ClockThứ Năm, 22/01/2015 13:47

Không gian nào cho nghệ nhân ca Huế

TTH - Tôi vẫn còn nhớ cảm giác chìm đắm và cả tê dại nữa khi hai nghệ nhân Minh Mẫn và Thanh Hương cất lên lời ca trong “chiếu hát” nho nhỏ tại phòng khách của nhà nghiên cứu Bửu Ý tại số 9 Phạm Ngũ Lão, với những người mê ca Huế ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có người đến sau buổi làm việc, người vừa xong việc nhà hay chuẩn bị xuống thuyền cho xuất ca Huế trên sông, nhưng khi ngồi vào không gian ấy, chỉ còn tiếng bầu, tiếng nguyệt, tiếng phách, tiếng xênh tiền và những lời ca khắc khoải, chơi vơi… gắn kết họ trong không gian của ca Huế và chỉ ca Huế.

Lúc ấy, nghệ nhân Minh Mẫn và Thanh Hương ngồi trên ghế. Nom hai cụ thật hiền trong bộ bà ba và gương mặt như giãn ra khi lắng nghe từng câu hát, làn điệu. Những ngón tay tuổi tác gõ gõ theo từng âm điệu và đôi khi chững lại khi ai đó lạc phách. “Chỗ ni phải hát như ri, lấy hơi như ri…” và những người trẻ hơn quay lại hỏi “Con ca rứa được chưa mệ ngoại? Đoạn nớ lấy hơi răng cho khỏi đứt mệ hè?”… Những lúc như thế, hai nghệ nhân lại say sưa bày vẽ cho lớp trẻ, thậm chí là cất giọng ca lại một điệu hò dù giọng đã không còn thật sự khoẻ. Có lẽ, đó là lần đầu tiên tôi thấy hai nghệ nhân hào hứng hơn nhiều so với nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện trước đó. Nhất là khi tôi ngồi nép xuống một bên chiếu hát, cùng mọi người im lặng khi mệ Mẫn và mệ Hương ca điệu mái nhì và cổ bản. Cái ấm áp trong ánh mắt và điệu hò cũng nguyên xưa ở những giọng ca “muôn năm cũ” đã nhen lửa không chỉ cho cảm xúc mà cả những tiếp nối mới để ca Huế được tiếp tục như một dòng chảy.

Thế nên, tôi cũng đã cảm thấy xót xa quá đỗi khi đặt vấn đề trong một buổi giám sát về hoạt động văn hoá nghệ thuật tại Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch, chị Phạm Thị Bích Thuỷ, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đã chia sẻ về “những điều trông thấy” khi khách xuống thuyền có thái độ không thật sự hay ho khi được những nghệ nhân đã có tuổi phục vụ. Tôi cũng nghĩ, chắc hẳn các nghệ nhân cũng đau lòng lắm khi phải đối diện với những vị khách xuống thuyền lớt phớt nghe ca Huế chứ không phải vì một di sản văn hoá phi vật thể…

Thế nên, đã đến lúc phải xác lập lại và xác lập tốt hơn những không gian biểu diễn cho các nghệ nhân, để các nghệ nhân được ca cho những ai thực sự muốn nghe, muốn hiểu và yêu ca Huế… với tất cả sâu thẳm của nó. Và đó mới chính là những không gian đích thực không chỉ cho nghệ nhân, ca sĩ mà còn cho cả những cảm hứng được trao truyền và tiếp nối trong dòng chảy văn hoá bất tận…

Nguyễn An Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top