ClockThứ Tư, 28/05/2014 13:35

Không ít công trình di sản đang trong tình thế nguy hiểm

TTH - Sự việc Phu Văn Lâu – một điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích Cố đô Huế - bất ngờ bị sập 1 góc do công trình có tuổi thọ lâu đời, lại chưa được trùng tu triệt để và khoa học, khiến dư luận lo lắng. TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có cuộc trao đổi với PV về nội dung này.

Liên quan đến sự cố Phu Văn Lâu, TS. Phan Thanh Hải cho biết: Hiện tại, chúng tôi đã cho bảo vệ khu vực, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách; tiến hành chống đỡ toàn bộ hệ khung cho công trình, báo cáo các cơ quan chức năng để nhanh chóng tu sửa ngay phần bị hư hại. Về lâu dài, chúng tôi đang khẩn trương lập một dự án trùng tu toàn diện. Đây là công trình quan trọng, nằm ngay trên trục Dũng đạo của Kinh thành Huế nên không thể để hư hại kéo dài. Việc trùng tu toàn diện có thể mất một năm.

Từ sự cố lần này, ông có thể cho biết cụ thể hơn về trách nhiệm của Trung tâm trong công tác khảo sát và đánh giá thực trạng các công trình di tích do đơn vị quản lý?
Kế hoạch kiểm tra và chống đỡ cho các công trình di tích đã bị xuống cấp, ít có khả năng chịu lực là công việc thường xuyên và được tiến hành định kỳ hàng năm của Trung tâm. Trước mùa mưa bão hàng năm, chúng tôi đều thực hiện công việc này. Tuy nhiên, sau mùa mưa bão, tại một số công trình ở vị trí ảnh hưởng đến cảnh quan chung như Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Ngọ Môn... chúng tôi đều tính toán và cho tháo dỡ hệ thống cột chống đỡ.
Sau khi xảy ra sự cố Phu Văn Lâu, chúng tôi đã cho kiểm tra lại toàn bộ các công trình có nguy cơ cao và tiến hành tái chống đỡ cho những di tích này, nhất là sau trận động đất 4,7 độ Rích-te với tâm chấn tại khu vực A Lưới vừa qua. Tuy nhiên, việc chống đỡ chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, chúng tôi đang lập dự án để đưa các công trình này vào trùng tu nhằm đảm bảo an toàn, bền vững cho công trình.
Trong danh mục đã duyệt trước đây, Phu Văn Lâu chưa được xác định là công trình phải sửa chữa trùng tu ngay, vì còn nhiều công trình khác đang rất cần trùng tu, như: cổng Ngọ Môn, các hạng mục khác trong Đại Nội Huế, lăng vua Minh Mạng, lăng Tự Đức…
 
Nguy hiểm nếu không kịp xử lý
Ông có thể thông tin rõ hơn về kinh phí dành cho công tác trùng tu các công trình di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế?
Phải nói rằng việc bảo tồn một di sản khổng lồ như quần thể di tích kiến trúc Cố đô Huế đòi hỏi rất nhiều tiền của và vật lực.
30 năm qua, các nguồn tài trợ quốc tế cho việc trùng tu di tích Huế đạt khoảng 6 triệu USD; cộng thêm kinh phí hàng năm từ Trung ương và địa phương, chỉ mới đáp ứng phần nào yêu cầu trùng tu các di sản Huế. Riêng năm 2014, nguồn đầu tư từ Trung ương đạt 49 tỷ, địa phương bổ sung thêm 40 tỷ. Số tiền này chỉ đủ để thực hiện một số dự án trùng tu trọng điểm, như cổng Ngọ Môn khoảng 43 tỷ, lăng Tự Đức hơn 20 tỷ, lầu Tàng Thơ hơn 20 tỷ… Ngoài ra chúng tôi phải dành một số tiền cho công tác bảo dưỡng, tu sửa nhỏ, phòng chống thiên tai. Do đó, kinh phí triển khai các hoạt động trùng tu bảo tồn di tích, thật sự rất gian nan.
Không chỉ có Phu Văn Lâu, mà vẫn còn không ít công trình di sản ở Huế cũng đang trong tình thế nguy hiểm. Như toà Nghinh Lương Đình ở ngay Phu Văn Lâu, hiện đã hư hại nhiều sau 20 năm trùng tu, nếu không tính xử lý kịp thì rất nguy hiểm. Hay toà nhà Quốc Tử Giám trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế, tuy mới được trùng tu năm 1998, nhưng nay đã bị xuống cấp nặng nề và đang trong tình trạng nguy hiểm…
Trong điều kiện đó, Trung tâm sẽ đảm bảo an toàn cho du khách tại các công trình di tích xuống cấp như thế nào?
Tất cả những nguy cơ ấy, chúng tôi đều luôn theo dõi và xử lý kịp thời, song không thể nói là toàn vẹn hết được. Sự cố như ở Phu Văn Lâu, chúng tôi xác định rõ là phải nhận phần trách nhiệm đã không theo dõi sát sao và lường hết khả năng bị sụp đổ sau khi tạm tháo dỡ hệ thống cột néo chống đỡ mùa mưa bão nhằm trả lại mỹ quan cho công trình, là có lỗi với di sản, nhân dân. Nên chúng tôi sẽ nỗ lực hơn, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất và mong nhận được nhiều sự ủng hộ giúp đỡ để làm tốt nhiệm vụ của mình.
Đồng Văn (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top