ClockThứ Sáu, 15/07/2022 09:46

Không để bỏ hoang ruộng đất

Gieo cấy kịp thời vụ lúa hè thu

870ha diện tích đất sản xuất lúa vụ hè thu 2022 trên địa bàn tỉnh bị bỏ hoang là thông tin được ngành nông nghiệp công bố.  Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên tình trạng bỏ hoang đồng ruộng xảy ra trên diện rộng ở Thừa Thiên Huế. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho ngành nông nghiệp trong quá trình tổ chức sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo lý giải của ngành nông nghiệp, nguyên nhân tình trạng trên là do diễn biến bất thường của thời tiết, ảnh hưởng của thiên tai nên vụ hè thu năm nay bị trễ khung lịch thời vụ từ 15-30 ngày, nếu đưa vào gieo cấy sẽ thu hoạch sau ngày 15/9, rơi đúng vào thời điểm lũ chính vụ sẽ gây nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi năng suất vụ hè thu thường thấp hơn vụ đông xuân, giá lúa thương phẩm thấp… là nguyên nhân khiến người nông dân bỏ hoang ruộng vụ hè thu.

Với người nông dân, bỏ hoang ruộng đất là một quyết định khó khăn, bởi họ sẽ thiếu việc làm, không thu nhập, nhưng chắc chắn họ đã có tính toán kỹ lưỡng được đúc rút từ thực tế sản xuất để tránh rơi vào cảnh “đánh bạc với trời”, chịu những rủi ro, tổn thất. Nhưng nhìn trên bình diện rộng của cả nền kinh tế, việc nông dân bỏ hoang ruộng đất kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn, an ninh lương thực của đất nước và tác động đến nhiều ngành kinh tế, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu…

Với đặc thù là một nước nông nghiệp, cư dân sống ở vùng nông thôn lớn, ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh vai trò to lớn của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến quá trình xây dựng đất nước hiện nay. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua và những biến động của thế giới hiện nay, nông nghiệp đã thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần giúp nước ta vượt qua khó khăn, sớm phục hồi nền kinh tế.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022) xác định “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Với quan điểm đó, đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Với Thừa Thiên Huế, thời gian qua, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có bước phát triển khá toàn diện; nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Để nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa. Tỉnh đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên 3 nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP). Năm 2021, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành nông nghiệp đạt 3,62%, chiếm 11,7% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, nếu không có sự thích ứng theo hướng “thuận thiên” thì việc bỏ hoang ruộng đất sẽ còn tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường cần rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top