ClockThứ Bảy, 01/12/2018 12:52

Không xem thường bệnh lý khớp vai

TTH - Khớp vai thường xuyên được sử dụng trong vận động hằng ngày nên rất dễ bị tổn thương. Để phòng ngừa, bệnh nhân cần nghe khuyến cáo, tuân thủ điều trị của các y, bác sĩ chuyên khoa.

Đào tạo chuyển giao kỹ thuật "Thay khớp vai toàn phần" cho bác sĩ khu vực miền Trung-Tây NguyênNhững biến chứng bệnh tật khi nghiện smartphone

Điều trị bệnh lý khớp vai ở BV Trung ương Huế

Cách đây 4 tháng, ông Nguyễn Văn L. (72 tuổi, P. Thủy Châu, TX Hương Thủy) té ngã khi sửa mái hiên nhà. Phần vai ông bị sưng tấy, không đưa tay lên cao được, toàn cánh tay trái bị đau nhức; đặc biệt là khi đêm về, vùng vai bị chấn thương càng đau  nhức khiến ông khó ngủ. Dù vậy, ông L. không đi khám bệnh mà chỉ mua thuốc kháng sinh về uống, kết quả bệnh không khỏi mà kéo dài.

Trường hợp khác là bà Hoàng Thị V. (P. Hương Xuân, TX Hương Trà) bị trượt ngã sau vườn nhà cách đây 1 tháng. Con trai bà V. cho biết, khi té ngã lần đó phần vai bên trái của bà V. đụng vào bồn hoa khiến bà không còn linh hoạt khi cử động cánh tay. Tuy vậy, bà V. không đến bệnh viện khám mà đến khi thấy cánh tay đau nhức, bà mới tìm đến các bác sĩ chuyên khoa. Hiện, khớp vai của bà V. co duỗi dễ dàng và không còn đau nhức như trước.

Theo TS.BS. Lê Thừa Trung Hậu, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình-Giải phẫu tạo hình, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Quốc tế, BV Trung ương Huế hiện nay ngày càng nhiều bệnh nhân đến các trung tâm điều trị các bệnh lý về khớp vai. Một số bệnh lý khớp vai thường gặp, như: viêm co rút bao khớp vai (còn gọi là viêm khớp vai thể đông cứng- Frozen shoulder); viêm thoái hoá gân cơ chóp xoay; rách gân cơ chóp xoay do chấn thương; hội chứng bắt chẹn khớp vai; trật khớp vai tái diễn (mất vững khớp vai); cứng khớp vai; thoái hoá khớp vai... Rất nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý này ban đầu thường nghĩ đơn giản là tự mua thuốc tây về uống, kết quả bệnh không khỏi mà còn kéo dài thời gian. Đặc biệt với những bệnh nhân lớn tuổi khi bị rách chóp xoay, các chất nhờn ở khớp vai lờn và ít đi, ít vận động sau 2-3 tuần sẽ đau và dẫn tới cứng khớp vai. Khi đã bị cứng khớp vai thì việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.

Tuỳ theo thương tổn mà bác sĩ chuyên khoa sau khi chẩn đoán bệnh có chỉ định điều trị khác nhau. Có thể là điều trị nội khoa, như nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu, sử dụng thuốc uống giảm đau, kháng viêm, tiêm thuốc kháng viêm trực tiếp vào khớp vai. Khi điều trị nội khoa không thành công phải điều trị ngoại khoa, đặc biệt những trường hợp có tác nhân cơ học, như rách gân cơ chóp xoay, rách sụn viền... Hầu hết phẫu thuật điều trị khớp vai bằng kỹ thuật nội soi xâm nhập tối thiểu, như các nội soi về khâu sụn viền trong trật khớp vai, khâu rách gân cơ chóp xoay, mài mỏm cùng vai, giải phóng co cứng bao hoạt dịch khớp vai và nội soi dính lại chỗ bám gân cơ nhị đầu...

Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho biết, bệnh lý khớp vai là bệnh phổ biến trong dân số, có thể chiếm đến 10% bệnh lý về khớp. Khi đau vai mọi người dễ nhầm lẫn với bệnh lý cột sống hoặc đau vai. Nhiều người còn cho rằng, đó là bệnh lý bong gân nhẹ, rồi xem thường đến khi đau nhức vào bệnh viện thì bệnh lý khớp vai trở thành nghiêm trọng và khó điều trị.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, khớp vai là khớp của chi trên có vai trò rất quan trọng. Vai là nơi khởi phát hầu hết các vận động của toàn bộ tay, do vậy những bệnh lý khớp vai thường gặp rất nhiều, nhất là những người hay mang vác nặng, chơi thể thao, gặp sự cố tai nạn... Do đó, khi chơi thể thao, người chơi nên vận động trước khi chơi để hạn chế những bệnh lý về khớp vai. Khi bị đau cơ vai, người bệnh cần dừng ngay các hoạt động thể lực và nghỉ ngơi. Nếu như những cơn đau nhức vẫn tiếp tục xảy ra nên đến các phòng khám chuyên khoa khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Phái

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

TIN MỚI

Return to top