ClockThứ Hai, 06/07/2020 14:57

Không khuất phục trước khó khăn

TTH - Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Phẩm (62 tuổi), xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) còn tích cực tham gia các hoạt động, nhất là sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm ăn cũng như giúp đỡ vốn cho các hội viên phát triển kinh tế.

Giải ngân tốt vốn đầu tư công, kích cầu hiệu quả tăng trưởng kinh tế - xã hộiSức bật cho nền kinh tế

Ông Phẩm (bên trái) với công việc thường ngày

Chúng tôi ghé thăm nhà CCB Trần Ngọc Phẩm khi ông đang bận rộn với việc giao hàng cho khách. Là ông chủ một cửa hàng vật liệu có tiếng tại địa phương nhưng ông vẫn làm đủ việc, thậm chí là vận chuyển khi nhân công đã kín lịch. Tạm nghỉ tay, ông Phẩm chia sẻ: “Để có được cơ ngơi như hôm nay, tôi không ít lần trắng tay, phải làm lại từ đầu”.

Năm 1985, sau khi xuất ngũ về địa phương, CCB Trần Ngọc Phẩm tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên quê hương. Nhận thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng tại địa phương tăng nhanh, trong khi người dân phải lên thành phố hoặc thị xã để mua, ông Phẩm đã tìm hiểu về các loại mẫu mã vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu ở địa phương.

 Sau đó, ông mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Những năm đầu đi vào hoạt động, cửa hàng của ông Phẩm chỉ bán những mặt hàng cơ bản vì chưa có vốn.

“Khi đó ở địa phương chưa có điểm bán vật liệu xây dựng nào nên làm ăn cũng khá, nhưng vì vốn liếng chưa nhiều nên tôi vừa làm chủ vừa kiêm luôn thợ bốc vác, vận chuyển… Dần dà, tôi tích cóp mua được chiếc xe tải chở hàng nên cũng tiết kiệm được nhiều công sức", ông Phẩm nhớ lại.

Công việc làm ăn đang dần ổn định thì trận đại hồng thủy năm 1999 ập đến và cuốn hết vốn liếng của ông.

Không đầu hàng, ông mạnh dạn vay vốn để làm lại từ đầu. Khoảng thời gian sau đó, nhu cầu vật liệu xây dựng tại địa phương càng tăng mạnh, cửa hàng của ông hàng năm cung cấp cho thị trường một khối lượng lớn vật liệu xây dựng, doanh thu 3- 4 tỷ đồng/năm, lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Để mở rộng kinh doanh, ông thuê thêm 5 nhân công làm việc cố định chuyên bốc vác, vận chuyển vật liệu xây dựng và mở rộng thêm dịch vụ đóng cốp pha xây dựng với hơn 20 nhân công, với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người.

Khi được hỏi động lực nào thôi thúc ông vượt qua mọi khó khăn, ông Phẩm từ tốn: “Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu và để góp sức xây dựng quê hương”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái thành tài, ông Phẩm còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông sẵn sàng cho các hội viên trong Hội CCB xã mượn vốn (không lãi) để sản xuất kinh tế. Ông cũng đi đầu trong các phong trào khuyến học, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" ở xã…

Là người được ông Phẩm giúp đỡ nhiều trong phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Thăng (Chi hội 3) chia sẻ: Gia đình tôi phát triển kinh tế với mô hình nuôi cá, tôm sú. Cách đây 2 năm, do dịch bệnh nên tôi thua lỗ, không những trắng tay mà còn nợ ngân hàng. Muốn gầy dựng lại cũng khó, vì nợ ngân hàng chưa trả nên không thể vay thêm. Biết được khó khăn của tôi, ông Phẩm đã không ngần ngại cho tôi mượn vốn để vực lại. Chính nhờ sự giúp đỡ của ông Phẩm mà mô hình nuôi tôm sú, cá của tôi nay dần ổn định trở lại.

Cũng như ông Thăng, CCB Nguyễn Nam (Chi hội 2) cũng được ông Phẩm cho mượn vốn không lãi để buôn bán kinh doanh nhỏ và chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trương Văn Thuận, Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Ngạn cho hay: "Mô hình buôn bán vật liệu xây dựng của ông Phẩm được đánh giá là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Phẩm cũng là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện".

Bài, ảnh: Thảo Vy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top