ClockThứ Bảy, 16/10/2021 06:45

Không để sinh viên vì khó khăn phải dừng học

TTH - Các trường đại học (ĐH) đã bắt đầu tổ chức dạy - học năm học 2021 - 2022. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, ĐH Huế và các trường thực hiện nhiều hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là tân sinh viên với định hướng không để bất cứ trường hợp nào vì khó khăn phải dừng học.

Lần đầu tiên, Đại học Huế tổ chức khai giảng trực tiếp kết hợp trực tuyếnĐiểm chuẩn bổ sung đợt 1 của ĐH Huế từ 14 - 24 điểm

Đại diện lãnh đạo ĐH Huế trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Rà soát, hỗ trợ cho tân sinh viên

Đầu tháng 10/2021, ngay sau khi nắm bắt được hoàn cảnh hai tân sinh viên Trần Văn Nguyên và Thiều Nhật Hoàng cùng lớn lên từ Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã nỗ lực học tập và trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo của ĐH Huế năm 2021, ĐH Huế đã thành lập đoàn công tác ra tận Hà Tĩnh để kịp thời hỗ trợ học bổng. Với món quà bao gồm học phí toàn khóa học, 15 triệu đồng cùng một máy tính xách tay và miễn toàn bộ tiền ở ký túc xá trong khóa học cho mỗi em, hành trang ban đầu cho hai tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tạm đủ để mọi người an tâm.

Trần Văn Nguyên cho biết, từ xuất phát điểm khó khăn nên em và người bạn Thiều Nhật Hoàng đã nỗ lực học tập. Trúng tuyển ngành kỹ thuật hình ảnh y học, Trường ĐH Y - Dược với mức điểm 24,1, trong khi Thiều Nhật Hoàng trúng tuyển ngành du lịch, Trường Du lịch - ĐH Huế với mức điểm 22,25, nhưng cảm xúc sau khi nhập học vừa vui nhưng cũng xen lẫn những nỗi lo. Tuy nhiên, sự hỗ trợ kịp thời của ĐH Huế và các đơn vị đào tạo đã giúp cả hai tự tin hơn cho chặng đường phía trước.

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, không chỉ hai trường hợp kể trên mà những tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, sau khi các tân sinh viên bước vào năm học, ĐH Huế đã chỉ đạo các trường tiến hành rà soát kỹ, nắm bắt hoàn cảnh từng trường hợp. Ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, ĐH Huế và các đơn vị đào tạo cũng kết nối, kêu gọi vận động và tìm kiếm, vận dụng nhiều nguồn để hỗ trợ tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Để đảm bảo điều kiện học tập cho sinh viên trong bối cảnh học trực tuyến, ĐH Huế và các trường đã và đang tích cực thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Theo đại diện ĐH Huế, ngoài các nguồn vận động của ĐH Huế và các trường, công đoàn các đơn vị cũng triển khai để cán bộ, giảng viên đóng góp, hỗ trợ cùng chung tay thực hiện hỗ trợ cho người học.

Ngoài sự hỗ trợ chung từ ĐH Huế, các trường còn có thêm phương án hỗ trợ tân sinh viên. TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Thư viện, Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Ngoài các học bổng dành cho thủ khoa trường, thủ khoa ngành các tân sinh viên vượt khó đạt kết quả đầu vào cao, nhà trường đã tiến hành rà soát cụ thể hoàn cảnh của các tân sinh viên để nắm bắt số lượng, điều kiện, khó khăn của người học. Sau đó, sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể dựa vào các chương trình học bổng, chế độ chính sách nhằm động viên và tạo sự an tâm cho các em khi bước vào giảng đường ĐH”.

Kết nối nhiều nguồn lực

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, sinh viên ĐH Huế chủ yếu đến từ miền Trung - Tây Nguyên, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, kinh tế gia đình. Chia sẻ với khó khăn của sinh viên và các bậc phụ huynh, chủ trương hỗ trợ sinh viên càng được đẩy mạnh thông qua việc kết nối các nguồn lực.

Ngoài các nguồn học bổng truyền thống hằng năm như Phuc’s Fond, Nguyễn Trường Tộ… các đơn vị đào tạo kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, mạng lưới cựu sinh viên, các mạnh thường quân để hỗ trợ cho sinh viên khó khăn. Không chỉ ĐH Huế, các trường phát động kêu gọi mà các đơn vị đào tạo cấp khoa cũng nỗ lực kết nối, tìm nguồn hỗ trợ sinh viên.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường ĐH Nông Lâm cho biết, mới đây, thông qua kết nối với mạnh thường quân của PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả (nguyên Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y) đã có 5 sinh viên được hỗ trợ học phí đến hết khóa học. Khoa cũng đang kết nối các nguồn lực để trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho sinh viên khó khăn. Dựa trên rà soát, sẽ phân bổ hợp lý nguồn học bổng của ĐH Huế, nhà trường, khoa và các đơn vị, đảm bảo các sinh viên khó khăn nhất đều được hỗ trợ.

Theo PGS.TS. Trần Kiêm Minh, Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm, hằng năm khoa cũng tổ chức kêu gọi, vận động khoảng gần 100 triệu đồng trao học bổng cho sinh viên của khoa. Trong năm nay, các cán bộ, giảng viên của khoa cũng cố gắng tìm kiếm các nguồn lực để duy trì chương trình hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng

TIN MỚI

Return to top