ClockThứ Bảy, 21/11/2015 11:03

Không thương mại hóa di sản bằng mọi giá

TTH - Vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp”, quần thể di tích Cố đô Huế được kết hợp phát huy giá trị điểm đến bằng cách tổ chức tại 26 điểm các loại hình dịch vụ, như: cà phê, giải khát, ăn nhanh, xe điện, xe ngựa, hàng lưu niệm thủ công, sách vở về Huế, chụp ảnh, mặc trang phục xưa, trà rượu cung đình, tổ chức tiệc và nghe Nhã nhạc...
Phục vụ trà trong cung Trường Sanh

Không gian văn hóa dành cho cộng đồng

Từ một quán cà phê đơn thuần và bị phản ứng gay gắt từ dư luận, nhất là của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, đến năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Công ty TNHH Lê Quý Dương chính thức đưa lầu Tứ phương Vô sự (Đại Nội) trở thành không gian diễn xướng dành cho cộng đồng trong lòng di sản. Lầu Tứ phương Vô sự là một di tích lịch sử mang phong cách kiến trúc giai đoạn đầu thế kỷ XX, với những giá trị độc đáo về nghệ thuật và kiến trúc tân cổ điển được kết hợp hài hòa, tạo nên nét duyên dáng riêng có giữa lòng khu di sản Huế.

Chúng tôi vẫn thường chọn Tứ phương Vô sự, hoặc Bình An đường (địa chỉ làm việc xưa của Thái Y viện, góc đường Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân), hoặc Nhà lưu niệm bà Từ Cung (Café Nền Cũ, số 145 Phan Đình Phùng) làm điểm đến hẹn hò, “đãi” bạn phương xa về thăm Huế. Ai cũng thích thú khi được biết về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của những không gian này, luôn dành thời gian để thăm ngắm và lưu lại lâu hơn. Nếu người dân Cố đô Huế đã quá quen với sự hiện diện dày đặc của các điểm di tích, thì với du khách đó là cách để bạn cảm nhận sự khác biệt khi “la cà” ở Cố đô Huế và xứ khác.

Thanh Quân - nhân viên trẻ ở Café Nền Cũ, vui vẻ: Thường thì buổi sáng và tối, khách đến quán rất đông. Người trẻ nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là khách trong độ tuổi trung niên. Cũng có nhiều khách Tây đến đây hỏi thăm. Thường, họ chỉ có nhu cầu tham quan, không dùng thức uống, chúng em vẫn luôn tạo điều kiện để khách được thoải mái nhất.

Không xâm phạm đến di tích

“Cánh cửa lớn” để Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức khai thác dịch vụ tại một số điểm di tích hiện nay và trong thời gian đến là đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020, đã được UBND tỉnh thông qua. Theo đó, có 11 khu vực và cụm di tích được quy hoạch để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, với mục tiêu: Phát triển tổng thể hoạt động dịch vụ di sản Cố đô Huế nhằm khai thác tối đa, hiệu quả những lợi thế của văn hóa vùng đất cố đô, nhưng phải phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di sản và tuân thủ pháp luật. 

Thực hiện đề án này, Trung tâm BTDTCĐ Huế đang nghiên cứu để mở thêm nhiều không gian văn hóa mới, khai thác dịch vụ một cách phù hợp. Đó là hồ Tịnh Tâm, kết hợp với việc nạo vét, tôn tạo cảnh quan môi trường là việc khai thác không gian trên hai đảo Bồng Lai và Phương Trượng theo hướng xây dựng những ngôi nhà tre, nhà gỗ; mở dịch vụ nhẹ nhàng với cà phê, nhạc Trịnh, cơm chay… đậm nét văn hóa Huế. Phủ Nội vụ (Đại Nội) với định hướng đầu tư trở thành một khu dịch vụ đẳng cấp, tinh tế tập trung trên diện tích rộng 1,5ha, là cơ sở hạ tầng để phục hồi và tổ chức những món ăn cung đình đúng nghĩa… TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: “Không phải di tích nào cũng có thể tổ chức các hoạt động dịch vụ mà việc này phải được làm cẩn trọng. Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ công năng nguyên thủy của từng công trình để thực hiện phù hợp việc đưa “phần hồn” vào, như: trưng bày nội thất, tái tạo cảnh quan môi trường và trình bày diễn giải về di sản, để tuyên truyền những giá trị đó cho các thế hệ kết nối, cũng như lan tỏa ra cộng đồng, cuộc sống đương đại. Phục vụ cho mục tiêu này, chúng ta rất cần đến những hoạt động dịch vụ phụ trợ, như: hệ thống xe điện, giao thông đi lại, điện chiếu sáng và cả những dịch vụ như cà phê, giải khát tại các điểm dừng chân.

Trong quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế, sở dĩ vẫn còn ý kiến chưa đồng tình bởi họ không muốn di sản bị tác động tiêu cực bằng những dịch vụ không đúng với công năng nguyên thủy của di tích. Thêm một lần nữa, chúng tôi cũng trao đổi vấn đề này với Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế. TS. Phan Thanh Hải chia sẻ: “Chúng tôi mở các hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và cộng đồng. Sau khi làm cho người ta hiểu đúng về di sản, chúng tôi lan tỏa những giá trị đó trong cộng đồng bằng cách biến đó thành điểm văn hóa mà người ta cảm thấy cần phải đến. Quan điểm của chúng tôi là cố gắng làm tốt để phát triển dịch vụ du lịch, nhưng phải bảo tồn giá trị bền vững của di sản, không thương mại hóa di sản bằng mọi giá. Hơn nữa, những điểm mà chúng tôi đã mở và sẽ tiếp tục mở các hoạt động khai thác dịch vụ đều không phải là những điểm chính và tương đối phù hợp để tổ chức thành những điểm dừng chân của du khách trên hành trình tham quan khu di sản Huế. Những hoạt động này hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép của các cấp quản lý di sản.  Không riêng Việt Nam mà tất cả các khu di sản trên thế giới đều tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ ngay bên trong di sản.

Để việc phát triển dịch vụ ở các điểm di tích thực hiện đúng sứ mệnh “phát huy giá trị di tích và tôn vinh, bảo vệ bền vững giá trị di sản, đưa đời sống vào di sản”, thì đơn vị chủ quản không chỉ “bắt tay đúng và chặt” với những đối tác có tâm, có tầm với di sản mà còn phải “nắm đằng chuôi” trong việc quản lý giá, sản phẩm và quan trọng nữa là không để người ta muốn làm gì thì làm trong không gian di sản. Đây cũng là cách để tạo sự đồng thuận của cộng đồng trong sự nghiệp bảo tồn bền vững giá trị của di sản.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

TIN MỚI

Return to top