ClockChủ Nhật, 26/06/2022 08:42

Không lơ là với biến thể COVID-19!

Sự xuất hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5 tuy không quá nguy hiểm nhưng cần theo dõi thêm; việc tiêm các mũi vắc-xin phòng COVID-19 nhắc lại là rất cần thiết.

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về liều tiêm, đối tượng tiêm vaccine COVID-19COVID-19: Tiêm chủng giúp giảm hơn 1/2 số ca tử vong trên toàn cầuBảo vệ thành quả chống dịch

Tổ chức Y tế thế giới khẳng định đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, người dân được khuyến khích tiêm đầy đủ các liều vắc-xin COVID-19

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy tính đến ngày 25/6, Việt Nam có hơn 10,7 triệu ca mắc COVID-19; trong đó hơn 9,6 triệu ca khỏi bệnh và 43.084 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, số ca COVID-19 giảm mạnh nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.

Vắc-xin vẫn có tác dụng phòng bệnh

Theo ghi nhận, tâm lý lơ là, chủ quan đã xuất hiện ở nhiều người dân do số ca mắc COVID-19 giảm và số trường hợp tử vong chỉ ghi nhận rải rác.

Gần 2 tuần trước, anh Ng.Th.Ch (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) cùng vợ và con trai mắc lại COVID-19 sau hơn 3 tháng khỏi bệnh. Anh Ch. cho biết do từng mắc COVID-19 và đã tiêm 2 mũi vắc-xin nên anh không tiêm nhắc lại mũi 3. Vì cuộc sống gần như trở lại bình thường nên nhiều khi đến chỗ đông người, anh không đeo khẩu trang như trước.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định thời gian qua, dù mỗi ngày chỉ ghi nhận khoảng 600-700 ca mắc mới trên cả nước nhưng có nhiều F0 không thông báo hoặc không biết mình mắc COVID-19 nên việc đếm số ca bệnh hằng ngày chưa phản ánh hết thực tế. Ngoài những trường hợp tái nhiễm, hầu hết ca bệnh là người mắc lần đầu.

"Nhờ tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao cùng với chủng Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn Delta nên ca bệnh giảm mạnh và ít tử vong. Việc xuất hiện 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 không quá nguy hiểm, không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan, cần phải theo dõi thêm" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhìn nhận.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc xuất hiện những biến chủng mới nằm trong tính toán bởi Việt Nam đã mở cửa quốc tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì thế, khi tình hình dịch có chuyển biến, cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp kịp thời.

"Nhiều nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ khiến người bệnh trở nặng, tử vong. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng; có thể xuất hiện biến thể mới, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên. Trong bối cảnh này, vắc-xin vẫn có tác dụng phòng bệnh, việc tiêm các mũi nhắc lại là rất cần thiết" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đại dịch chưa kết thúc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và cảnh báo những biến thể mới có thể khiến dịch bệnh phức tạp trở lại. Với số ca mắc COVID-19 do biến thể phụ BA.4 và BA.5 liên tục gia tăng tại nhiều nước châu Âu cùng một số quốc gia khác trong những tuần gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu đã khuyến cáo các quốc gia duy trì biện pháp ứng phó, như tiêm vắc-xin mũi tăng cường, mũi nhắc lại cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dẫn thông tin từ WHO cho thấy hiện nay, số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng ở châu Mỹ, châu Phi và Tây Thái Bình Dương do miễn dịch không bền vững. Các biến thể mới, biến thể phụ đáng lo ngại vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập nước ta.

"Vắc-xin vẫn là "lá chắn" quan trọng trước đại dịch COVID-19 nhưng nhiều người đã tiêm vắc-xin hoặc khỏi bệnh 6-8 tháng vẫn chưa tiêm nhắc lại. Nếu các biến thể tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường" - GS-TS Phan Trọng Lân cảnh báo.

Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới. Để phòng bệnh trước các biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai, ngành y tế khuyến cáo người dân tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3, mũi 4 đúng lịch, đủ liều bởi hiệu lực của vắc-xin giảm tương đối nhanh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: khử khuẩn, đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao, hạn chế hoặc không tiếp xúc người nghi ngờ mắc bệnh.

Theo nld.com.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Return to top