ClockThứ Sáu, 04/09/2015 07:22

Không thể ăn xổi

TTH - Chỉ thu được 11 triệu trong tổng số 16 triệu lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của cả nước. Điều này đã gây thất thu cho Quỹ BHXH gần 84.000 tỷ đồng mỗi năm - Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho hay. Tại Thừa Thiên Huế, con số tồn đọng này là trên 91,5 tỷ đồng (tính đến 31/7 – nguồn BHXH Thừa Thiên Huế). Có rất nhiều vấn đề được đặt ra ở đây xét từ các khía cạnh năng lực sản xuất, khả năng của doanh nghiệp (DN) đến chưa có những chế tài đủ mạnh. Một câu hỏi lơ lửng: đó có phải là điều đã làm cho các DN trở nên miễn dịch, hoặc lạm dụng nguồn kinh phí này trong cả một thời gian dài?

Luật BHXH quy định rất rõ về nghĩa vụ của người lao động (trích 8%) tiền lương hàng tháng và người sử dụng lao động (trích 17% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động) để đóng vào Quỹ BHXH. Các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật BHXH cũng được thể hiện rất rõ tại Luật bao gồm việc chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người tham gia BHXH bắt buộc…với mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng. Ngoài các biện pháp kể trên, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn được phép công bố công khai danh tính các cá nhân, tổ chức vi phạm trên trang web, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cao hơn, Luật còn cho phép các cơ quan BHXH khởi kiện hoặc có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các DN không đóng hoặc chậm đóng BHXH trong thời hạn ba tháng kể từ ngày có nghĩa vụ đóng…Với các quy định cụ thể này cũng như những nỗ lực và tăng cường của các cơ quan thực thi, các con số có phần được cải thiện. Tuy nhiên, sự cải thiện này cũng ở một mức độ nào đó và có vẻ cũng không được như mong đợi.

Một thực tế trong đời sống là có nhiều DN hoạt động rất khó khăn, cầm chừng, thậm chí lương còn chưa trả đủ cho người lao động nên chưa đóng, chậm đóng, hoặc chỉ đóng ở một tỷ lệ nào đó cho có. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà nhiều DN khác thường nại cớ và vin vào để trở thành “con nợ” của BHXH và sử dụng nguồn vốn đó để tiếp tục quay vòng, tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn trên hành vi chiếm đoạt nguồn tiền một cách bất chính.

Nếu xét trên khía cạnh quyền và nghĩa vụ, việc trốn tránh không đóng BHXH của các DN cũng là một cách chiếm đoạt quyền được thụ hưởng của người lao động khi tham gia vào một dây chuyến, một hệ thống sản xuất. Đây rõ ràng là hành vi phi pháp và khi cần, phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, cao hơn là bằng các biện pháp hình sự nếu DN cố tình trì hoãn và trốn tránh kéo dài. Tuy nhiên, có một thực tế khác nữa là người lao động đôi khi lại từ chối quyền được thụ hưởng của mình vì rất nhiều lý do, chẳng hạn thu nhập chưa đủ sống; tạm thời chấp nhận cái trước mắt, cái tức thời…và vì thế, đôi khi họ thỏa thuận với DN về việc không đóng (không trừ) phần chi cho BHXH, không ký hợp đồng ở mức phải đóng BHXH. Những điều này thường xuất phát từ tâm lý “ở thì”, hoặc bản thân họ không có ý định làm việc lâu dài, hoặc không nhìn thấy khả năng phát triển bền vững của DN và cũng không ngoại trừ yếu tố thiếu niềm tin vào chế tài. Những vấn đề này dẫn đến hệ lụy cho xã hội khi nó trực tiếp gây nên tính mất ổn định, mất cân đối khi các DN đẩy quả bóng an sinh cho nhà nước. Và đến một lúc nào đó, thay vì các biện pháp hành chính, răn đe, các cơ quan chức năng buộc phải dùng đến biện pháp hình sự hóa.

Trong diễn tiến này – mà đó là thực tế đang tồn tại một cách khá phổ biến - có vẻ như DN là đối tượng đang hưởng lợi dựa trên việc không thực hiện nghĩa vụ với người lao động và với xã hội. Nhà nước thất thu, người lao động mất quyền lợi. Tuy nhiên, đây cũng vẫn là sự “ăn xổi”. Trong sự phát triển và hướng đến sự phát triển ổn định, lâu dài cũng như hội nhập sâu vào thị trường thế giới, không chỉ lý lịch của sản phẩm mà thông tin về DN cũng là một thành tố quan trọng trong việc đặt các mối quan hệ đối tác, làm ăn…

Vấn đề là ở chỗ, không thể “ở thì” mãi được, càng không thể “ăn xổi” nhưng điều cần làm lại không chỉ cần các biện pháp chế tài đủ mạnh và có hiệu quả trong quản lý, điều hành và thực thi mà còn làm thế nào để các mối quan hệ giữa người lao động – doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và nhà nước trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người lao động; đồng thời lại vừa đảm bảo tính hài hòa và thân thiện trong môi trường đầu tư.

Binh Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Return to top