ClockThứ Sáu, 27/07/2018 09:31

Không nhanh sẽ mất việc

TTH - Nhìn vào con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chúng ta phần nào thấy được bức tranh đào tạo này.

Một số ngành nghề sẽ biến mất, một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện và lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao… trước tác động của cuộc cách mạng 4.0. Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “Nghề phổ biến nhất trên thị trường hiện nay và sự biến động dưới tác động của kỷ nguyên số- vai trò của dịch vụ việc làm công”, tổ chức tại TP. Huế trong 2 ngày 24-25/7 vừa qua. Đón nhận thách thức và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 như thế nào là bài toán đặt ra không chỉ đối với người lao động mà cả các quốc gia.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng 4.0 dẫn đến thay đổi phương thức sản xuất, phương thức phân phối, trao đổi, tiêu dùng, thay đổi cơ cấu tổ chức của xã hội dẫn đến thay đổi quy mô, tính chất, cơ cấu của lực lượng lao động. Đó không chỉ là quá trình tự động hóa diễn ra mạnh mẽ, máy móc dần thay thế con người mà còn là trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, robot thế hệ mới, công nghệ sinh học, công nghệ nano.

Nhìn lại trình độ, năng suất lao động ở nước ta hiện nay có nhiều vấn đề phải quan tâm. Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Sigapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan…, thậm chí chỉ bằng 87,4% của Lào. Năng suất lao động thấp, một phần do trình độ công nghệ của chúng ta thấp, tỷ lệ lao động giản đơn cao và một phần do trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc của người lao động  không cao. Trong khi đó, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ nước ta hiện nay khá thấp, phấn đấu năm 2018 nâng tỷ lệ này 23-25%.

Một thông tin khác được VTV đưa gần đây là Việt Nam thiếu trầm trọng kỹ sư thực hành và lao động có tay nghề cao. Các doanh nghiệp luôn săn đón và có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút những lao động này nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, rõ ràng việc đào tạo nghề của nước ta hiện nay có vấn đề, cả về cơ cấu lẫn chất lượng đào tạo.

Nhìn vào con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại kỳ thi  THPT Quốc gia 2018 chúng ta phần nào thấy được bức tranh đào tạo này. Đó là có khoảng 2/3 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng (trên 688 nghìn/ 925 nghìn thí sinh dự thi)  và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng có trên 455 nghìn (hơn 50% số thí sinh dự thi). Tại Thừa Thiên Huế tỷ lệ này còn cao hơn (có 1.882/12.474 thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển công nhận tốt nghiệp THPT). Điều này cho thấy, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, chưa tạo sự đột phá trong nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của học sinh.

Theo dự báo của các chuyên gia tại hội thảo, đến năm 2025, có khoảng 80% số công việc là công việc mới chưa hề xuất hiện hiện nay. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội việc làm mới, ở những lĩnh vực mới, nhưng với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn. 

Từ nay đến 2025 không còn xa, nếu ngành giáo dục không có sự chuyển mạnh về cơ cấu đào tạo, nhất là việc bổ sung các ngành nghề mới và nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sẽ còn tăng cao. Trong khi đó thị trường lao động vẫn tiếp tục thiếu lao động có tay nghề. Đó là lãng phí lớn trong đào tạo.

 Với người lao động, việc chọn nghề cũng cần gắn với xu hướng chuyển dịch của thị trường lao động để đón đầu cơ hội; đồng thời chú trọng hơn các kỹ năng mềm, nhất là ngoại ngữ, tin học để sẵn sàng hội nhập. Không tự hoàn thiện mình, bị tụt hậu thì mất việc làm không còn là nguy cơ mà đến rất sớm.

Minh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 26 – 29/6. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện theo đúng tiến trình và sớm hơn mọi năm.

Điểm mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Return to top