ClockThứ Sáu, 08/05/2015 13:01

Không dễ báo tin xấu cho bệnh nhân ung thư

TTH - Một bạn đọc nữ ở một tỉnh phía Nam có người thân mắc bệnh ung thư phản ánh băn khoăn trên báo: “Vì sao khi bác sĩ ở bệnh viện tỉnh phát hiện chú tôi bị ung thư thì chỉ thông báo cho người nhà chú tôi biết mà ở bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh thì y tá lại công khai cho bệnh nhân? Cách thông báo nào sẽ phù hợp với người bệnh ung thư?” Sự việc gây bức xúc cho cả bệnh nhân và gia đình. Thật ra, “báo tin xấu” (breaking bad news) là công việc không hề dễ dàng, và là một trong những bài học cơ bản thuộc chuyên ngành Chăm sóc giảm nhẹ (Palliative Care) mà bất kỳ thầy thuốc ung bướu nào cũng cần phải nắm rõ.

Khám cho bệnh nhân bị ung thư tại BV Trung ương Huế

Tin xấu

6 bước trong tư vấn và giải quyết vấn đề:
1.     Xây dựng mối quan hệ tin cậy với người bệnh
2.     Cùng bệnh nhân tìm hiểu chính xác tình trạng của họ thông qua việc lắng nghe, đặt câu hỏi mở, không dùng các câu hỏi dẫn dụ
3.     Tìm ra những vấn đề, và cả những điểm mạnh của bệnh nhân
4.     Cùng người bệnh lên kế hoạch và đề ra mục tiêu
5.     Giúp người bệnh thực hiện kế hoạch
6.     Theo dõi, giám sát, điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết
“Bất kỳ thông tin làm ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến viễn ảnh của mỗi cá nhân về tương lai của họ”. Trong trường hợp này, tin xấu chính là bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đó thực sự là một cú sốc. Tâm trạng ngay lúc ấy của người chú trong phản ảnh của bạn đọc là “sững sờ, không nói được điều gì”, “buồn bã, trách cứ người thân đã giấu bệnh” và nghiêm trọng hơn là “không chịu điều trị tiếp”. Nhiều bệnh nhân còn bộc lộ những cảm xúc khác nhau: có người khóc lóc, gào thét, có người đập đầu vào tường hay thậm chí giận dữ túm cổ áo xông vào “quyết thua đủ” với bác sĩ... Bệnh nhân dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, giàu nghèo, quandân hay nghề nghiệp ra sao, chẩn đoán bị ung thư là một “án tử” làm sụp đổ tất cả tương lai trước mặt. Do vậy, mục tiêu của báo tin xấu là làm sao để bệnh nhân hiểu rõ và chấp nhận hoàn cảnh, bệnh tình, đồng thời tạo cho họ đầy đủ niềm tin, sức lực để chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác - một cuộc chiến cam go, lâu dài và bào mòn chất lượng cuộc sống. Trách nhiệm nặng nề này thuộc về bác sĩ điều trị, người nắm rõ chẩn đoán, diễn tiến bệnh, kế hoạch điều trị, các phương pháp điều trị, các biến chứng, tai biến có thể xảy ra và cả tiên lượng bệnh. Qua buổi báo tin xấu, bác sĩ cũng sẽ hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân, giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ tâm lý và nêu ra những điều cần đến sự hợp tác của bệnh nhân và người thân. Phải quyết định thời gian và địa điểm báo tin xấu cho phù hợp. Chỉ duy nhất bệnh nhân hay còn ai nữa trong gia đình muốn biết tin xấu? Ở nước ngoài, thường thì bệnh nhân tự chủ trong quyết định của mình trong khi ở Việt Nam những người thân trong gia đình có thể can dự nhiều hơn, thậm chí có tiếng nói quyết định. Ngoài ra, báo tin xấu là một quá trình đưa thông tin dần dần từng ít một nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy dễ dàng, thoải mái hơn trong việc tiếp nhận thông tin đó cho nên tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc nên thông báo tin xấu đến mức độ nào. Đó là cả một nghệ thuật.
Kỹ thuật SPIKES
Là hướng dẫn sáu bước do các chuyên gia của Trung tâm Ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ) biên soạn nhằm giúp các bác sĩ chuyển tải tin xấu một cách hiệu quả cho người bệnh ung thư. Đó là:
S (Setting and listening skills): Thiết kế buổi trò chuyện, bao gồm một nơi chốn riêng tư, chỗ ngồi thoải mái làm sao tạo không khí dễ chịu gần gũi. Một chi tiết đơn giản nhưng ít được lưu ý là cần chuẩn bị một hộp khăn giấy để lau nước mắt cho bệnh nhân. Ở bước này còn thể hiện kỹ năng của bác sĩ trong việc kiểm soát thời gian, diễn biến và những gián đoạn có thể xảy ra.
P (Patient perception): Đánh giá nhận thức của người bệnh. Bằng một số câu hỏi, đơn giản bác sĩ có thể sơ bộ đánh giá hiểu biết của người bệnh về bệnh tật của mình, chẳng hạn “ông/bà thấy sức khỏe trong người ra sao?”, “ông/bà có biết vì sao bác sĩ cho đi chụp phim cắt lớp hay không”, hay “ông/bà có biết kết quả điều trị bệnh này sẽ thế nào?”...
I (Information): Lấy thông tin bằng cách lắng nghe ý kiến của người bệnh với câu hỏi, như “Ông/bà có muốn tôi giải thích thêm hay dành thời gian nhiều hơn để nói về phương án xử trí, hay kết quả...?”. Nên để bệnh nhân quyết định mức độ thông tin cần biết để bệnh nhân cảm thấy tự tin, “được trao quyền” từ đó cũng giúp bệnh nhân kiểm soát bản thân tốt hơn.
K (Knowledges in giving facts): Chuyển tải kiến thức và thông tin đến người bệnh. Cần sử dụng những ngôn từ dễ hiểu, so sánh ví von, khuyến khích người bệnh đặt câu hỏi... và đặc biệt cần tránh những câu cảm thán tiêu cực, như “Chúng tôi không thể làm gì hơn được nữa!”...
E (Expore emotions and options): Thể hiện sự thấu cảm qua quan sát những diễn biến bộc lộ cảm xúc của bệnh nhân, xác định nguyên nhân của những cảm xúc đó. Cần tạo một khoảng lặng cho cảm xúc qua đi trước khi bước qua vấn đề khác, đồng thời có thể nhắc nhở bệnh nhân về sức mạnh tiềm tàng trong họ cũng như từ các nguồn hỗ trợ khác.
S (Strategy and summary): Chiến lược và tóm tắt. Cần đảm bảo mọi vấn đề đã được giải quyết (gút lại những điểm quan trọng, kiểm tra sự hiểu biết của bệnh nhân...), nhất là bệnh nhân đã sẵn sàng tham gia trước khi thảo luận đến kế hoạch điều trị và chăm sóc trong tương lai, không quên gieo niềm hy vọng có lý cho bệnh nhân.
Thực tế lâm sàng cho thấy, việc điều trị ung thư sẽ đạt hiệu quả cao hơn với những bệnh nhân có tâm lý vững vàng, lạc quan và tin tưởng vào đội ngũ thầy thuốc cũng như những tiến bộ của y học. Hiệu quả của việc “báo tin xấu” giúp bệnh nhân có được điều đó.
Bài, ảnh: TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top