ClockChủ Nhật, 27/02/2022 06:05

Không nề hà khó khăn

TTH - Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bất kể mưa hay nắng, đêm hay ngày, hễ người dân cần, mỗi bác sĩ, nhân viên y tế tuyến cơ sở đều không nề hà khó khăn mà chần chừ. Song, từ trong những vất vả và áp lực nặng nề, các chiến binh áo trắng ấy vẫn luôn động viên nhau bền bỉ, kiên trì và nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Gặp mặt, biểu dương lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19Bác sĩ quân y nơi tuyến đầu chống dịchThư gửi từ Sài GònNhật ký bác sĩ chi viện nơi tuyến đầu chống dịch

Xét nghiệm sàng lọc tại Phú Vang

Nơi người dân tin cậy

3 giờ sáng, khi đêm tĩnh lặng nhất và mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ, tiếng chuông điện thoại như vang hơn, đầy cấp bách. Chị Lương Thị Kim Ngọc, tổ trưởng tổ y tế lưu động số 1 của Trạm Y tế xã Phú Hải (huyện Phú Vang) đang trực, bật dậy. Đầu dây bên kia là giọng hốt hoảng của người dân trong xã, báo tình trạng triệu chứng trở nặng của người thân - là F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Cả tổ lưu động ngay lập tức kích hoạt. “Gia đình bình tĩnh và yên tâm nhé! Chỉ tầm 7 phút nữa là chúng tôi có mặt” - cùng với lời động viên rất cần thiết lúc này, tổ trưởng và các thành viên trong tổ y tế lưu động, sau khi nhanh chóng mặc thêm áo ấm, đồ bảo hộ y tế, lao vào màn đêm giá rét.

Nhân viên y tế trạm mặc bảo hộ để tránh lây bệnh cho các cháu khi tiêm chủng mở rộng

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Hải, ông Phan Văn Bá cũng vội vã  đến, để trực tiếp hỗ trợ đồng nghiệp. Đang điều trị tại nhà ngày thứ 5, bệnh nhân này có tiền sử phẫu thuật tuyến giáp, bỗng tức ngực, khó thở, có nguy cơ suy hô hấp. Điện thoại được “nối” đến Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang. 30 phút sau, xe cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện đã có mặt trước cổng nhà người bệnh. Trong khoảng thời gian này, nhân viên y tế xã Phú Hải đã xử lý kịp thời tất cả các “khâu” cần thiết như đo huyết áp, đo và theo dõi nồng độ ô xy, cho thở ô xy… Nhờ được y tế xã chăm sóc, xử lý ban đầu chính xác và đúng quy trình, sau đó bệnh nhân được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phú Vang tiếp tục điều trị nên sức khỏe đã dần hồi phục.

“Từ lúc dịch bùng phát đến bây giờ tôi sút 3kg. Không đếm hết lần bỏ xuống bát cơm đang ăn dở. Nhiều khi mới chợp mắt đã vội choàng dậy ngay. Không chỉ các anh chị em trong đơn vị mà cán bộ chính quyền, các đoàn thể trên địa bàn xã, thôn, ai cũng như thế” - mặc dù nói đến sự vất vả là không đong đếm, nhưng giọng nói và ánh mắt của bác sĩ Phan Văn Bá vẫn ấm áp, hồn hậu.

Nhân viên Trạm Y tế Phú Hải (Phú Vang) hỗ trợ test nhanh cho người dân

Lực lượng y tế xã mỏng nên từ khi thực hiện nhiệm vụ kép, phòng, chống dịch, đồng thời chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nhân viên y tế xã như con thoi. “Nhân viên y tế xã là “địa chỉ” đầu tiên mà người dân tìm đến. Số điện thoại của nhân viên y tế xã bây giờ “cố định” trong danh bạ điện thoại của người dân địa bàn. Vậy nên không chỉ cường độ làm việc 24/24 giờ, đến với người dân bất kể thời gian, không gian khi họ cần để hỗ trợ y tế, chúng tôi còn luôn luôn động viên bệnh nhân, người nhà của bệnh nhân, để họ yên tâm điều trị bệnh hoặc chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, mỗi trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng được hỗ trợ điều trị ban đầu chính xác, kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị hiệu quả, nhanh chóng hồi phục, đối với chúng tôi thêm một niềm hạnh phúc” - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vinh An chia sẻ.

