ClockThứ Tư, 06/08/2014 04:07

Không nên rập khuôn

TTH - Trong khi việc triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) đang được triển khai ở đa số các trường thành viên của Đại học Huế (ĐHH) thì một số trường, khoa thành viên có các ngành đặc thù như Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa Giáo dục thể chất hay Trường ĐH Y Dược, việc chuyển sang đào tạo theo HCTC vẫn còn chậm.

Đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên trường này có thể đến trường khác để học những học phần mà họ lựa chọn (Trong ảnh, một tiết học của sinh viên lớp Sử 3A Trường ĐH Sư phạm)

Không dễ với môn đặc thù

Ngày 26-9-2007, Giám đốc Đại học Huế ban hành Đề án đào tạo bậc đại học theo HCTC. Trong đó, năm học 2008-2009 tổ chức đào tạo theo HCTC cho năm thứ nhất, khoá tuyển sinh 2008, tại tất cả các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐHH. Riêng Trường ĐH Ngoại ngữ trong năm học 2008-2009 bắt đầu đào tạo tín chỉ cho tất cả các khoa. ĐHH khuyến khích các trường, khoa áp dụng đào tạo theo HCTC cho sinh viên năm 1,2 kể từ năm học 2009-2010; áp dụng cho năm sinh viên năm 1, 2, 3 từ năm học 2010-2011. Đến năm học 2011-2012, áp dụng phương thức đào tạo tín chỉ cho tất cả các ngành đào tạo và cơ sở đào tạo trong toàn ĐHH.

TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật cho biết, hiện nay chỉ có Trường ĐH Nghệ thuật - ĐHH là trường đào tạo mỹ thuật duy nhất trong cả nước tham gia lộ trình chuyển đổi đào tạo theo HCTC. Việc thực hiện đào tạo theo HCTC đối với các môn lý thuyết ngành không khó nhưng với các môn chuyên ngành sâu, như hình hoạ, trang trí, ký học thực tế, chuyên khoa chất liệu sơn mài, sơn dầu, đồ hoạ, phù điêu... thì không dễ dàng chuyển đổi. Việc chỉ áp dụng chuyển đổi phiên ngang cơ học cứ 15 tiết hoặc 30 tiết là 1 tín chỉ thì thiếu tính khoa học đối với đào tạo mỹ thuật. Hiện, sinh viên của trường mới chỉ đang học tín chỉ với các môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ không chuyên,...
Một số vấn đề nổi cộm lên mà TS. Phan Thanh Bình đưa ra là, trong đào tạo theo HCTC người học được tăng quyền lựa chọn nhiều nội dung và đối tượng học khác nhau; tuy nhiên, đối với nghệ thuật, nếu quá thả lỏng quyền này thì dễ dẫn đến tình trạng người học sẽ tập trung vào học một số học phần, lựa chọn được học với một số giảng viên giỏi, có uy tín chuyên môn, làm mất cân đối sự hài hoà chung trong điều phối quản lý đào tạo.
Bất cập thứ hai là đánh giá kết quả môn học, đánh giá thường xuyên theo quy chế đào tạo tín chỉ (quy chế 43) là phù hợp với số đông của giáo dục đại học, tuy nhiên với đào tạo Mỹ thuật việc đánh giá quá trình cũng khó thực hiện chính xác do tính chất riêng của việc học vẽ, học điêu khắc quy định bởi “tư chất bài học chuyên ngành mỹ thuật là rất khác với các ngành khác, vì vậy thuộc tính đánh giá cũng cần phải được xây dựng và quy định cụ thể”.
Khó khăn thứ ba là, từ trước đến nay việc chấm thi tốt nghiệp của trường là chấm theo hội đồng trường hoặc hội đồng uỷ nhiệm tại các khoa. Hội đồng có lúc đến 15 người trong khi các ngành khác hội đồng chỉ từ 3-7 người. Nay theo QC 43, việc chấm thi chỉ cần 2 giảng viên đảm nhiệm và không bảo vệ trước hội đồng. Điều này là đổi mới và táo bạo, với đào tạo mỹ thuật thì cũng có thể thực hiện được nhưng đòi hỏi trách nhiệm và sự công bằng, nhân tâm của giáo viên chấm rất cao và cần phải lựa chọn giáo viên chấm thi thật tốt.
Xu hướng liên thông, mô đun hoá các khối lượng học, tạo được nhiều cơ hội cho sinh viên lựa chọn thời gian, môn học,... thì với đào tạo mỹ thuật, sự liên thông này chỉ mang tính tương đối và giới hạn trong các khoa có giảng dạy những môn giống nhau, như hình hoạ, trang trí, ký hoạ và một số chất liệu chuyên khoa sơn dầu, sơn mài... Điều này khác hẳn với các trường thành viên khác của ĐHH khi sinh viên trường này có thể đến trường khác để học những học phần mà họ lựa chọn.
Trường ĐH Nghệ thuật còn gặp những khó khăn về cơ sở vật chất, như phòng học, phần mềm quản lý sinh viên,... Các học phần tiên quyết rất nhiều, như muốn học hình hoạ 2 phải học hình hoạ 1 trước đã, khiến cho việc sắp xếp theo tín chỉ rất khó. Việc lựa chọn tín chỉ sẽ có lợi cho sinh viên nhưng sẽ gây nên tình trạng giảng viên tự nâng điểm cao hơn so với giảng viên khác để thu hút sinh viên về mình, như vậy sẽ chưa đánh giá đúng năng lực của sinh viên.
 
