ClockThứ Bảy, 23/10/2021 00:55

Không làm tốt cho ngành, địa phương, đất nước... là rất có lỗi

TTH - Ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài lại gặp khó khăn về nhân sự cũng như cơ sở hạ tầng, Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài đã, đang nỗ lực mở ra triển vọng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước. Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Tiến, tân Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài.

Ông Nguyễn Đức Hùng phụ trách điều hành Cảng Hàng không quốc tế Phú BàiCảng HKQT Phú Bài phát triển đồng bộ về hạ tầng, đón máy bay lớnCảng HKQT Phú Bài tạo điều kiện cho các hãng taxi hoạt động ổn định

Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế  Phú Bài

Vừa nhận nhiệm vụ mới ở Cảng HKQT Phú Bài, ông có những trăn trở và kế hoạch sắp xếp đổi mới nhân sự tại Cảng, thưa ông?

Cảng HKQT Phú Bài là thành viên trong mái nhà chung của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) nên thân quen. Việc được bố trí lãnh đạo mới ở Cảng HKQT Phú Bài do ACV xem xét lựa chọn, bản thân tôi thấy vui vẻ, không có âu lo trăn trở, dù làm việc xa gia đình, người thân. Mục tiêu lớn nhất của tôi khi được ACV giao nhiệm vụ là làm sao phối kết hợp anh chị em ở Cảng HKQT Phú Bài làm tốt mọi việc được giao và không có quan điểm gì gọi là sắp xếp, cải tổ, đổi mới nhân sự ở đây.

Hiện tại, Cảng HKQT Phú Bài được bổ sung các vị trí khuyết, kiện toàn ban giám đốc và 5 phòng, ban chức năng với 236 cán bộ, công nhân viên, lao động. Đây là đội ngũ cán bộ có năng lực, đoàn kết, làm việc có tinh thần trách nhiệm cao.

Bên cạnh yếu tố con người, Cảng HKQT Phú Bài có những hạn chế, nhất là về cơ sở hạ tầng?

Cảng HKQT Phú Bài được xây dựng thời Pháp (1940), tiền thân được gọi là Sân bay Phú Bài. Sau ngày thống nhất đất nước, Sân bay Phú Bài qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong, ngoài tỉnh. Đến năm 2007, Sân bay Phú Bài trở thành Cảng HKQT Phú Bài sau phê duyệt chính thức của Bộ Giao thông Vận tải. Đây là cảng HKQT thứ 4 (loại 2) được công nhận ở nước ta trong thời điểm này.

Năm 2013, cảng được nâng cấp cơ sở hạ tầng với nguồn kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Tuy vậy, qua nhiều năm khai thác với thiết kế công suất 1,5 triệu hành khách/năm gần đây, cảng đã không còn đáp ứng với nhu cầu mới vì lượng khách ngày càng tăng.

Kiểm soát dịch từ xa tại nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài

Năm 2017, lượng khách thông qua cảng đạt 1,75 triệu hành khách, đến năm 2019 đạt gần 2 triệu lượt, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn, vượt quá công suất thiết kế.

Với lý do trên, cuối năm 2019, ACV đã quan tâm, phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư khởi công dự án (DA) Nhà ga T2 ở Cảng HKQT Phú Bài với tổng vốn 2.250 tỷ đồng (từ Quỹ đầu tư phát triển của ACV). DA gồm các hạng mục, nhà ga hành khách; hệ thống tường rào; đường giao thông, mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; sân đậu ô tô và các hạng mục phụ trợ...

Ông có thể cho biết tiến độ xây dựng Nhà ga T2 tại Cảng HKQT Phú Bài hiện nay?

Trong gần 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều ngừng trệ và ngành vận tải hàng không cũng nằm trong bối cảnh này. Tuy nhiên, với sự quan tâm của ACV và lãnh đạo chính quyền sở tại đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, DA xây dựng Nhà ga T2 đang tăng tốc. Trong giãn cách ảnh hưởng đợt dịch lần thứ 4, việc vận chuyển thiết bị, vật liệu khó khăn, có lúc gặp thời tiết mưa kéo dài nhưng trên công trường nhà ga, sân đỗ máy bay... luôn được các nhà thầu xây dựng phương án, phân chia thời gian đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến tất cả các hạng mục của Nhà ga T2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Dự án này được kỳ vọng khi đi vào hoạt động của Cảng HKQT Phú Bài, ông có thể thông tin thêm về điều này?

Lâu nay, Cảng HKQT Phú Bài chỉ khai thác một số đường bay nội địa, như Huế - TP. Hồ Chí Minh; Huế - Hà Nội và Huế - Đà Lạt với các hãng khai thác, như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airway, Pacific Air... Khi Nhà ga T2 vào hoạt động sẽ có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện hiện đại để vận hành đồng bộ, công suất 5 triệu hành khách/năm (trong đó nội địa 4 triệu hành khách/năm và quốc tế 1 triệu hành khách/năm). Đây là điều chúng tôi kỳ vọng sẽ nối thêm nhiều hãng bay, đường bay quốc tế trong thời gian đến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, liên vùng và góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào sự quan tâm từ chính sách bộ, ngành Trung ương, địa phương, đối tác, nhưng tôi tin mọi việc đã được cấp ngành, nhất là các lãnh đạo địa phương tâm huyết, đồng hành thì một ngày không xa, Cảng HKQT Phú Bài phát triển xứng tầm như mục tiêu đã đặt ra.