Ngày 3 bữa ở trạm

Trải qua 14 năm công tác ở Trạm Y tế phường Thủy Xuân, TP. Huế, Trạm trưởng Phan Thị Mỹ Phương chưa bao giờ chứng kiến công việc của đội ngũ y tế phường lại bận rộn như từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay. Cả núi công việc luôn bao vây mấy anh chị em, từ khám chữa bệnh, châm cứu, tiêm chủng, đến tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19, tiếp nhận khai báo y tế, hỗ trợ chăm sóc F0… cũng như hàng tập hồ sơ phải hoàn tất cứ dày lên từng giờ, trong khi cả trạm chỉ vỏn vẹn có 3 người.

Thăm hỏi F0 điều trị tại nhà ở thị trấn Phú Lộc

PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Hiện nay, đội ngũ y tế - đặc biệt là y tế tuyến cơ sở, đang có những áp lực rất nặng nề, khối lượng công việc cụ thể trên một người rất nhiều. Chúng tôi luôn có sự động viên, chia sẻ với anh em, biết công việc nặng nhọc là vậy nhưng đó cũng là trọng trách mà xã hội đã giao phó cho ngành. Mong mỗi cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục cố gắng, đoàn kết và nghị lực vượt qua thời điểm khó khăn này.

Theo chị Phương, nếu so sánh thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát với hiện tại thì cường độ làm việc của đội ngũ y, bác sĩ ở trạm phải tăng gấp 3, gấp 5 lần, trong khi nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân và gia đình rất cao, luôn hiện hữu từng giờ, từng ngày. Vì vậy, nếu như không nỗ lực, sắp xếp thời gian và bố trí công việc hợp lý thì chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ.

“Mỗi ngày, chúng tôi phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Công việc nội trợ, đưa đón con đều trông chờ người thân. Ăn uống cũng 3 bữa ở trạm, những ngày cao điểm tiêm vắc-xin hoặc số ca F0 tăng cao, không có thời gian đi mua cơm nên luôn chọn mì tôm là “bạn đồng hành” chống đói. Niềm vui, động lực để hoàn thành công việc là mong được góp một phần công sức của mình cùng với đội ngũ y, bác sĩ cả nước đẩy lùi dịch COVID-19”, chị Phương chia sẻ.

Vất vả, gian nan và nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 luôn túc trực, song lâu nay đội ngũ y tế cơ sở chưa nhận được nguồn trợ cấp, bồi dưỡng nào trong công tác phòng, chống dịch. “Để đảm bảo sức khỏe cũng như tiếp thêm động lực để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, chúng tôi không mong muốn gì nhiều, chỉ mong được cấp trên quan tâm, hỗ trợ thêm chế độ ăn uống, bồi dưỡng vào những ngày cao điểm tiêm vắc-xin hay các buổi trực đêm…”, một nhân viên y tế phường Phước Vĩnh nói. 

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, là địa phương có số ca F0 cao nhất trên địa bàn tỉnh tính từ thời điểm dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, thời gian qua đội ngũ y tế các xã, phường phải chịu nhiều áp lực, vất vả để hoàn thành công việc được giao cũng như hỗ trợ, tư vấn cho các ca F0, F1 cách ly tại nhà. Vượt qua khó khăn, trở lực khi đa số các trạm y tế đều thiếu nhân lực, song đội ngũ y, bác sĩ cơ sở vẫn hoàn thành tốt các công việc chuyên môn, đặc biệt là hoàn thành tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các trường hợp đủ điều kiện tiêm; chăm sóc, hỗ trợ F0 tại nhà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói: Thời gian tới, trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế. Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận.

(Tại tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế"do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức)

Bài, ảnh: QUỲNH HƯƠNG THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

TIN MỚI

Return to top