ClockThứ Hai, 19/08/2019 05:30

Không phí hoài... cọng rác - Kỳ 1: Dấu ấn "Ngày Chủ nhật xanh"

TTH - Xử lý rác thải sinh hoạt (RSH) lâu nay là bài toán nan giải ở nhiều địa phương. Chung khó khăn này, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực, tạo ra nhiều gam màu sáng, nhưng xem ra vẫn còn chông chênh, gập ghềnh.

Trồng 10.000 cây rừng ngập mặn hưởng ứng "Chủ nhật xanh"Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc hưởng ứng phong trào ngày Chủ nhật xanhCách làm hay của phường Phú Hiệp trong Ngày Chủ nhật xanh

Bao trăn trở, quyết đoán của lãnh đạo tỉnh để "Ngày Chủ nhật xanh" - phong trào vệ sinh môi trường, thu gom rác ra đời tạo làn gió mới, làm cho Thừa Thiên Huế đổi thay diện mạo từ thành thị đến nông thôn.

Chung tay gom rác

Khơi thông "phần ngọn"

Như mọi tuần, bác Anh tuy đã ngoài tuổi 75 vẫn phấn khởi xách xẻng, cuốc cùng các thành viên trong hội đoàn phường Thủy Biều (TP. Huế) tham gia Ngày Chủ nhật xanh. "Không nề hà, còn sức khỏe là mình cứ làm, cứ dọn. Sạch đẹp mình hưởng, con cháu mình hưởng. Để bẩn thỉu, nhếch nhác, người ta chê cười mình không biết sống văn minh", bác Anh trò chuyện.

Trong chuyến công tác đến xã Thượng Quảng (Nam Đông), câu chuyện hấp dẫn chúng tôi vẫn xoay quanh "Ngày Chủ nhật xanh". "Chủ nhật xanh" đã tạo không khí tươi mới nơi xóm núi vào dịp cuối tuần. Những đường thôn ngõ xóm sạch đẹp, thoáng đãng hơn từ sự chung tay, góp sức của các tổ chức đoàn thể địa phương, từ người già đến thanh thiếu niên đều xắn tay quét rác, vệ sinh môi trường.

Hăng hái đẩy từng xe rùa đất phụ giúp các chị em trồng hoa, anh Nguyễn Văn Thăng, an cư ở xã Thượng Quảng hơn 20 năm, vui vẻ: "Từ ngày phát động Ngày Chủ nhật xanh, tuần nào bà con cũng phân công ra quân làm vệ sinh. Hôm dọn rác, quét đường, phát quang bụi rậm, hôm san phẳng những đống rác lộ thiên để phủ đất trồng hoa, trồng cây. Mừng là khi có nhiều người động viên, chung tay, nên rác đã vơi đi bảy, tám phần".

Lộc Vĩnh là xã biển nằm ở phía Nam của tỉnh, đang khởi sắc nhờ làm tốt mô hình xây dựng tuyến đường, khu dân cư sáng-xanh-sạch.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, được phân công nhiệm vụ giám sát Ngày Chủ nhật xanh tự hào giới thiệu: Từ khó khăn trong vấn đề thu gom xử lý RSH, đến nay, Lộc Vĩnh đã chọn và xây dựng các tuyến đường xanh-sạch-sáng như tuyến Cảnh Dương đến cảng Chân Mây dài 13km, tuyến Bình An 1 đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Chân Mây dài 3km và tiếp tục xây dựng thêm 2 tuyến đường sạch trong năm 2019. Hơn 13km điện đường ở 5 thôn được thắp sáng.

"Ngày Chủ nhật xanh" đã lan tỏa từ thành phố về miền quê, từ đồng bằng lên miền núi, vùng sâu, góp phần đem lại môi trường, cảnh quan đô thị, nông thôn Thừa Thiên Huế thêm sạch, xanh. Phong trào này đã được Thủ tướng Chính phủ đề cao, khen ngợi và nhiều địa phương khác lấy đây làm mô hình điểm để học tập, thực hiện.

Nhóm trẻ tình nguyện chung tay nhặt rác làm sạch biển

Rác đi về đâu?!

Có sự góp sức của "Chủ nhật xanh", nguồn rác thu về ngày càng nhiều hơn so với trước. Bình quân 5 tháng đầu kể từ khi phát động phong trào, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị (MTĐT) Huế đã thu gom ở TP. Huế được thêm khoảng 1.000m3 rác, 239m3 bèo. Nếu tính các huyện, thị xã, con số này có thể tăng thêm gấp 5-7 lần.

