ClockThứ Tư, 18/05/2022 14:46

Không để các em ngại nói tiếng Việt

Một nữ giáo viên tiểu học ở A Lưới tâm sự, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS)  thích nói bằng tiếng mẹ đẻ và ngại nói tiếng Việt. Cô cũng cho biết, bản thân cô là một giáo viên người Kinh, ban đầu chưa biết tiếng DTTS nên gặp nhiều khó khăn. Để làm tốt nhiệm vụ, cô đã tự học.

Nhờ trình độ về tiếng DTTS  được nâng lên, cô tự tin hơn rất nhiều và đã chủ động giao tiếp với các em nên rào cản này từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên theo cô, kỹ năng tiếng Việt của một số phụ huynh còn hạn chế nên việc giúp các em nói tiếng Việt ở nhà gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học DTTS  nơi đây nếu phụ huynh học sinh thực sự quan tâm đến môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt cho con em.

Cùng với đại dịch COVID-19, mưa lụt kéo dài nên nhiều hoạt động bị gián đoạn, ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục nói chung và việc tăng cường tiếng Việt nói riêng, đó được xem là những trở ngại và khó khăn khi triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 -2020 và định hướng đến năm 2025 của UBND huyện A Lưới.

Vượt qua khó khăn, các trường học trong huyện được chỉ đạo sử dụng buổi 2/ngày, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra thực hiện chương trình, tích hợp, lồng ghép ở tất cả các môn, các hoạt động và ở mọi lúc, mọi nơi trong trường để nâng cao chất lượng tiếng Việt cho học sinh. Đặc biệt, nâng cao trình độ tiếng dân tộc cho người thầy và tiếng Việt cho các bậc phụ huynh là 2 vấn đề cùng được đặt ra. Phối hợp với Phòng Nội vụ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các  lớp tiếng DTTS cho giáo viên người Kinh. Trong khi đó, Phòng GD&ĐT huyện mở 2 đợt bồi dưỡng tiếng Việt cho phụ huynh học sinh DTTS.

Giúp  học sinh không còn ngại ngùng, nhiều ngày hội được tổ chức, như Đọc sách và xây dựng tủ sách thân thiện, Kể chuyện sách, Bóng đá vui… Qua giao lưu, các em có cơ hội giao tiếp, bổ sung vốn ngôn ngữ tiếng Việt. Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường sử dụng tài liệu, tranh ảnh phù hợp, cung cấp thiết bị dạy học tiếng Việt cho tất cả các lớp và điểm trường, phục vụ cho việc tăng cường tiếng Việt.

Theo đánh giá của ông Hồ Văn Khởi, Phó Trưởng phòng GD&ĐT A Lưới, nhờ làm tốt công tác tăng cường tiếng Việt tại các trường học không chỉ giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động (hơn 85% trẻ, học sinh nói sành tiếng Việt) mà lan tỏa đến các bậc phụ huynh cũng như xã hội, tạo đồng thuận và điều kiện tốt nhất trong công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ, học sinh hiện nay. Tỷ lệ học các lớp từ 2 đến 5 trong huyện được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học lên tới 98,8%.

Đầu mỗi năm học, A Lưới có khoảng 2.000 trẻ, học sinh vào nhà trẻ và lớp 1 trong đó gần 1.600 em là học sinh dân tộc thiểu số. Một khảo sát nhỏ kiểu “bỏ túi”của những người bạn trong ngành giáo dục địa phương cho thấy, có khoảng hơn 35% em có vốn từ hạn chế, khó khăn trong phát âm và rất ngại giao tiếp bằng tiếng Việt. Tỷ  lệ này, đáng mừng đã giảm xuống còn chừng 15% vào cuối năm học.

Từ thực tế ở A Lưới, thiết nghĩ cần có những hỗ trợ giáo viên trực tiếp tham gia tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, có chế độ phù hợp để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển năng lực tiếng Việt. Đồng thời, phát triển thêm nguồn học liệu, trang thiết bị và đồ dùng dạy học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS. Vấn đề đặt ra là, khuyến khích và tạo môi trường học tập để các em không còn ngại sử dụng tiếng Việt nữa. 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trẻ dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt

Sau 1 năm thực hiện kế hoạch số 343/KH-UBND tỉnh về việc thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, đến nay, các trường mầm non có trẻ em người dân tộc thiểu số có đủ các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, phù hợp theo từng độ tuổi đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Trẻ dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt
Giao lưu tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số

Ngày 1/12, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ người dân tộc thiểu số năm học 2023-2024 tại Trường mầm non Bắc Sơn và Trường mầm non A Ngo, huyện A Lưới.

Giao lưu tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top