ClockThứ Ba, 07/08/2018 06:30

Khu tái định cư Lim: Dân rời đi vì thiếu đất sản xuất

TTH - Từng được kỳ vọng là khu tái định cư (TĐC), giãn dân kiểu mẫu, song hơn 10 năm thành lập, khu TĐC Lim, phường Hương Hồ (TX. Hương Trà) vẫn chưa ổn định, nhiều hộ dân rời về nơi ở cũ.

Tái định cư vùng sạt lở ven biển Phong HảiKhu tái định cư Eo Bầu - Thượng Thành: Người một đằng, hộ khẩu một nẻo

Khu tái định cư Lim vắng hoe

Kinh tế khó khăn

Cách đây hơn 10 năm, thị xã Hương Trà thành lập khu TĐC Lim để đưa khoảng 100 hộ ở phường Hương Hồ đến định cư, khai hoang lập nghiệp theo chủ trương giãn dân của Nhà nước. Thị xã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng gồm điện, đường, trường học và hỗ trợ người dân xây nhà... Ban đầu có gần 30 hộ dân đến lập nghiệp, chỉ chưa đầy 3 năm sau số hộ lên đến 61; cho thấy vùng đất này ban đầu khá hấp dẫn, phù hợp với điều kiện sinh sống, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như chủ trương giãn dân của Nhà nước.

Mỗi hộ đến đây được hỗ trợ 28 triệu đồng để làm nhà ở, cấp từ vài sào đến 5 sào đất trồng trọt, chăn nuôi. Đường sá đi lại được xây dựng sạch đẹp, điện, nước vào tận từng nhà phục vụ dân sinh. Trường mầm non, tiểu học, nhà cộng đồng được xây dựng đầy đủ. Đập tràn Lim quá thấp trũng từng gây nguy hiểm cho người dân đi lại trong mùa bão, lũ đã được thị xã sớm đầu tư nâng cấp với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so với nơi ở cũ thì khu TĐC Lim vẫn tốt hơn, người dân có thể kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và làm thêm các nghề khác để mưu sinh.

Điều băn khoăn đối với người dân là đất sản xuất được cấp không phù hợp các loại cây ngắn ngày, trồng cam, chanh thì hiệu quả kinh tế không cao, còn trồng rừng kinh tế thì quá ít, chăn nuôi chủ yếu gà, vịt chỉ phục vụ nhu cầu cải thiện bữa ăn.

Nghề làm giống keo được xác định phù hợp với vùng đất chuyên trồng rừng nhưng đất đai quá ít nên mỗi năm anh Hoàng Như Phương cũng chỉ ươm chừng 10 vạn cây giống. Với chừng ấy giống, mỗi năm gia đình anh Phương cũng chỉ thu hơn 10 triệu đồng tiền lãi, còn lại phải làm thêm nhiều nghề, thu nhập bình quân mỗi tháng tầm 3 triệu đồng, không đủ trang trải đời sống, sinh hoạt, chăm lo cho con ăn học.

Đất đai ít nên hầu hết các hộ chỉ chăn nuôi vài con lợn, gia cầm nhiều lắm cũng chỉ 100 con. Một số hộ trồng cam, chanh... nhưng có hộ hiệu quả, có hộ trồng cây không phát triển do thiếu kiến thức, kỹ thuật. Hầu hết các hộ dân nơi đây phải làm thêm đủ nghề như phụ thợ hồ, bóc vỏ gỗ tràm, làm củi... nhưng đời sống vẫn khó khăn. Do điều kiện sản xuất khó khăn, không ít hộ dân đã bỏ khu TĐC để về nơi ở cũ.

“Khi mới lên đây sinh sống, khu TĐC có đến vài chục hộ, số hộ ngày càng tăng qua các năm. Cứ có hộ nào chuyển đến, tui cũng như bà con khu TĐC rất vui. Giờ đây mỗi lần chứng kiến từng hộ bỏ lại nhà cửa trở về nơi ở cũ, lòng tui cứ nao nao, buồn lắm”, ông Hoàng Như Sấm ở khu TĐC trải lòng.

Ông Đồng Sỹ Bôn, Tổ trưởng Tổ Dân phố 12, phường Hương Hồ rất băn khoăn khi đời sống của nhiều hộ dân đến nay vẫn chưa ổn định vì thiếu đất sản xuất. Các hộ đến đây chỉ được cấp vài sào đến một mẫu, một số ít được vài ha. Số diện tích đất được cấp cho dân chỉ trồng được cây keo, còn cây ăn quả khó phát triển. Với những hộ được cấp đất trồng rừng kinh tế đều ổn định cuộc sống, còn lại rất khó khăn. Vì vậy khu TĐC có 61 hộ nhưng người dân lần lượt trở về nơi ở cũ, đến nay chỉ còn hơn một nửa (32 hộ). Việc người dân quay lại nơi ở cũ không chỉ gây lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cửa (28 triệu đồng/hộ), cũng như nhiều hộ dân tự bỏ thêm tiền để làm nhà (có hộ xây nhà trên dưới 50 triệu đồng), mà còn ảnh hưởng đến chủ trương giãn dân của TX. Hương Trà.

