ClockThứ Ba, 19/02/2019 18:38
Làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ:

Không được bằng lòng với những kết quả đã có

TTH - Sáng 19/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các trường trung học phổ thông (THPT). Tham dự buổi làm việc, còn có đại diện và các sở, ngành liên quan.

Bộ GD&ĐT thay đổi quy chế phát ngônChương trình giáo dục phổ thông mới: Phân bổ thời lượng môn học như thế nào?Sẽ có nhiều điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh đại học 2019

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành giáo dục

Chất lượng có tăng

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Đặng Phước Mỹ khẳng định, thời gian qua, chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng được nâng cao, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác tiếp tục sắp xếp và hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi học của người dân. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng. Chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học được nâng lên, nhất là chất lượng mũi nhọn, đặc biệt, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông (THPT) cấp quốc gia vừa qua có 52 em đạt giải, trong đó, có ba giải nhất. Chất lượng tuyển sinh các lớp đầu cấp và thi THPT quốc gia ngày càng được nâng cao; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống học sinh được quan tâm; công tác cải cách hành chính tiếp tục đẩy mạnh với các giải pháp cụ thể…

Chất lượng giáo dục của tỉnh có tăng nhưng theo nhiều ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, còn chưa đồng đều giữa các cấp bậc học, giữa các vùng miền, chưa xứng tầm với vùng đất hiếu học Thừa Thiên Huế. Cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính được tăng cường nhưng vẫn chưa đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa và đảm bảo trường, lớp học hai buổi/ngày. Số trường đạt chuẩn quốc gia tuy tăng nhanh trong năm 2018, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Một số loại hình giáo dục mầm non phát triển nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đã đến lúc, cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác xã hội hóa giáo dục trên toàn tỉnh chưa mạnh, nhất là việc chủ động kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để thành lập các trường ngoài công lập. Việc chuyển đổi loại hình công lập sang tư thục đang còn lúng túng. Trước mắt, ngành giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, kết hợp đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn, phát triển tài năng.

Một tiết học tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Lê Thọ

Đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cao hơn

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong thời gian qua. Tuy nhiên, không được bằng lòng với những kết quả đang có, mà phải đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cao hơn để nâng tầm nền giáo dục tỉnh nhà. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, chất lượng giáo dục của tỉnh cần phải bứt phá hơn nữa, phải có những cách làm mới, suy nghĩ mới để đổi mới toàn diện trong giáo dục.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, trước mắt cần đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng thu gọn đầu mối. Tăng cường công tác xây dựng đội ngũ đảm bảo chuẩn hóa, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo vị trí việc làm. Chủ động trao đổi và hợp tác giáo dục với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Các trường cần tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả hệ sinh thái giáo dục thông minh để đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường” gắn với việc triển khai thực hiện đề án Ngày chủ nhật xanh hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng cần được đẩy mạnh; tập trung xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp; thân thiện, trường học mùa nào cũng có hoa.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, ngành giáo dục phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Hình thành văn hóa học sinh nói không với bạo lực, tội phạm, ma túy học đường. Ngành giáo dục phải xây dựng các chương trình ngoại khóa giáo dục lịch sử, văn hóa Huế cho học sinh các cấp với các hình thức trực quan, sinh động. Các em phải thường xuyên tham quan di tích lịch sử, văn hóa Huế để hướng về cội nguồn, cốt cách người Huế; đào tạo đội ngũ cán bộ có tâm huyết cũng như xây dựng các đề án về lịch sử văn hóa trong trường học, đổi mới thư viện trong nhà trường cũng như trường học kiểu mẫu đạt chuẩn, có nét riêng biệt trong tiến trình hội nhập.

Buổi làm việc còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, bàn giải pháp để giáo dục phát huy được thế mạnh của vùng đất văn hóa. Theo đó, ngành giáo dục phải là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các phong trào, phát động của tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; trong đó, tập trung hình thành trường học kiểu mẫu; nâng cao nền tảng giáo dục, đạo đức cho học sinh; khơi gợi tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn, tự hào về dân tộc; phải đảm bảo môi trường giáo dục là môi trường quan trọng trong phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát kết quả thi hành Điều lệ Đảng tại Thừa Thiên Huế

Ngày 25/8, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Nguyễn Quang Dương, UVTW Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Đoàn khảo sát kết quả thi hành Điều lệ Đảng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Khảo sát kết quả thi hành Điều lệ Đảng tại Thừa Thiên Huế
Cải thiện phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Dù chưa đạt kỳ vọng đề ra nhưng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023 cho thấy bước khởi sắc của Thừa Thiên Huế trong việc cải thiện phổ điểm thi trung bình, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.

Cải thiện phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Return to top