ClockThứ Sáu, 06/11/2020 13:34

Không quên chiếc cầu gỗ lim

TTH - Lụt to vừa vãn hồi, chạy vội ra phố, tôi không quên dòm xem chiếc cầu đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương bây chừ ra sao.

Cả mấy ngày liền mưa to, có bao điều xảy ra ở đất Huế này nhưng trên những trang facebook và cả những tờ báo chính thống, vẫn không thiếu hình ảnh về chiếc cầu kỳ lạ kia. Đã có thời điểm, cầu ngập chìm trong nước khiến bao người hồi hộp và lo âu. Nước hạ xuống và rút đi, có tiếng thở phào nhẹ nhõm. Và rồi, chưa kịp mừng cho cầu thì những trận mưa lớn sau đó ảnh hưởng bởi các cơn bão số 8 hay số 9 lại khiến chiếc cầu thêm nhiều lần ngập - nổi, trước khi xuất hiện trở lại, vẹn nguyên dưới con mắt bao người. 

Hình ảnh nhiều lần tôi bắt gặp ngay sau lụt dữ đi qua và ngay khi nước lũ vẫn còn xâm xấp trên mặt cầu là đã thấy có nhiều công nhân xuất hiện dọn dẹp vệ sinh, tỉ mẩn chùi rửa và dọn vớt đi những rác rưởi bám tấp vào thành cầu. Cũng đã có không ít người, đặc biệt là giới trẻ tranh thủ dừng bước ghé thăm, và không quên ghi lại vài hình ảnh về chiếc cầu trở lại vẹn nguyên sau nhiều ngày ngập chìm dưới nước như một kỷ niệm hay một minh chứng về chiếc cầu gỗ lim kia vẫn còn đó, dù phải trải qua những ngày bão táp mưa sa.

Huế có nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là công trình văn hóa gây nhiều tranh cãi và trong số đó có cầu đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương. Với chiếc cầu này, vấn đề không chỉ là số tiền hơn 65 tỷ đồng mà còn xung quanh chuyện chất liệu gỗ, những dị nghị về sự lãng phí cũng như những lo ngại về việc cầu đi bộ ảnh hưởng đến dòng chảy, phá vỡ cảnh quan của đôi bờ sông Hương… Đặc biệt, có rất nhiều ý kiến lo ngại về việc cầu đi bộ sẽ không chịu nổi, bị hư hỏng và có thể bị cuốn trôi khi gặp lũ dữ trên sông Hương.

Tuy nhiên, tôi cũng được biết, đã có thông số và sự bảo lãnh về độ an toàn của công trình. Ví dụ, ý kiến từ các chuyên gia kỹ thuật cho biết, thiết kế cầu đi bộ bằng gỗ lim Nam trên sông Hương đã tính đến việc Huế thường xuyên bị ngập lụt. Theo đó, nếu nếu bị nước ngâm lên 2 mét trong vòng 45 ngày thì không ảnh hưởng gì. Thực tế, cũng không có khi nào Huế ngập lụt trong  45 ngày liên tiếp cả. Tôi là kẻ không có chuyên môn về cầu cống nên không dám luận bàn. Còn phải cần thêm thời gian để bảo đảm rằng, công trình này an toàn vượt lũ, nhưng tôi tin chiếc cầu sẽ bền vững.

Lụt lội và bão tố gây bao tác hại và người dân Huế lắm chuyện phải lo toan từ mưu sinh hằng ngày đến vấn đề sinh tử, thế nhưng họ vẫn có những quan tâm đặc biệt dành cho những trình văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng của vùng đất. Từ xa xưa là Đại Nội, rồi lăng tẩm vua Nguyễn, rồi cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp”, là Đập Đá nước tràn, là chợ Đông Ba, là những công viên Huế… Bây giờ, bổ sung thêm chiếc cầu đi bộ “siêu sang” bằng gỗ lim nho nhỏ trên sông Hương, và tôi nghĩ, nó đã được xem là điểm đến và là biểu tượng văn hóa mới của Huế.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Thừa Phủ không bí đường ra

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Thừa Phủ không bí đường ra

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top