ClockThứ Năm, 25/08/2016 14:10

Khu quy hoạch Cồn Trống: Vẫn trống

TTH - Người dân sinh sống tại khu quy hoạch (KQH) Cồn Trống (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) “kêu”: Sau khi đến ở, họ phải chịu khổ vì cảnh không điện, không nước, không hệ thống thoát nước, đường đi lầy lội. Những điều trên là trái ngược với hứa hẹn của cấp có thẩm quyền tại thời điểm người dân đấu giá để mua đất tại KQH này. Dân đã phải tự bắc điện, “kéo” nước. Nhưng hơn 10 năm qua, hệ thống thoát nước vẫn chưa hoàn thiện. Nhất là, đường quy hoạch 13,5 mét vẫn “sồi sụt”, lầy lội. Dân liên tục kiến nghị, báo chí cũng từng phản ánh. Nhưng...

Đường quy hoạch trong bản vẽ 13,5 mét hiện là con đường đất mùa mưa rất lầy lội.

Khúc mắc

Nhiều người dân sinh sống tại khu quy hoạch này tâm tư, họ có cảm giác như bị “lừa”. Bởi trước khi đấu giá đất, họ được cấp có thẩm quyền hứa hẹn sẽ đầu tư đầy đủ về mặt bằng, cụ thể là điện, nước, hệ thống thoát nước, đường giao thông. Vậy nhưng, đến sống bao nhiêu năm, điện không, nước không, hệ thống thoát nước không và đường thì “sồi sụt”, lầy lội. Các hộ phải tự bỏ tiền “kéo” nước rất xa từ đường ống ngoài QL49, tự “kéo” điện để phục vụ sinh hoạt. Thời gian sau này Nhà nước mới đầu tư trụ và đường dây điện. Những hộ đã tự xoay xở coi như phải lãng phí. Hơn 10 năm qua hệ thống thoát nước vẫn chưa hoàn thiện. Đường quy hoạch 13,5 mét vẫn nhếch nhác, lầy lội. Trong KQH có một hộ kinh doanh buôn bán hàng bánh kẹo, có kho thủy sản của một doanh nghiệp, do đó hàng ngày nhiều xe tải vào ra vận chuyển hàng càng khiến tình trạng đường sá tệ hơn. Các hộ phải tự bỏ tiền mua giải hạ “vá víu”. Dân liên tục kiến nghị, báo chí cũng từng phản ánh. Chính quyền địa phương thông báo đến người dân, sẽ làm đường bê tông rộng 3 mét với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (tỉ lệ: Nhà nước 7, dân 3). Tuy nhiên, mấy năm trôi qua, vấn đề vẫn “giẫm chân tại chỗ” vì người dân không đồng tình với chủ trương trên. Bởi, trong bản quy hoạch cũng ghi rõ đường rộng 13,5 mét. Có nghĩa, đầu tư đường giao thông trong KQH thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Vậy tại sao bây giờ đường “teo” lại chỉ còn 3 mét và “bắt” Nhân dân phải đóng góp? Tại bản kiến nghị (lần 3) gửi HĐND tỉnh, UBND tỉnh và UBND huyện Phú Vang, người dân nêu: “Trước lúc chúng tôi tham gia đấu giá đất thì được UBND huyện Phú Vang trưng bày quy hoạch khu đất theo mô hình đô thị, cụ thể: Đất phân lô theo dạng liền kề, có hệ thống thoát nước, các tuyến đường liên thông rộng 11.50m-13.50m-18.50m...; chỉ giới xây dựng lùi 4 m. Theo Quyết định số 315 ngày 23/2/2011 thì đường từ huyện đến xã là đường cấp AH (chiều rộng nền đường 6.50m), đường nối từ xã đến thôn, liên thôn là đường cấp A (bề rộng nền đường 5 m) và cấp B (bề rộng nề đường 4 m). Đối chiếu với các quy định trên thì KQH Cồn Trống thuộc dạng khu dân cư theo chuẩn đô thị hóa. Các điều kiện hạ tầng như cấp nước, thoát nước, điện, các tuyến đường giao thông nội vùng dự án được chủ đầu tư (UBND huyện Phú Vang) thực hiện. Đây không phải đường giao thông nông thôn, do đó các hộ dân không phải đóng góp (theo tỉ lệ nêu trên) mà huyện phải lấy từ nguồn thu từ bán quỹ đất dự án để đầu tư trở lại hạ tầng cho khu dự án.

Chính quyền trả lời

Để giải tỏa khúc mắc của người dân, chúng tôi liên hệ làm việc, đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch cung cấp quyết định phê duyệt đối với KQH Cồn Trống (thể hiện nội dung đường quy hoạch là đường cấp phối). Ngày 24/8, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng cho biết, đang rà soát hồ sơ và sẽ trả lời sau. Chúng tôi nhiều lần liên hệ với ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang (ông Long được Chủ tịch UBND huyện giao làm việc với pv Báo), nhưng lần nào ông Long cũng trả lời đang bận, sẽ gọi lại sau. 

