ClockThứ Năm, 21/11/2019 06:45
THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP:

Không đánh đổi môi trường

TTH - Để bảo vệ môi trường, UBND tỉnh chỉ xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án (DA) kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ cũng như các DA không gây tác hại đến môi trường.

Chuẩn bị tốt hạ tầng đón các nhà đầu tư thứ cấp

Vận chuyển men frit tại KCN Phong Điền

Những dự án triệu đô

Sau thời gian nghiên cứu và khảo sát thực địa, cuối tháng 9/2019, DA sản xuất găng tay bảo hộ trong ngành điện tử, găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động đa chức năng và sản xuất sợi polyethylen của Công ty Kanglongda International Holdings Limited được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCN Phong Điền - Viglacera.

Đây là một trong những DA quy mô lớn có tổng mức đầu tư 206 triệu USD, tương đương 4.800 tỷ đồng, công suất 10 tỷ chiếc găng tay và 800 tấn sản phẩm polyethylen/năm, tiến độ thực hiện từ năm 2019 - 2023.

Chủ tịch Công ty Kanglongda International Holdings Limited, ông Zhang Jian Fang cho rằng, trước khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy tại Thừa Thiên Huế, công ty đã khảo sát nhiều KCN tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Tĩnh. "Chúng tôi lựa chọn Phong Điền để xây dựng nhà máy vì đây là KCN có hạ tầng khá đồng bộ, từ hệ thống giao thông, điện, nước sạch và vị trí thuận lợi để vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không, đồng thời đây là KCN duy nhất của tỉnh được quy hoạch khu hậu cần dịch vụ cho công nhân", ông Zhang Jian Fang thông tin.

Sản xuất hàng dệt may tại KCN Phong Điền

Theo ông Zhang Jian Fang, sau khi đưa giai đoạn 1 vào hoạt động, quý I/2021, doanh nghiệp tiếp tục khởi công giai đoạn 2 và 3 để phát triển chuỗi nhà máy tại KCN Phong Điền và các KCN trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Sau 4 năm xây dựng, DA xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền - Viglacera có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng đã đi vào giai đoạn cuối để chuẩn bị đón các nhà đầu tư thứ cấp, đây là DA hạ tầng thứ 3 được xây dựng tại KCN nhằm hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư.

Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera, ông Nguyễn Hoàng thông tin, KCN Phong Điền Viglacera được quy hoạch với diện tích 286ha, đến nay, công tác xây dựng hạ tầng đã hoàn thành 84% và đã thu hút nhà đầu tư thứ cấp là Công ty Kanglongda. Hiện công ty đang tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư thông qua các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, cấp nước và hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tận dụng ưu đãi

Theo thống kê, hiện KCN Phong Điền đã thu hút 14 DA, tổng vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng, trong đó có 3 DA xây dựng kết cấu hạ tầng KCN và 11 DA sản xuất kinh doanh.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, ngoài hạ tầng giao thông, quỹ đất khá thuận lợi thì KCN Phong Điền là KCN duy nhất của tỉnh được quy hoạch chi tiết khu hậu cần dịch vụ cho công nhân. Với quy mô 102ha, khu hậu cần dịch vụ bao gồm các thiết chế văn hóa như nhà ở cho công nhân, trường mầm non, nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu nhà ở và vui chơi giải trí cho 25 - 30.000 ngàn công nhân, đây là lợi thế cho các nhà đầu tư đến xây dựng DA tại KCN. Đây cũng là KCN duy nhất được Chính phủ quy hoạch mỏ cát thạch anh với diện tích 3.800ha, đáp ứng nguyên liệu để chế biến các sản phẩm từ cát.

Hiện, có 7 nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát địa hình để xây dựng nhà máy sản xuất hàng phụ trợ dệt may tại KCN Phong Điền, song UBND tỉnh chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư do lo ngại về môi trường. Bởi, tất cả nguồn thải ở KCN đều chảy ra sông Ô Lâu, sau đó thông thương ra vùng phá Tam Giang, trong khi chất thải ở các nhà máy dệt nhuộm có thể gây hủy hoại vùng đầm phá và môi trường biển nếu không đảm bảo các quy trình xử lý.

Không đánh đổi môi trường

Sau khi phê duyệt đề án xây dựng KCN hỗ trợ ngành dệt may tại KCN Phong Điền, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh chỉ xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm và có kế hoạch giám sát cụ thể. Đối với các DA sản xuất trong KCN hỗ trợ ngành dệt may đáp ứng đủ điều kiện về môi trường theo quy định của pháp luật, ưu tiên các DA có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương.

Ông Sơn cho biết, trong quá trình kêu gọi đầu tư, Ban đã yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm đầu tư công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương; đó là đầu tư dây chuyền sản xuất không thải nước thải ra môi trường mà chuyển thành chất thải rắn sau đó đưa đi tiêu hủy hoặc chôn lấp. Song, do chi phí đầu tư cao nên các nhà đầu tư đang cân nhắc.

Tại KCN Phong Điền - Viglacera, hiện nhà đầu tư hạ tầng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các nhà máy, trong đó có DA sản xuất găng tay bảo hộ và sợi polyethylen của Công ty Kanglongda sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2021.

“Đến nay, đã có 3 nhà đầu tư đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đến nghiên cứu để xây dựng nhà máy nên việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải là yêu cầu số 1, là tiêu chí để UBND tỉnh xem xét trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng khẳng định.

Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, KCN Phong Điền ưu tiên các ngành gắn với vùng nguyên liệu silicat; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản; công nghiệp dệt - nhuộm - may, công nghiệp may thời trang, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may. Riêng khu B và khu B mở rộng (147ha) dành riêng cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến cát thạch anh, silicat.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế

Du lịch ẩm thực đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Huế tự hào với nền ẩm thực phong phú, đa dạng, nhưng để ẩm thực trở thành lợi thế cạnh tranh thu hút khách thì còn nhiều việc cần làm.

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

TIN MỚI

Return to top