ClockThứ Sáu, 27/03/2015 11:17

Không được lơ là

TTH - Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) lần thứ 17 năm 2015 (từ ngày 15- 21/3) vừa mới phát động, một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng đã xảy ra tại công trường Formosa, Hà Tĩnh làm hơn 10 người chết, hàng chục người bị thương vào tối 25/3. Điều này cho thấy, TNLĐ luôn rình rập và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nếu công tác bảo đảm an toàn lao động bị lơ là.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ TNLĐ làm 3 người chết, 3 người bị thương do ngạt khí trong quá trình làm vệ vinh hầm xảy ra ở Công ty cổ phần Vinh Phát (Khu công nghiệp Phú Bài) hồi tháng 4/2014. Điều đáng nói, tuy làm việc ở môi trường độc hại, nguy cơ tai nạn lao động cao, nhưng công nhân không được trang bị bảo hộ mặt nạ phòng độc khi làm việc. Hoặc trước đó, tháng 8/2013, một vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình xây dựng Nhà máy xi măng Đồng Lâm (huyện Phong Điền) làm 1 người chết, 1 bị thương nặng do trục trặc của vận thăng dẫn đến đứt cáp, khiến người lao động rơi từ trên cao xuống đất. Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh gần đây, chưa kể nhiều vụ TNLĐ ở các mức độ khác nhau, người sử dụng lao động và người lao động tự giải quyết; nhiều người đang hàng ngày làm việc trong môi trường ô nhiễm, bị suy giảm về sức khoẻ, bệnh nghề nghiệp đeo đẳng suốt đời.

Tai nạn lao động, cháy nổ không chỉ là nỗi ám ảnh đối với người lao động mà cả với người sử dụng lao động. Khi xảy ra tai nạn, cháy nổ, người sử dụng lao động phải tốn chi phí hỗ trợ, đền bù cho người lao động, mất nhiều thời gian, công sức để khắc phục hậu quả, thậm chí dẫn đến phá sản. Với người lao động, không chỉ tổn hại sức khoẻ, sinh mạng của chính họ, mà còn để lại gánh nặng lâu dài cho gia đình và xã hội. Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2014 cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ, làm chết 630 người, 1.544 người bị thương nặng. Tại Thừa Thiên Huế, năm 2014, xảy ra 24 vụ TNLĐ (giảm 21 vụ so với năm 2013).
 Theo phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn; trong đó, nguyên nhân do người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định an toàn chiếm hơn một nửa, còn lại do lỗi người lao động và các nguyên nhân khác. Vì vậy, để hạn chế TNLĐ cần có sự quan tâm từ nhiều phía. Đáng mừng, thời gian qua các cơ sở, doanh nghiệp đã quan tâm hơn về công tác ATVSLĐ- PCCN. Nhiều DN đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tiến dây chuyền công nghệ nhằm cải thiện điều kiện lao động, quản lý chặt chẽ hơn về công tác ATVSLĐ- PCCN. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất phục vụ cho mục đích cải thiện điều kiện lao động, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ.

Tuy nhiên, để công tác ATVSLĐ- PCCN đi vào nề nếp cần có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng. Và hơn ai hết, người lao động cần biết từ chối làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn và phải có trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn lao động, sử dụng đúng trang thiết bị bảo hộ được trang cấp khi làm việc.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top