến gần hơn với du khách. Lâu nay, du khách đến thưởng thức ca Huế trên sông Hương chủ yếu với mục đích duy nhất là để thỏa mãn nghe, nhìn mà thôi”.

Bài, ảnh: Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top