Tuy nhiên ngược lại, thừa ủy quyền UBND huyện để trả lời kiến nghị trên, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện ban hành Công văn số 359 ngày 3/5/2013, nội dung: Trước khi tiến hành đấu giá, Hội đồng tư vấn bán đấu giá đã thông báo, niêm yết công khai quy hoạch sử dụng đất chi tiết, điều kiện hạ tầng khu đất trước khi tổ chức đấu giá để người dân biết. Cụ thể: Điều kiện hạ tầng KQH đưa ra đấu giá là đường đất cấp phối, hệ thống thoát nước. Riêng điện, cấp nước theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư của các ngành chức năng cung cấp dịch vụ (vì đây là KQH dân cư nông thôn)

Vì điều kiện giao thông là đường cấp phối nên khi xây dựng giá khởi điểm, Hội đồng tư vấn bán đấu giá đã tham mưu UBND huyện quy định giá khởi điểm theo giá đất của UBND tỉnh cộng thêm giá thành suất đầu tư theo quy hoạch được duyệt (đường cấp phối, hệ thống thoát nước), không tính theo suất đầu tư là đường nhựa hoặc bê tông, nên giá khởi điểm đưa ra đấu giá thấp hơn các KQH được đầu tư đồng bộ (đã san lấp mặt bằng, đường nhựa, vỉa hè, thoát nước…).

Căn cứ Quyết định số 7310 ngày 30/12/2011 của UBND huyện Phú Vang về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Phú Thượng; Quyết định số 5345 ngày 28/12/2012 của UBND huyện về việc phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã Phú Thượng giai đoạn 2012-2020, các tuyến đường giao thông tại khu Cồn Trống nằm trong đề án đã được UBND huyện phê duyệt cho xã Phú Thượng thực hiện theo kế hoạch và chương trình nông thôn mới. Tại Công văn số 05 ngày 18/6/2016, UBND xã Phú Thượng thừa ủy quyền của UBND huyện Phú Vang, đem nội dung công văn 359 nêu trên để trả lời kiến nghị (gần đây nhất) của các hộ dân KQH Cồn Trống.

Theo thông tin từ UBND xã: Đầu năm 2014, căn cứ Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã khóa X về việc triển khai đường bê tông giao thông nông thôn trên địa bàn toàn xã theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm (tỉ lệ: 7-3), UBND xã đã lập thủ tục hồ sơ thiết kế đường bê tông (3 mét) giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phú Thượng đợt 1 với tổng chiều dài 600 m, trong đó tuyến số 1 KQH Cồn Trống dài 83m, tuyến số 2 khu vực Cồn Trống dài 165 m. Ngân sách huyện 60%, phần còn lại ngân sách xã và người dân cùng đóng góp. Do người dân không đồng ý nên cuối năm 2014, kinh phí đầu tư cho tuyến đường ở KQH Cồn Trống đã được chuyển đầu tư ở tuyến đường khác. Năm 2015, khu vực Cồn Trống không được đầu tư làm đường bê tông nông thôn (Nhà nước và Nhân dân cùng làm). Năm 2016, sau khi UBND huyện phê duyệt (các tuyến đường cấp phối làm đường bê tông) trên địa bàn xã, UBND xã triển khai họp dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay việc làm đường bê tông rộng 3 mét, với phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, người đồng ý, người không (người đồng ý là chủ các nhà nghỉ, hộ kinh doanh). Một khúc mắc nữa là, cho đến nay, tại KQH chỉ một số hộ sau khi đấu giá trúng (hoặc mua lại đất của người đấu giá trúng) đến làm nhà ở. Phần lớn các lô khác, chủ đất chưa đến ở hoặc để mua đi bán lại. Ý kiến nhiều người dân: “Bảo chúng tôi bỏ tiền ra “gánh” cả cho chủ các lô đất trên thật là phi lý. Chúng tôi bỏ tiền đóng góp làm đường, còn họ không tốn một xu lại có đường đẹp kinh doanh đất được giá cao, điều đó thật bất công...”

Ý kiến:

Ông Lê Viết Trung, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng: “Đóng góp trước, thu lại sau”.

Nếu các hộ cần danh sách của những chủ lô đấu giá trúng hoặc nhận chuyển nhượng để liên hệ bàn bạc thống nhất chuyện đóng góp tiền làm đường, UBND xã sẵn sàng hỗ trợ, rà soát, cung cấp. Hoặc các hộ thực hiện (đang sinh sống tại KQH) đóng góp toàn bộ số tiền (tỉ lệ 30%) cùng Nhà nước làm đường rồi sẽ thu lại của những hộ đến làm nhà ở sau đó. Nếu những người đến sau không chịu đóng góp, các hộ có thể không cho tập kết vật liệu, để yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ.

Ông Hồ Viết Quang (người dân): Cách giải quyết mà chính quyền đưa ra không khả thi.

Trong các cuộc họp, UBND xã cũng đưa ra giải pháp chúng tôi đóng góp “đậy” luôn cho những chủ đất chưa làm nhà, sau này lấy lại. Nhưng cơ sở đâu mà lấy? Chúng tôi không có quyền gì “chặn” vật liệu của hộ mới đến làm nhà. Luật nào cho phép? Làm như vậy coi chừng chúng tôi vừa vi phạm pháp luật vừa gây mất tình làng nghĩa xóm, mất đoàn kết trong khu dân cư. Cách giải quyết mà chính quyền đưa ra là không khả thi.

 Quỳnh Anh (ghi)

Bài, ảnh: DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top