ClockThứ Ba, 09/05/2017 14:02

Không thỏa đáng

TTH - Theo đơn thư bạn đọc, sau khi TAND TP. Huế ra quyết định chia di sản thừa kế do mẹ để lại, bà Đỗ Như Mai, trú tại 116 Trương Gia Mô, phường Vỹ Dạ, TP. Huế lập thủ tục đề nghị UBND TP. Huế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất đã được phân chia. Tuy nhiên, sau hơn 14 tháng thụ lý, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Huế trả hồ sơ với lý do thành phần hồ sơ không đảm bảo theo quy định; khiến bà Mai lo lắng.

Hơn 3 năm đòi lại quyền lợi từ di sản của mẹ để lại, bà Mai vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ thửa đất do TAND TP Huế phân chia

Gian nan đòi quyền lợi

Theo hồ sơ vụ việc, bà Hồ Thị Hoa (mẹ bà Mai) sinh năm 1947, mất năm 2011. Bà Hoa có 2 người chồng. Người chồng thứ nhất là ông Đỗ Tuyển (chết năm 1969). Người chồng thứ 2 là ông Nguyễn Hạnh (chết năm 1981). Với người chồng thứ nhất, bà Hoa có người con chung là bà Mai. Với người chồng thứ 2, bà Hoa có 2 người con chung là ông Nguyễn Đắc Hưng (SN 1979) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (SN 1981). Năm 2011, bà Hoa chết không để lại di chúc. Di sản bà Hoa để lại gồm nhà gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 889m2, thuộc thửa đất số 83, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại số 3, kiệt 11 đường Tùng Thiện Vương, phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Thửa đất và nhà trên đã được UBND TP. Huế cấp GCNQSDĐ vào ngày 27/1/2003. Sau khi bà Hoa mất, ông Hưng quản lý và sử dụng toàn bộ nhà và đất. Do các bên không thỏa thuận được với nhau về phân chia di sản thừa kế do bà Hoa để lại nên bà Mai đã khởi kiện ra TAND TP. Huế.

Tại Bản án số 23/2014/DS-ST ngày 12/9/2014 của TAND TP. Huế đã quyết định phân chia di sản thừa kế cho bà Mai, ông Hưng và bà Hà. Theo đó, bà Mai được quyền sử dụng thửa đất với diện tích 286,8m2, bà Hà được quyền sử dụng thửa đất với diện tích 231,1m2, ông Hưng được sử dụng ngôi nhà chính, nhà phụ và phần đất còn lại với tổng diện tích 303,2m2 nằm trong thửa đất số 83, tờ bản đồ 09. Do ông Hưng không chịu thi hành án nên ngày 22/9/2015, Hội đồng cưỡng chế thi hành án TP. Huế đã tiến hành cưỡng chế, giao lại cho bà Mai phần đất mà TAND TP. Huế đã tuyên.

Ngày 8/10/2015, bà Mai nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất nói trên tại phòng một cửa UBND TP. Huế. Bà đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp lệ phí trước bạ để được cấp GCNQSDĐ tại Chi cục Thuế TP. Huế. Tuy nhiên, ông Hưng hiện đang giữ và không chịu giao nộp bản gốc GCNQSDĐ thửa đất số 83, tờ bản đồ số 9 do bà Hoa đứng tên để chỉnh lý biến động GCNQSDĐ. Ngày 9/12/2016, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Huế đã ra thông báo số 772/TB-BPTN về việc trả hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà Mai.

Có thể khởi kiện

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi nhận được hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của bà Mai, Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất TP.Huế đã có văn bản số 803/VPĐKQSDĐ yêu cầu ông Hưng cung cấp bản chính GCNQSDĐ do UBND TP. Huế cấp cho bà Hoa để chỉnh lý diện tích đất còn lại sau khi đã cấp GCNQSDĐ cho bà Hà và bà Mai đối với phần đất theo Bản án số 23/2014/DS-ST của TAND TP. Huế. Theo đó, nếu thời hạn 30 ngày, ông Hưng không cung cấp bản chính GCNQSDĐ, văn phòng sẽ đề xuất Phòng TN-MT trình UBND TP Huế ban hành Quyết định hủy GCNQSDĐ của bà Hoa; đồng thời cấp GCNQSDĐ cho bà Hà và bà Mai theo quy định.

Tuy nhiên, sau cuộc họp giữa các ban ngành liên quan vào ngày 15/6/2016 đã thống nhất trả hồ sơ lại cho bà Mai do thành phần hồ sơ nộp không đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 25/3/2016 của UBND tỉnh về công bố thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai và khoản 5, điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên Môi trường. Ngày 9/12/2016, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP Huế đã có Thông báo số 772/TB-TB-BPTN trả lại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà Mai.

Bà Mai cho rằng, việc UBND TP. Huế trả lại hồ sơ và từ chối cấp GCNQSDĐ cho bà là đã vi phạm quy định tại khoản 3, điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 4, điều 13 Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Hơn nữa việc giao nộp bản gốc GCNQSDĐ không phải là nghĩa vụ của bà và bà cũng không thể thực hiện được do ông Hưng đang nắm giữ.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Thuận Hóa khẳng định: Bà Mai và những người thừa kế khác có quyền lập thủ tục cấp GCNQSDĐ di sản bà Hoa để lại theo quyết định phân chia của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm làm các thủ tục liên quan cấp GCNQSDĐ khi các chủ thể có yêu cầu. Trong vụ việc này, ông Hưng là người không chịu nộp lại bản chính GCNQSDĐ mang tên bà Hoa là trái pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền phải có các biện pháp cần thiết để yêu cầu ông Hưng nộp lại bản chính GCNQSDĐ để lập các thủ tục liên quan đến tách thửa, phân chia thừa kế theo quyết định của TAND TP. Huế. Việc Bộ phận một cửa, tức là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Huế trả lại hồ sơ cho bà Mai với lý do hồ sơ không đủ thành phần là không thỏa đáng. Hơn nữa, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Huế giữ hồ sơ của bà Mai trong 14 tháng, rồi trả lại là không đúng quy định, làm thiệt hại cho bà Mai về việc đi lại, chờ đợi… thì phải chịu trách nhiệm. Bà Mai có thể gửi đơn đến Chủ tịch UBND TP. Huế hoặc khởi kiện ra tòa án để được xem xét, giải quyết.

Bài và ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân
Giám sát để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ

Năm 2023, Hội LHPN Phú Lộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết (NQ) 06 của HĐND tỉnh đối với UBND xã Lộc Sơn. Qua giám sát cho thấy, việc áp dụng các văn bản NQ 06/2020/NQ-HĐND tỉnh, NQ 12/2021/NQ-HĐND tỉnh và mục d, Điều 20 của Luật Dân quân tự vệ vẫn còn chồng chéo và bất cập. Hiện nay, UBND xã bố trí 2 chức danh tạp vụ và bảo vệ (không nằm trong điều kiện của NQ 06); chi trả kinh phí 42 triệu đồng/năm nên gặp nhiều khó khăn về ngân sách của xã. Ngoài ra, việc chi trả kinh phí hoạt động của Hội PN cấp thôn chưa kịp thời.

Giám sát để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ
Gian nan bảo tồn văn hóa thời Nguyễn

Di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung vô cùng đồ sộ, là những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, nghệ thuật, khoa học, kinh tế… Những năm qua việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ấy được đánh giá cao nhưng vẫn còn một số bất cập, khó khăn lẫn hạn chế.

Gian nan bảo tồn văn hóa thời Nguyễn
Return to top