Cần linh hoạt
PGS.TS.Nguyễn Trường An, Phó Trưởng phòng đào tạo Đại học, Trường đại học Y Dược cho biết, trường có 8 ngành đào tạo đại học chính quy nhưng mới có 2 ngành chuyển đổi sang đào tạo theo HCTC vì đội ngũ cán bộ, giảng viên thiếu, điều kiện cơ sở vật chất (giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện,...) chưa đảm bảo cung cấp đầy đủ 100% cho người học. “Một cái khó nữa là các ngành có những môn tiên quyết rất nhiều (ví dụ phải học môn khoa học cơ bản, y học cơ sở đã rồi mới đến môn y học lâm sàng) nên việc sắp xếp theo tín chỉ là rất khó. Đây là lý do chính trường chưa triển khai đào tạo theo HCTC cho tất cả các ngành mà chỉ lựa chọn những ngành mềm dẻo để triển khai”, PGS. Nguyễn Trường An nói. Cũng theo PGS. Nguyễn Trường An, các trường y lớn trong nước như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh cũng chưa triển khai đào tạo theo HCTC mà đang chờ đợi quyết định của hội nghị các trường đại học Y (do Bộ Y tế chủ trì hàng năm) mặc dù lộ trình của bộ là đến 2015 phải chuyển đổi qua HCTC.
Tại Khoa giáo dục thể chất - ĐHH, việc chuyển đổi sang đào tạo theo HCTC cũng rất chậm bởi những khó khăn lớn, như: hệ thống sân bãi vừa quá tải vừa kém chất lượng; sự thiếu thốn về phòng học; đội ngũ cố vấn học tập của khoa còn mỏng và chủ yếu tập trung các môn giảng dạy thực hành, thiếu trầm trọng đội ngũ giảng dạy các môn học lý luận; trang thiết bị lạc hậu không thể đáp ứng được việc tự học đối với sinh viên khi thực hiện đào tạo tín chỉ.    
Đào tạo theo HCTC được xem là con đường duy nhất đưa chất lượng đào tạo của giáo dục Việt Nam sớm bắt kịp với một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Để thực hiện được điều này và lộ trình mà ĐHH đề ra thì “không chỉ có Trường ĐH Nghệ thuật đòi hỏi phải vận dụng mềm dẻo hơn quy chế đào tạo theo HCTC mà cả ĐHH cũng cần luôn sáng tạo trong tiến trình thực hiện đào tạo theo HCTC, cần vận dụng linh hoạt trong từng ngành đào tạo cụ thể, không nên áp dụng cứng nhắc rập khuôn và bám sát đến máy móc các quy chế của bộ. Bộ cũng cần bám sát thực tiễn để sớm nhìn ra những bất cập, nhìn thấy những yêu cầu không thể khác của các trường để điều chỉnh chính sách và hoàn thiện quy chế”, TS.Phan Thanh Bình nhìn nhận.
Bài và ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top