ClockThứ Năm, 16/02/2017 05:51

Không thiếu lao động biển sau tết

TTH - Trong khi các tỉnh, thành miền Trung khác thiếu hụt lao động biển sau tết thì tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh nguồn nhân lực vẫn ổn định.

Các tàu cá sẵn sàng vào vụ mới

“Đặt cọc” bạn tàu

Chuẩn bị cho mùa biển năm Đinh Dậu, từ sau tháng 9 năm ngoái, thời điểm mãn mùa, các chủ tàu đã bắt tay liên hệ bạn tàu để bảo đảm đủ nhân lực.

Những năm trước, sau tết, việc tìm kiếm bạn tàu khó bởi khá nhiều lao động nghề biển sau khi mãn mùa đều tìm việc ở các tỉnh, thành khác. Ông Trần Văn Mậu (thị trấn Thuận An), chủ tàu TTH- 9604DS cho hay, gần đây, Nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi bám biển, giúp những chuyến biển thuận lợi hơn. Thu nhập của bạn tàu cũng tăng lên đáng kể. Thu nhập cao hơn so với đi làm thuê nên thanh niên làng biển không còn “bỏ xứ đi Nam” sau tết. Nhờ vậy, số lượng lao động trên tàu không còn thiếu hụt như trước đây.

Ngư dân thị trấn Thuận An xuất quân đánh cá vụ nam

Sau sự cố môi trường biển, ngành khai thác thủy sản dần phục hồi.Việc hỗ trợ ngư dân sau sự cố được triển khai kịp thời nên vào vụ sản xuất mới năm nay, ngư dân phấn khởi, sẵn sàng cho chuyến đánh bắt vụ cá nam sắp tới. Ngoài nhiên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết đã được “đặt hàng” sẵn, chủ tàu còn thực hiện “chính sách” giữ chân bạn tàu bằng việc đặt cọc tiền lương. “Thời điểm biển gặp sự cố, nhiều bạn tàu giảm thu nhập. Chi phí cho ngày tết bị ảnh hưởng, nên tui ứng trước cho mỗi bạn tàu 10 triệu đồng, một phần giúp họ trang trải chi phí ngày tết, mặt khác giữ chân họ cho mùa vụ năm sau”, ông Mậu chia sẻ.

Đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ, việc giữ chân được bạn tàu là yếu tố then chốt để bắt đầu mùa vụ mới. “Năm qua, nhiều tàu ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên bạn tàu thông cảm và gắn bó với chủ, ít xuất hiện tình trạng “nhảy” việc. Với chủ tàu, mưu sinh trên biển không chỉ lo cho miệng ăn của bản thân và gia đình mà còn phải lo cho gia đình của gần 10 lao động. Cuối năm, chúng tôi đến nhà các bạn tàu thăm nom, ứng trước tiền lương vụ mới để họ trang trải, cũng là cách đặt cọc cho màu biển mới”, Nguyễn Văn Me, chủ tàu cá ở thị trấn Thuận An tâm sự.

Lao động biển ổn định

Thị trấn Thuận An có 362 tàu thuyền đánh bắt công suất từ 20-800CV. Sau tết, nhiều thuyền đánh bắt vùng lộng đã vươn khơi. Riêng các tàu đánh bắt xa bờ vẫn chờ thời điểm thích hợp. Theo ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, thường sau lễ cầu ngư (12 tháng Giêng) các tàu đánh bắt xa bờ sẽ đồng loạt xuất quân, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, các tàu vẫn nằm bờ. Hiện, các chủ tàu đã gom đủ “quân số” cho vụ cá nam sắp tới. “Năm nay, tại địa phương lao động biển không thiếu hụt. Từ tháng 9 năm ngoái, các chủ tàu đã chủ động liên hệ bạn tàu. Một số ít tàu thiếu từ 1-2 lao động cũng đã kịp liên hệ lao động khác để thay thế”, ông Đủ khẳng định.

Tại xã Phú Thuận, có khoảng hơn 500 lao động biển chủ yếu là lao động trẻ, trong độ tuổi thanh niên. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận chia sẻ: “Số tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở Phú Thuận tăng hàng năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là thanh niên. So với các nghề khác, đi biển có thu nhập cao hơn nên lao động không dại gì bỏ biển để đi làm thuê ở nơi khác”.

Thanh niên trẻ ở các vùng biển cũng ý thức được tầm quan trọng của việc vươn khơi bám biển. Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An cho rằng, thu nhập cao nên nghề biển thu hút ngày càng nhiều thanh niên trẻ, trong số đó, có nhiều thanh niên dự định đóng tàu lớn cho riêng mình bám biển lâu dài. “Thanh niên trẻ chúng em ai cũng ý thức rằng, hết đời cha ông, thế hệ trẻ phải có nhiệm vụ giữ nghề. Nên dù đi bạn hay chủ tàu cũng quyết tâm gắn bó với biển”, Cường nói.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Năm nay, lao động biển trên địa bàn toàn tỉnh ổn định. Thời gian này, các địa phương đã làm lễ xuất quân đánh bắt vụ cá nam. Hy vọng ngư dân sẽ có một mùa biển bội thu”.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn

TIN MỚI

Return to top