Những điều ông vừa nói trên đang ở “thì” vài năm đến, còn thời điểm hiện nay ông có những kế hoạch gì cho Cảng HKQT Phú Bài?

Tôi mới tiếp cận công việc tại Cảng HKQT Phú Bài vào cuối tháng 8/2021. Thời gian không dài, hơn nữa lại gặp dịch bệnh, giãn cách, mọi hoạt động vận tải hành khách ở cảng đều dừng. Tuy nhiên, trong “nguy” lại có “cơ” bởi thời điểm giãn cách, chúng tôi chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục hạ tầng ở nhà ga sạch đẹp, như phòng đợi, quầy làm thủ tục, kiểm tra an ninh, khu vực hành lý ký gửi; hệ thống vệ sinh cũng được nâng cấp chỉnh trang; trong đó, rất lưu tâm tạo thuận tiện cho trường hợp hành khách là người tàn tật và trẻ em...

Hiện nay chúng tôi đã, đang thực hiện kế hoạch làm xanh, sạch, đẹp sân bãi, cũng như nâng cấp biển hiệu bên ngoài để hành khách dễ nhận biết Cảng HKQT Phú Bài nằm ở cửa ngõ phía nam TP. Huế. Bên cạnh đó, chú trọng phối hợp đào tạo, bồi dưỡng các khóa ngắn, dài hạn cho cán bộ, nhân viên phòng, ban về kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong phục vụ, tạo môi trường văn minh, an toàn, hiếu khách. Đặc biệt là “nụ cười” của những nhân viên Cảng HKQT Phú Bài làm hài lòng hành khách, các đơn vị đến khai thác dịch vụ tại đây...

Dịch COVID-19 tạm lắng, chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành linh hoạt cho phép từng bước mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh tế - xã hội; trong đó có ngành vận tải hành khách. Thế nhưng theo các chuyên gia y tế, dịch COVID-19 luôn diễn biến phức tạp, theo ông, Cảng HKQT Phú Bài có giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho hành khách?

Đúng vậy, từ ngày 10/10, Cảng HKQT Phú Bài đã hoạt động trở lại. Việc hoạt động này nằm trong giai đoạn thí điểm của Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 10-20/10, bình quân mỗi ngày/chuyến Huế - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Những ngày đầu hành khách đi lại chưa nhiều, bình quân mỗi chuyến khoảng gần 100 khách/lượt đến và 10-15 khách/lượt đi.

Tuy nhiên công tác phòng dịch, sức khỏe của hành khách, chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Cảng HKQT Phú Bài đã xây dựng các phương án sát với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, địa phương và ACV để vừa chủ động, vừa phối hợp ban, ngành, địa phương kiểm tra, kiểm soát phòng dịch qua mỗi chuyến bay. Tuyệt đối từ chối vận chuyển các trường hợp không thực hiện khai báo y tế, các quy định về an toàn dịch bệnh; đồng thời khuyến nghị các hãng bay, hành khách, tổ chức, đơn vị khai thác dịch vụ liên quan chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa khi đến sân bay và trong hành trình bay.

Ông có những đề xuất, kiến nghị gì với chính quyền địa phương, bộ, ngành Trung ương?

Thực tế thời gian qua, Chính phủ, bộ, ngành, lãnh đạo địa phương và AVC rất quan tâm, đồng hành, chia sẻ đưa Cảng HKQT Phú Bài phát triển xứng tầm với tiềm năng vị thế ở vùng đất văn hóa du lịch Cố đô Huế. Với những kỳ vọng ấy, chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu, góp sức tạo ra những đột phá mới, dấu ấn mới từ Cảng HKQT Phú Bài. Nếu chúng tôi - Cảng HKQT Phú Bài không nỗ lực làm tốt cho ngành, cho địa phương, đất nước là rất có lỗi...

Xin cảm ơn ông!

MINH VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
DỰ ÁN KHU DU LỊCH SUỐI VOI:
Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình, chứng minh năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, 2 đưa vào hoạt động trong năm 2024.

Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai
Có đường… cứ thế là đi

Công viên hay phần đường dành cho người đi bộ được xây dựng phục vụ nhu cầu vui chơi, đi lại của người dân, thế nhưng lại có không ít người vô tư điều khiển xe máy chạy vào, gây nên tình trạng nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Có đường… cứ thế là đi
Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024)
Phụ nữ góp phần xây dựng đô thị văn minh

“Bằng những mô hình cụ thể, việc làm thiết thực và những kết quả nổi bật, phụ nữ Thừa Thiên Huế đã và đang là nhân tố tích cực thực hiện các phong trào, cuộc vận động, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Phụ nữ góp phần xây dựng đô thị văn minh
Return to top