ClockThứ Hai, 09/09/2013 11:11

Không để cái khó bó cái khôn - Bài 1: Những thách thức

TTH - Chỉ còn không lâu nữa các xã điểm, huyện điểm của tỉnh phải hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch. Nhưng quá trình triển khai bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, cần có biện pháp tháo gỡ một cách thỏa đáng.

Mặc dù có nhiều nỗ lực vượt khó, nhưng trong quá trình xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. 

Nhìn từ cơ sở
 

Chiến sĩ bộ đội giúp dân làm vệ sinh môi trường ở Quảng Phú

 
Có dịp chứng kiến các cán bộ chiến sĩ và nhân dân xã Quảng Phú (Quảng Điền) ra quân làm vệ sinh môi trường, bê tông đường làng, ngõ xóm mới cảm nhận không khí xây dựng NTM tất bật, hối hả đến chừng nào. Chỉ trong mấy ngày giữa tháng 8 vừa qua, các lực lượng xây dựng hoàn thành một số tuyến đường bê tông, dọn dẹp vệ sinh môi trường trên nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm trên địa bàn Quảng Phú. Ông Hồ Nhớ ở thôn Hạ Lang, phấn khởi: “Nhà nước có của, dân góp công làm đường. Vất vả, nhưng ai cũng vui”. “Góp công bao nhiêu cũng được. Còn góp tiền thì người dân sẽ gặp khó khăn...”, ông Hồ Cường tiếp lời.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú - Phan Văn Lợi - nói: “Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là địa phương phải “cán đích” NTM. Chính quyền và nhân dân đang “chạy đua” với thời gian. Trở lực lúc này vẫn là kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Quảng Phú là xã thuần nông, gần đây thường xuyên mất mùa, giá cả không ổn định. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn yếu, dịch vụ hầu như chưa có gì nên thu nhập và đời sống của người dân chưa cao. Đó là trở lực lớn trong việc huy động kinh phí xây dựng các công trình, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
 
Ông Phan Văn Lợi cho biết thêm, khó khăn về kinh phí đầu tư nên cơ sở vật chất trường học còn yếu chưa đáp ứng yêu cầu. Một số phòng học xây dựng lâu năm xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Trên địa bàn vẫn còn nhiều tuyến đường bằng đất chưa được bê tông, mở rộng, gây trở ngại trong việc giao thông đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ. Hệ thống trục đường chính giao thông nội đồng mới chỉ xây dựng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất. Nhiều hệ thống kênh mương bằng đất chưa được xây dựng kiên cố, thường hư hỏng trong mùa bão, lũ gây trở ngại trong sản xuất nông nghiệp... Đó chính là những tác nhân khiến hiệu quả sản xuất nông nghiệp mấy năm qua bị cầm chừng.
 
Nói về những khó khăn, thách thức của các địa phương trong việc xây dựng NTM, ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền cho biết, Quảng Điền còn nhiều khó khăn, thu ngân sách hằng năm chỉ khoảng 15 tỷ đồng là trở lực trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Các công trình do Nhà nước đầu tư 100% chậm cấp kinh phí nên xã gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng theo kế hoạch. Các công trình do Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí vẫn chưa có cơ chế cụ thể nên các địa phương lúng túng trong triển khai. Quảng Điền còn là vùng thấp trũng, thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều cán bộ do trình độ thấp nên lúng túng trong việc quy hoạch và chọn cây trồng vật nuôi phù hợp để đưa vào sản xuất. Trình độ lao động nông thôn còn thấp, trong khi công tác đào tạo nghề gặp khó khăn do người dân không “mặn mà” việc học nghề.
 
Nhiều khó khăn đặt ra
 

Bộ đội giúp dân làm đường xây dựng NTM

 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phạm Đình Văn nêu ra nhiều khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng NTM. Trước tiên, công tác quy hoạch cấp xã mới chỉ làm tốt phần hạ tầng cơ sở, khu trung tâm xã, các khu dân cư, sử dụng đất, còn quy hoạch phân vùng sản xuất đang lúng túng. Nhiều quy hoạch không thể hiện rõ lợi thế địa phương, chưa chú trọng đến lợi thế lịch sử, văn hóa, cảnh quan nhằm phát triển kinh tế, phục vụ du lịch... Công tác thẩm định và phê duyệt đồ án nặng về xây dựng; nhu cầu kinh phí, diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các xã rất lớn làm mất nhiều đất canh tác, đất ở của người dân. Quy hoạch vùng sản xuất, điểm dân cư... chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, chưa phù hợp với thực tế phát triển sản xuất và tiêu chuẩn NTM.
 

Sau 3 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh huy động tổng nguồn vốn 668,383 tỷ đồng; trong đó, Trung ương 55,411 tỷ đồng, lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia 176,030 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương 436,942 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 24 xã đạt 15-18 tiêu chí, 67 xã đạt 10-14 tiêu chí NTM... Phấn đấu cuối năm nay, các xã Hương Giang, Hương Hòa (huyện Nam Đông), xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đạt chuẩn NTM.

Với kinh phí 4,7 tỷ đồng, mấy năm qua, các ban ngành đã xây dựng 55 mô hình kinh tế nông thôn tại 47 xã trên địa bàn tỉnh. Các mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả không cao, do đầu tư dàn trải mang tính hình thức, chủ yếu góp phần giảm nghèo, khó nhân rộng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trên địa bàn đã sản xuất thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lúa, đưa nhiều loại lúa mới chất lượng vào sản xuất. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân còn chậm. Người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Khi chưa có cơ chế cho vay vốn thuận lợi, hỗ trợ lãi suất cho vay phát triển kinh tế thì việc huy động nguồn lực trong dân vào xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn là điều tất yếu.

Trong khi thu nhập của người dân còn thấp, việc huy động nguồn vốn gặp khó khăn, thì nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào NTM rất “khiêm tốn”. Việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các huyện, thị xã và các xã gặp rất nhiều khó khăn do doanh thu và thu ngân sách còn thấp. Thiếu vốn dẫn đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn chậm. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều công trình giao thông, giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư kịp thời. Nhiều nhà văn hóa thôn, các công trình công cộng, khu thể thao giải trí chưa quan tâm xây dựng, một số công trình xây dựng quy mô chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều công trình xử lý môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Môi trường khu vực nông thôn đang có xu hướng ô nhiễm, do hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi nhiều bất cập.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top