ClockThứ Bảy, 04/06/2016 14:26

Không gian của Hưng

TTH - Vào Phúc Tam Quán (88 Chi Lăng, TP Huế), du khách như lạc vào không gian cổ xưa với bộ sưu tập đồ cổ có niên đại hàng thế kỷ. Và thật lạ khi chủ của không gian này chưa đầy 30 tuổi.

“Cách đây 4 năm ai cũng bảo mình điên khi mang hàng tấn đá, hàng chục bộ bàn ghế cũ nát về chất đầy nhà. Bây giờ chính những thứ đó tạo nên một không gian khiến ai cũng phải ngắm nhìn”, Vũ Văn Hưng (sinh năm 1988, phường Phú Cát, TP Huế) mở đầu câu chuyện.

Vũ Văn Hưng và chiếc bàn đá có niên đại hơn 300 năm

Mê đá cổ

Khi vừa bước lên bậc cấp được chế tác từ phiến đá mà tôi không rõ nguồn gốc, Hưng cười bảo: “Bạn vừa đặt chân lên khối đá có niên đại hơn 300 năm đấy”! Hưng quê ở Thanh Hóa, chẳng được đào tạo qua trường lớp mỹ thuật, hội họa nào và cũng chẳng “đủ tuổi” để “ngấm” những tinh hoa của cổ vật thời xưa, thế mà khi trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để phân biệt cổ vật có niên đại hàng trăm năm?”, Hưng chỉ đáp gọn: “Hãy dùng cặp mắt để phân biệt!”.

Gốc người xứ Thanh nên Hưng am tường về đá xanh, loại đá đặc trưng ở vùng Thanh Hóa. “Quan niệm của người dân ở quê thường không sử dụng đá bị đổ nát từ các ngôi chùa hay lăng tẩm về để xây dựng hoặc trưng bày ở trong nhà dù loại đá đó có quý đến đâu. Vì vậy, khi những ngôi chùa, lăng tẩm đổ nát, đá bị vứt ngay giữa những cánh đồng, lúc đó, mình nghĩ phải làm gì để tạo nên công năng mới cho những phiến đá này nên cất công ra quê vận chuyển vào Huế”, Hưng kể.

Chỉ tay về hướng bộ bàn ghế bằng đá chạm khắc những hình thù lạ mắt, Hưng chắc nịch: “Trên bộ bàn ghế đó có những đường viền, hoa văn mà chỉ  bàn tay của những người thợ thời Lý mới có thể ra hình thù như vậy, dấu ấn lịch sử thể hiện trong từng đường nét. Và không chỉ mình, nếu để ý bằng mắt thường ai cũng dễ dàng nhận ra. Ngày nay, những khối đá như thế người ta thường dùng máy cắt công nghiệp, đường nét “ngọt lịm” để tạo nên sản phẩm, nhưng những sản phẩm đó thiếu hẳn cái hồn của bàn tay con người”.

Không chỉ loại đá xanh cổ xứ Thanh, Vũ Văn Hưng còn lặn lội khắp nơi để làm dày lên bộ sưu tập đá cổ của mình. Đó là những lần ngược xuôi lên tận những con thác vùng núi Nam Đông, A Lưới để kiếm tìm đá cổ. “Trong các loại chất liệu để chế tác, đá là loại trường tồn theo thời gian. Đá càng cổ càng quý. Có thời điểm, nhà mình toàn đá, mọi người nhìn vào bảo mình điên”, Hưng cười xòa khi nhớ lại những ngày đầu sưu tập đá.

Bây giờ, bộ sưu tập đá cổ của Hưng chẳng thể nào đếm hết. Từ những khối đá chẳng có hình thù đến cổ vật bằng sa thạch có niên đại gần 5 thế kỷ: những bàn đá, bậc cấp mang đậm dấu ấn thời xưa, chiếc cối, tủ đá, chum, lu thể hiện nét văn hóa sinh hoạt của làng quê dưới thời Nguyễn… Với những người có khiếu thẩm mỹ như Hưng, những cổ vật này trở nên sinh động, có hồn, hữu dụng trong đời sống hiện đại”.

Những chiếc bình cổ trên 100 năm được Vũ Văn Hưng dùng để cắm hoa

Không chỉ để ngắm

Sinh ra trong thời hiện đại, vậy mà Vũ Văn Hưng chỉ muốn đắm chìm trong không gian tĩnh mịch, cổ xưa. Có lẽ, bởi tâm hồn có phần “già trước tuổi” mà kiến trúc của Phúc Tam Quán do một tay Hưng thiết kế đã tạo nên một không gian riêng, hòa quyện giữa xưa và thực. Anh Trần Văn Luận (khách du lịch đến từ Sài Gòn) tấm tắc: “Tôi thích những gì cổ kính, xưa cũ nên chọn không gian này để ngồi cùng gia đình. Các con tôi thích thiên nhiên, sinh thái, riêng tôi thích ngắm cổ vật. Đến đây, không những tôi được ngắm những cổ vật bằng đá, gỗ, gốm sứ có lịch sử lâu đời mà con tôi được vui đùa bên dòng thác nhân tạo không khác gì tự nhiên”.

Không chỉ Phúc Tam Quán, nhà thiết kế sân vườn Vũ Văn Hưng đã tạo nên 5 khu vườn theo kiểu cổ kính cho những khách hàng tại Huế. Theo Hưng, muốn tạo nên không gian cổ, đầu tiên người thiết kế phải biết yêu, đam mê những cổ vật và hiểu một chút về nghệ thuật sắp đặt nhất là phải biết dùng mắt phân biệt đồ cổ. “Mình chẳng được học hành bài bản, từ nhỏ theo anh trai đi sưu tầm đồ cổ xưa và thiết kế sân vườn cổ cho khách hàng. Từ những lần đi cùng anh trai, niềm đam mê với cổ vật ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Bây giờ, chỉ cần nhìn bằng mắt thường mình có thể biết được phân biệt được giá trị những món đồ cổ”, Hưng chia sẻ.

Ngoài bộ sưu tập đồ sộ những loại đồ cổ bằng đá, Vũ Văn Hưng sở hữu hàng chục bộ bàn ghế, tủ, đèn dầu, tẩu thuốc, câu đối, hoành phi bằng gỗ của các vị quan lại triều Nguyễn và hàng trăm loại chén, bát sành sứ có niên đại từ trăm năm. Tất cả những thứ đó được Hưng lăn lội khắp nơi tìm về. “Đồ cổ không chỉ dùng để ngắm mà có thể tận dụng những công năng của nó trở thành những vật dụng hữu ích trong đời sống hiện đại. Điều quan trọng hơn, nếu kết hợp chúng lại với nhau để tạo nên một không gian cổ và lưu giữ không gian đó theo thời gian sẽ thành công và rất đáng quý”, Hưng đúc rút.

Chính cách sưu tập đồ cổ của riêng mình mà Vũ Văn Hưng đã tạo nên không gian cho nhiều người chiêm ngưỡng giữa lòng phố thị thay vì cất kín chúng trong tủ như bao nhà sưu tầm vẫn làm.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top