ClockThứ Năm, 23/10/2014 00:18

Không thể có chuyện người ăn ốc, kẻ đổ vỏ

TTH - Chuyện vô lý của giờ chạy tàu tại các tuyến đường sắt ngang qua đô thị đã từng được bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế hơn một lần phân tích, kiến nghị, song chưa hề nhận được một phản hồi tiếp thu hay giải thích nào của ngành hoả xa…

Chờ tàu ở đường Ngự Bình

Sáu giờ 30 phút sáng 14-10, cho xe đổ dốc đường Trần Phú xuống cầu Kho Rèn. Từ xa đã thấy đông nghẹt. Dấu hiệu cho biết tàu hoả đang được ưu tiên. Gác chắn đường sắt đã khoá. Tàu qua, cả đoàn người-xe mệt mỏi nhích từng chút để qua nút thắt chỗ gác chắn. Đến ngã tư Trần Phú – Phan Chu Trinh, hai luồng giao thông lại cắt nhau. Ai cũng vội, ai cũng không chịu nhường ai, vậy là lại tắc đường. Cũng có nghĩa là sẽ có rất nhiều cháu học sinh phải trễ học, rất nhiều vị phụ huynh trễ giờ làm.

Buổi chiều cùng ngày, trời mưa nặng hạt. Đón đứa con vừa bãi học, tôi chở vội cháu về nhà, để vừa tránh mưa vừa cho cháu ăn chiều cho kịp giờ đi học thêm. Xe vừa tới đầu cầu Phú Cam thì lại tắc đường. Cũng chỉ một nguyên nhân là tàu hoả vừa đi qua đúng giờ cao điểm. Tình thế ngó bộ không xong, tôi cho xe quay về cầu Kho Rèn tìm đường lên theo lối Trần Phú, hơi xa nhưng vẫn còn hơn tắc đường. Chạy gần đến ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Phú, thấy dòng giao thông đông đặc, kéo suốt từ phía trên đường Trần Phú qua hết cầu Kho Rèn. Trông còn tệ hơn cả ở Phú Cam. Vậy là lại quay xe về lối cũ. Nhưng thật… khốn nạn thân tôi. “Chốn xưa lối cũ” lúc này đã… lên cao trào. Dòng xe không thể tiến mà cũng chẳng thể thoái. Xe đủ loại từ hướng Nguyễn Trường Tộ chạy lên xung đột với dòng xe từ trên Đoàn Hữu Trưng đổ về; rồi cả hai dòng xe trên lại còn giao cắt với dòng phương tiện lưu thông trên tuyến Phan Chu Trinh, đặc biệt là từ hướng cầu Dã Viên tràn xuống. Giao thông… “vón cục” - Có lẽ đó là hình ảnh chính xác cho “thảm trạng” lúc ấy tại các tuyến đường trong thành phố có điểm giao cắt với đường sắt. Không cách nào hơn, tôi tấp xe vào lề đường và kiên nhẫn chờ ...
Suốt hơn nửa giờ giam chân tại chỗ, cũng giống như tình trạng lúc ban sáng tôi đã gặp phải tại đường Trần Phú, rất buồn là không hề thấy bóng dáng một đồng chí cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc công an phường xuất hiện để hướng dẫn, phân luồng, khắc phục tình trạng ùn tắc cho người đi đường đỡ khổ. Tất cả đều để cho người tham gia giao thông tự giải quyết. Và chắc chắn, với văn minh phổ biến ở ta hiện nay, cách giải quyết là mạnh ai nấy được, là chen lấn, là xô đẩy, là cáu bẳn, cãi cọ… Rất may, cuối cùng tình hình cũng tự nó cải thiện. Tôi liếc nhìn đồng hồ, như vậy là 17h35 dừng xe đợi, đến 18h10 phút mới lách thoát lên được đường Đoàn Hữu Trưng. Chỉ còn đủ thời gian mua cho con ổ bánh mì để cháu tiếp tục vào lò luyện học thêm.
Chuyện vô lý của giờ chạy tàu tại các tuyến đường sắt ngang qua đô thị đã từng được bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế hơn một lần phân tích, kiến nghị. Trong một số báo cách đây chưa lâu, có ý kiến đã nêu đại ý, rút ngắn thời gian chạy tàu là nỗ lực, là kinh tế với ngành đường sắt. Nhưng nếu đặt trong tổng thể bài toán xã hội, vài trăm hành khách đi tàu được về ga sớm vài tiếng đồng hồ so với hàng ngàn ngàn người bị trễ giờ làm, giờ học; hàng ngàn ngàn phương tiện giao thông phải nổ máy chôn chân chờ thì không biết cái nào lợi hơn cái nào? Ấy là mới chỉ tính trong phạm vi một đô thị Huế, chưa kể suốt dọc tuyến Bắc Nam, đường sắt còn cắt biết bao nhiêu đô thị nữa. Lại đáng suy nghĩ hơn nữa vì tình trạng ấy không chỉ diễn ra có một vài lần, mà diễn ra hết ngày này qua ngày khác, hết tháng nọ qua tháng kia, hết năm này qua năm nữa… Thế nên, rất mong ngành đường sắt quan tâm, tính toán hợp lý giờ chạy tàu tại những cung đường có giao cắt với đường bộ trong các đô thị, tránh tối đa các giờ cao điểm.
Buồn là những ý kiến của công dân được báo đăng tải chưa hề nhận được một phản hồi tiếp thu hay giải thích nào của ngành hoả xa (!).
Thôi thì, đất không chịu trời thì trời đành chịu đất vậy. Trong lúc ngành xe lửa không chịu tiếp thu, thay đổi, thì để đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt - đường bộ trong những giờ cao điểm, người dân rất cần sự có mặt của lực lượng chức năng để điều tiết giao thông. Đòi hỏi này có lẽ hơi nghiệt ngã so với thực tế lực lượng và yêu cầu thời gian đối với anh em CA, CSGT. Nhưng vì bức xúc của thực tiễn cuộc sống, phi lực lượng này không ai có thể đảm đương hiệu quả.
Vấn đề là cần có chế độ thù lao thoả đáng cho người trực tiếp làm nhiệm vụ. Kinh phí lấy từ đâu? Xin kiến nghị ngay, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo điều tiết chi phí sản xuất kinh doanh từ ngành đường sắt sang cho ngành công an. Cái đó là sòng phẳng, bởi không thể có chuyện quýt làm cam chịu, người ăn ốc kẻ đổ vỏ trong cơ chế thị trường. Còn nếu không, anh phải lắng nghe, phải tự điều chỉnh để có sự hài hoà giữa đường sắt với đường bộ. Phải cân nhắc, tính toán và đặt lợi ích kinh tế, xã hội chung lên trên hết, chứ không chỉ nhất nhất chỉ có lợi ích của ngành đường sắt là tối thượng.
Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top