ClockThứ Hai, 25/05/2020 15:18

Không nên nói như chỗ không người

TTH - Cái chuyện ầm ĩ mới đây là chuyện một huyện nghèo bỏ ra 14 tỷ đồng để xây tượng đài. Thật lòng đọc kỹ nội dung sự việc, thấy đây cũng là việc nên làm bởi đó là chuyện ơn nghĩa đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Chỉ có một điều duy nhất làm cho người ta băn khoăn là huyện còn nghèo! Cho nên một câu hỏi cần thiết đặt ra ở đây là: nếu nên làm thì làm quy mô chừng nào là vừa; khi nào làm là hợp lý và làm như thế nào.

Nêu vấn đề vậy thôi, nhưng tôi nghĩ rằng thật ra đây là một việc lớn. Đất nước mình đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cùng với chiến thắng phải đánh đổi bao nhiêu hy sinh mất mát của đồng bào, đồng chí. Việc tri ân là việc cần thiết phải làm, trong đó không loại trừ việc xây dựng tượng đài. Như một lãnh đạo huyện nghèo nói trên đã phát biểu, xây tượng đài là để “tạo điều kiện cho người thân có chiến sĩ hy sinh đến thắp nhang…”. Huyện rất quyết tâm làm việc này chúng ta thấy rõ qua việc, mỗi năm rót một ít kinh phí để làm. Và đây là một nhu cầu thật sự của nhiều địa phương chứ không phải một huyện nghèo nói trên.

Nếu chúng ta giàu có thì không nói làm gì. Một tượng đài đẹp vừa mang tính tri ân, tâm linh, vừa là một tác phẩm để mọi người chiêm ngắm là điều không có gì bàn cãi. Vấn đề là chúng ta chưa giàu nên làm việc gì cũng phải đắn đo. Nêu vấn đề để thấy nhu cầu là mang tính phổ biến, tức là nhiều. Chính vì tính phổ biến như vậy cho nên cần thiết có một quy định chung cho việc này. Không thể anh có điều kiện thì anh có quyền làm tượng đài. Anh giàu hơn thì anh có quyền làm tượng đài to hơn. Thiết nghĩ, vấn đề chính là ở chỗ này. Nó phải có quy định, có tiêu chí, có tính chất… thậm chí là xem xét những điều kiện liên quan, ví dụ người dân ở địa phương đó có đời sống như thế nào; cái tượng đài hay trường học, đập thủy lợi, con đường đi cần thiết hơn với họ. Lẽ thường (cũng có cá biệt nhưng là số ít) khi đã no rồi con người ta mới quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần.

Có một điều làm người viết bài này chú ý (không phải riêng vụ việc này đâu mà nhiều vụ việc khác), nhiều khi, những người có trách nhiệm trả lời cho công chúng mà “vô tư” như chốn không người. Một tượng đài như vậy, làm trong nhiều năm như vậy, mà khi hỏi người có thẩm quyền cấp trên, thì cấp trên bảo: “để cho kiểm tra lại”; hỏi người có trách nhiệm của ngành chức năng thì cũng bảo: “vụ việc này chưa nắm rõ, để kiểm tra lại”.

Thế thì chúng ta quản lý kiểu gì? Quản lý là có phân cấp phân quyền ở mức độ nào đó theo quy định, nhưng cũng phải bảo đảm tính tập trung xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ “trái qua phải” (xin giải thích: đó phải có ý kiến của các ngành chức năng phối hợp).

Vừa rồi, báo chí cũng nêu về việc, Bộ Giao thông Vận tải tính chuyện tăng phí “Để cứu các BOT”. Lý do là nhiều BOT đang trong tình trạng khai thác thấp hơn so với dự báo, có những BOT thu được rất thấp.

Chúng ta sẽ thấy có những vô lý là ở chỗ này. Các doanh nghiệp đầu tư BOT không thể tự mình làm được, mà phải qua bao nhiêu khâu tính toán, khảo sát, phê duyệt, rồi giám sát trong quá trình hoạt động. Anh khảo sát thế nào để lập dự án mà khi tính toán thu được mười bây giờ chỉ được năm bảy thậm chí hai ba? Vai trò tham mưu của Bộ như thế nào trong việc này? Chính vì làm kinh tế theo cái kiểu “thắng cũng được mà thua cũng được” cho nên nó mới sinh ra một cách làm kém hiệu quả như vậy. Nếu chính phủ dang tay cứu một lần rất có thể là chất xúc tác cho những dự án “bánh vẽ” ra đời trong tương lai. Làm dự án kinh tế mà khảo sát không kỹ, đánh giá không đúng tình hình, dự báo không đúng thị trường… thì chỉ dẫn đến một hệ quả không tốt đẹp.

Cho nên, làm phải có trách nhiệm đến nơi đến chốn là chuyện đương nhiên phải làm. Nhưng… nói (phát ngôn) cũng cần phải có trách nhiệm. Cán bộ không thể nói với người dân như chỗ không người. Trách nhiệm liên quan đến anh mà khi hỏi anh bảo không biết, chưa nắm (để cho kiểm tra lại; điều này tôi chưa nắm được).

Mới đây, ở Thừa Thiên Huế, khi báo chí nêu vấn đề cấp phép cho một số dự án làm trang trại nhưng có những dấu hiệu cho thấy có thể đây là một sự “núp bóng” để khai thác tài nguyên, cụ thể ở đây là “đất tận dụng”. Thế nhưng khi hỏi những người có trách nhiệm, cũng nhận được những câu trả lời như những trường hợp nêu trên. Cái kiểu như: “Chúng tôi đang kiểm tra xem thử tình hình như thế nào…”.

Trả lời theo kiểu như thế, người dân có quyền đặt ra mấy khả năng như sau:

- Cơ quan thực thi nhiệm vụ đã không nắm được tình hình và chưa làm hết trách nhiệm của mình.

- Không loại trừ người dân nghi ngờ về sự trong sáng của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.

Và người dân tin hay không tin cán bộ chính là ở hành động và lời nói của chính cán bộ của chúng ta.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung nguồn lực đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia

Ngày 15/8, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia.

Tập trung nguồn lực đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia
Đưa A Lưới ra khỏi huyện nghèo quốc gia

Năm 2023, A Lưới đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm, tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo xuống còn 3.691 hộ. Đây là lộ trình được đặt ra với sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, nhằm sớm đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia duy nhất của tỉnh.

Đưa A Lưới ra khỏi huyện nghèo quốc gia
Ngân sách TW hỗ trợ các huyện nghèo, thoát nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 965/QĐ-TTg sửa đổi Điều 3 Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và các huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

Ngân sách TW hỗ trợ các huyện nghèo, thoát nghèo
Rà soát các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xem xét bổ sung huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Rà soát các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a
Return to top