ClockThứ Sáu, 09/12/2022 13:45

Không dễ quản lý giáo viên và học sinh

TTH - Trong nhà trường có hai đối tượng cơ bản là giáo viên và học sinh, người dạy và người học. Việc quản lý trong nhà trường nói chung, quản lý giáo viên và học sinh nói riêng trên thực tế không hề đơn giản.

Hương Thủy tổ chức thi giáo viên dạy giỏi sau 2 năm gián đoạnVào lớp 10, học sinh thành phố và các huyện, thị đều thiRà soát, xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho học sinh, sinh viên, người lao động

Giáo viên luôn có những lợi thế trong việc quản lý học sinh. Ảnh: MC

Tôi còn nhớ lời chia sẻ của một cô giáo làm công tác quản lý lâu năm rằng, sau khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, cô còn phải học một lớp kế toán, bởi theo cô phải học để biết mà chỉ đạo trong việc thu thập, xử lý thông tin, số liệu và kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính cho chính xác.

Có người cho rằng, quản lý giáo viên khó nhưng lại dễ ở chỗ họ đều là người có trình độ và có nhận thức. Chỉ cần có kế hoạch cụ thể, phân công lao động phù hợp, có chiến lược, có tầm nhìn, khách quan, công bằng và công tâm thì sẽ làm tốt và hiệu quả cao.

Tuy nhiên, nếu trong một tập thể chỉ có một hoặc một vài thành viên không có tinh thần xây dựng hoặc thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc, hay chưa được đảm bảo về quyền và lợi ích của mình thì rất dễ xảy ra những mâu thuẫn nội bộ. Trong trường hợp này đòi hỏi vai trò của công đoàn. Công đoàn là tổ chức giữ vai trò quan trọng trong việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công đoàn viên, xây dựng tinh thần đoàn kết và tổ chức tham gia đánh giá các phong trào thi đua trong đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải hết sức công tâm, tránh ngại va chạm, né tránh hoặc giải quyết mâu thuẫn không thấu đáo mà làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết nội bộ. Nhiều cán bộ quản lý ngại mất lòng anh em nên không dám đấu tranh, phê bình… vì lo ngại đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Một sự lạ là, nhiều cán bộ quản lý làm việc rất tốt, dám nghĩ dám làm, dám nói thẳng… nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm thì thấp, thậm chí rất thấp. Phải chăng yếu tố cảm tính trong bầu, bỏ phiếu tín nhiệm đã làm ảnh hưởng quá lớn đến kết quả cũng như quá trình làm việc của một số cán bộ làm công tác quản lý?

Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, cũng đòi hỏi cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục phải nắm bắt và biết sử dụng các phần mềm quản lý trường học để giúp cho việc phát triển hệ thống của trường được quy củ và chuyên nghiệp hơn. Việc ứng dụng các phần mềm để quản lý giáo viên, quản lý hồ sơ, lý lịch học sinh, quản lý điểm, quản lý quá trình học tập, rèn luyện học sinh… cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh nhanh chóng, kịp thời… sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong trường học nói chung, quản lý học sinh nói riêng.

Trên thực tế, đối tượng quản lý chủ yếu trong nhà trường là học sinh và việc đó không dễ chút nào, bởi các em đang trong quá trình hình thành nhân cách quan trọng nhất, cần được định hướng, được giáo dục. Học sinh dù ở độ tuổi nào cũng có cái khó cho người dạy, người quản lý: Trẻ nhỏ thì lo ngại ốm đau, lo chế độ ăn uống ngủ nghỉ; trẻ lớn hơn chút lại hiếu động, ham chơi, chạy nhảy… thì lo sợ ngã, sợ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, sợ nghiện game hay sợ rơi vào tệ nạn xã hội... Học sinh cấp trung học phổ thông tưởng đã lớn, nhưng thực tế đây lại là lứa tuổi cần được quan tâm nhất, bởi đặc điểm lứa tuổi này là rất nhạy cảm, chưa lớn nhưng lại muốn làm người lớn, các em muốn được tôn trọng, muốn được đối xử công bằng, muốn thử sức, muốn khám phá cái mới, muốn tách mình ra khỏi sự quản lý và kiểm soát của gia đình… nên rất cần cha mẹ, thầy cô định hướng, giúp đỡ.

Cách đây 4 năm, trường tôi có nhận một học sinh do bị áp lực học hành, cháu dần dần bị chứng “sợ đi học”, rồi bị trầm cảm phải chuyển từ một trường chuyên đến. Thương cháu, cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô giáo bộ môn, cô giáo tư vấn tâm lý và các bạn học sinh trong lớp luôn động viên, giúp đỡ cháu ấy. Cứ mỗi lần sắp đến kỳ thi là cháu lại bệnh nặng hơn, nhiều lúc bố mẹ chở đến trường nhưng cháu không chịu vào, cứ bắt bố mẹ chở đi vòng quanh con đường cạnh trường, tôi phải nhờ bố mẹ cháu chở cháu đến cổng trường để thầy cô đón cháu vào, dỗ dành và trấn an cháu.

Suốt 3 năm học như thế… và giờ đây cháu đã bình thường, trở thành sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế xếp loại sinh viên giỏi. Nói như vậy để thấy rằng, rất cần cái tâm của thầy cô giáo trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Đã theo nghề giáo, chắc hẳn thầy cô giáo nào cũng có tình yêu dành cho trẻ. Tuy nhiên, việc quản lý học sinh đòi hỏi nhiều hơn thế. Phải có phương pháp giáo dục, thậm chí mỗi em một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau thì đòi hỏi phải có phương pháp khác nhau. Giàu tình thương, nhiều trách nhiệm, tâm huyết và năng lực… là những yếu tố không thể thiếu của người giáo viên.

Trong nhà trường, các bộ phận liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý học sinh có hiệu quả mà cụ thể là sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giám thị, Đoàn Thanh niên, đội tự quản, tổ tư vấn tâm lý học sinh… Trường hợp có học sinh gặp những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống thì vai trò của tổ tư vấn tâm lý là rất quan trọng, giúp nhà trường và gia đình phát hiện được sớm những vấn đề tâm lý ở học sinh để can thiệp và chăm sóc kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức liên quan hỗ trợ và giúp đỡ nếu có trường hợp học sinh mắc bệnh tâm lý.

Nhà trường còn phải phối hợp với chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an thành phố, công an phường trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trong và ngoài nhà trường, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện vi phạm của học sinh, giúp nhà trường và gia đình quản lý học sinh tốt hơn, nhất là những học sinh thiếu ý tôn trọng pháp luật.

Nguyễn Thị Hoa Phượng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

TIN MỚI

Return to top