Nhưng điều đáng lo, nhất là trong thời gian đến, rác sẽ được xử lý như thế nào khi các điểm xử lý đang có nguy cơ quá tải, tắc nghẽn do hạ tầng xuống cấp, công tác xử lý vận hành hiện đang chông chênh, bất cập.

Với khoảng 650 tấn RSH phát sinh mỗi ngày trên toàn tỉnh, nhưng chưa tới 500 tấn được thu gom vận chuyển đến các bãi tiếp nhận xử lý chưa qua phân loại. Như vậy, hơn 150 tấn rác còn lại và có thể hơn thế đang tồn cư, lưu cữu ở nhiều nơi.

Rồi "nước chảy chỗ trũng", rác lại xuôi về hệ thống sông đầm Tam Giang- Cầu Hai, về biển hay len lỏi trong khu dân cư... biến đây thành những túi chứa, những điểm đen ô nhiễm cục bộ, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Thực trạng trên, phải kể đến bãi rác núi Thế Đại của TX. Hương Trà tạo hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến người dân địa phương trong nhiều năm qua. Ra đời từ năm 2000, bình quân mỗi ngày bãi rác Thế Đại phục vụ chôn lấp rác thải khoảng 5 tấn tại địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bãi đã quá tải, làm lượng rác ở đây đe dọa môi trường từng ngày và người dân sống chung quanh phải "nín thở".

Khi chúng tôi đến thực tế ở đây, nhiều người dân bức xúc: "Ban ngành chức năng cần đóng cửa ngay bãi rác Thế Đại vì ô nhiễm không chịu nổi. Xe chở rác chạy qua khu dân cư vừa cày nát đường, vừa phảng phất mùi rác rất ngột ngạt. Ruộng, ao gần bãi rác nước đen ngòm, chẳng ai dám lại gần".     

Bãi chôn lấp (BCL) chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) số 2 Thủy Phương (TX. Hương Thủy)-điểm xử lý tập trung của tỉnh cũng trong tình trạng quá tải vì từ hơn một năm nay phải dồn sức gánh rác từ Phú Lộc, Phú Vang lên, từ TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy về.

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty MTĐT Huế cho hay, BCL CTRSH số 2 Thủy Phương có công suất xử lý 240 tấn/ngày. Nhưng từ khi Nhà máy xử lý CTR Thủy Phương (Công ty Tâm Sinh Nghĩa) có công suất xử lý 200 tấn/ngày ngưng hoạt động từ tháng 4/2019, bãi phải tăng lượng xử lý lên gần 450 tấn/ngày. Với sự quá tải này, đến cuối năm 2020, BCL này buộc phải đóng cửa vì không còn sức chứa.

So với tỷ lệ 81% lượng rác được thu gom trên toàn tỉnh, một số huyện vẫn còn tỷ lệ thu gom chưa cao, như: Phú Lộc đạt 54%, Quảng Điền 67,4%, Phú Vang 78%, A Lưới 78,8%... Trong điều kiện nếu không làm tốt khâu tiết giảm, phân loại, tái chế, tái sử dụng sẽ là mầm mống phát sinh ô nhiễm, mất mỹ quan do rác lưu cữu.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 2: “Chật vật” công trình xử lý

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu ứng từ các phong trào.

Trên nền tảng thành công trong thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, thời gian qua TX. Hương Thủy tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động không chỉ góp phần nâng cao ý thức của người dân mà còn tạo nên không gian sống, làm việc ngày càng xanh - sạch - sáng.

Hiệu ứng từ các phong trào
Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1: Dòng sông máu

Mỗi khi nhắc đến sông Hai Nhánh, mấy anh em từng thoát ly tham gia kháng chiến, chúng tôi đều ước mong có dịp quay trở lại địa điểm được ghi nhận là ác liệt nhất khi từ đồng bằng lên hậu cứ. Được Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn giúp đỡ và đích thân Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức trực tiếp đưa đi, cuối cùng chúng tôi toại nguyện.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1 Dòng sông máu
Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Lan tỏa lối sống xanh

Từ những mô hình hay, cách tuyên truyền hiệu quả của Phong trào Ngày Chủ nhật xanh, bây giờ, lối sống xanh không còn là điều gì đó mới mẻ. Nó đã, đang từng ngày, từng giờ đi vào đời sống của người dân.

Lan tỏa lối sống xanh
Return to top