Mỗi hộ cần 2 ha đất trồng rừng

Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần bày tỏ tâm tư, nguyện vọng được bố trí thêm đất trồng rừng (khoảng 2 ha) nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Từ ngày đến khu TĐC sinh sống đến nay tui đều làm thuê đủ nghề để mưu sinh, cuộc sống bấp bênh. Bây giờ quay trở lại nơi ở cũ cũng khó đành lòng, nhưng bám trụ nơi đây thì cuộc sống lâu dài chẳng biết ra sao. Tui chỉ mong được cấp chừng 2 ha đất để trồng rừng, có điều kiện phát triển kinh tế”, anh Huỳnh Đình Tuyên ở khu TĐC Lim mong mỏi.

Việc người dân thiếu đất sản xuất, bỏ khu TĐC đến nơi khác sinh sống cũng dẫn đến nhiều hệ lụy. Các công trình cộng đồng như nhà văn hóa, trường học… không sử dụng, không có điều kiện duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp trầm trọng. Tại khu TĐC có 3 phòng tiểu học, 1 phòng mầm non nhưng do thiếu học sinh, một phần cha mẹ không có đất sản xuất, phải đi làm ăn xa nên gửi con học ở các nơi khác có điều kiện đưa đón khiến các công trình phòng học ở khu TĐC bị bỏ không.

Ngoài đất sản xuất, người dân mong muốn được hỗ trợ vốn. “Tui từng có ý định mở rộng quy mô vườn ươm giống keo lên 30 vạn cây phục vụ nhu cầu trồng rừng tại địa phương nhưng phần thiếu đất, phần thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Mong rằng các cấp, ban ngành quan tâm tạo điều kiện cấp đất và tín chấp cho vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài hỗ trợ về vốn, người dân cần được hỗ trợ các mô hình kinh tế, kết hợp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhằm mang lại hiệu quả”, anh Phương bày tỏ.

Ô Trần Duy Tuyến, Bí thư Thị ủy Hương Trà thông tin, phía thị xã đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân khu TĐC Lim qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ. Việc người dân có nguyện vọng được cấp mỗi hộ 2 ha đất trồng rừng là hoàn toàn chính đáng, trong điều kiện sinh sống nơi vùng gò đồi. Tuy nhiên hiện nay việc tìm quỹ đất để cấp cho dân rất khó khăn, đó chưa nói là hầu hết diện tích đất trồng rừng kinh tế trên địa bàn thị xã đều có chủ.

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống khu TĐC Lim, theo chủ trương giãn dân của thị xã, cũng như của tỉnh, TX. Hương Trà kiến nghị tỉnh có biện pháp thu hồi một số diện tích đất rừng của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan để cấp cho dân đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.

Bên cạnh tìm cách cấp đất trồng rừng, thị xã chỉ đạo các ban ngành, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn có biện pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua tín chấp vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình mới đưa vào sản xuất phù hợp vùng gò đồi khu TĐC Lim.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo bộ mặt đô thị mới cho Hương Hồ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như trên khi thực tế kiểm tra, làm việc với Đảng ủy, UBND và hệ thống chính trị cơ sở phường Hương Hồ (TP. Huế) sáng 28/2.

Tạo bộ mặt đô thị mới cho Hương Hồ
Kiến nghị điều chỉnh hệ thống mương thoát nước

Qua khảo sát tình trạng ngập úng ở tổ dân phố (TDP) Long Hồ Hạ 1, UBND phường Hương Hồ kiến nghị TP. Huế và các ban ngành lập phương án điều chỉnh hệ thống mương thoát nước hoặc nâng cốt nền đường kiệt ở khu vực trên, góp phần chống ngập úng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Kiến nghị điều chỉnh hệ thống mương thoát nước
Điểm tựa

Hội LHPN phường Hương Hồ, TX. Hương Trà chú trọng đẩy mạnh công tác tập hợp, thu hút hội viên bằng nhiều hoạt động hữu ích, như giúp đỡ hội viên khó khăn, bảo vệ quyền lợi của hội viên…

Điểm tựa
Khi công tác dân số được coi trọng

Từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương gần đây, phường Hương Hồ (TX Hương Trà) xem công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Khi công tác dân số được coi trọng
Một người đàn ông tử vong ở phường Hương Hồ

Sáng nay (13/11), chính quyền địa phương và các ngành chức năng của phường Hương Hồ và thị xã Hương Trà vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của một người đàn ông trên địa bàn.

Một người đàn ông tử vong ở phường Hương Hồ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top