ClockThứ Bảy, 15/10/2016 13:45

Khúc biến tấu trong tranh họa sĩ Vĩnh Phối

TTH - Đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ, ông vừa là người thầy, vừa là một họa sĩ thực thụ trong thế giới sáng tạo của mình.

Ngoài khả năng sáng tạo miệt mài để cống hiến cho nghệ thuật, họa sĩ Vĩnh Phối còn được mọi người biết đến như một nhà sư phạm mẫu mực của các thế hệ thầy trò Trường ĐH Mỹ thuật Huế hiện nay và có thể xem là một trong những người Việt Nam tiên phong trong trường phái trừu tượng.

Một tác phẩm của họa sĩ Vĩnh Phối. Ảnh: Hạnh Dung

Tranh của ông như những vòng xoáy cuộn vào nhau, tiếp nối, không gián đoạn, không rời rạc, ngoài khoảng trống vô biên là những biến động của thế gian, của từng cá thể, của xã hội. Mà tâm điểm của cơn biến động đó khiến người xem tranh ông bị hút vào tâm chấn của sự khởi nguyên…

... Những lúc màn đêm buông xuống, thỉnh thoảng đối ẩm cùng ông dưới dốc cầu Gia Hội, nhìn nét mặt vị thầy lừng danh một thời, tôi không hiểu ông đạt đạo đến đâu, chỉ biết rằng ông cười nói như trẻ nhỏ. Và những lúc hứng khởi, ông kéo tôi vô nhà chỉ tranh rồi nói say mê về một thế giới xa xăm. Bất giác, trên những nền toan tù mù đó, phát lên thứ ánh sáng lung linh như những ngôi sao lấp lánh thay cho bầu trời đêm ba mươi.

Cách ông nhìn sự vật, chiêm ngắm cuộc sống, nhìn cái đẹp và cả sự khắc nghiệt cùng khoảng tối xã hội và đưa vào nền toan trắng rất khác lạ. Cũng chừng ấy màu sắc, cùng những đường bay mạnh và sắc, rồi những vòng cung… ông đã tạo ra những khúc biến tấu khiến người xem ngỡ ngàng như bước vào khu rừng của âm thanh và ánh sáng. Nơi đó là giai điệu rung ngân của “Không gian vũ trụ” với những áng rêu màu lục già, là ánh nến lung linh của “Lễ hội hoa đăng” trong sắc đỏ thắm, là mùa xanh trong những khu vườn của xứ sở Thần kinh, là “Trừu tượng tâm linh”, là “Sức sống mới” của những ban mai vàng nắng,… “Sức sống mới” là tác phẩm mà họa sĩ Vĩnh Phối đã hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật tương lai của Cố đô Huế.

Ngoài loạt tranh trừu tượng như một dòng chảy xuyên suốt trong tâm thế sáng tạo của họa sĩ Vĩnh Phối, ông còn vẽ tĩnh vật, vẽ tranh bán khỏa thân, vẽ phong cảnh Huế, vẽ sông Hương và những tác phẩm đậm dấu ấn minh triết phương Đông như: “Thiên địa nhân”, “Con Rồng cháu Tiên”, “Rồng thiêng”, “Ngọ Môn Huế”, “Cổng phủ thờ Phong Quốc Công”… cùng những bức tranh với biểu tượng văn hóa Việt Nam nói riêng và Đông phương nói chung như: cổng tam quan, trống đồng, hà đồ lạc thư, thái cực, biểu tượng âm dương dịch lý… Loạt tranh đáng chú ý của họa sĩ Vĩnh Phối về chủ để tôn giáo khiến người xem phải chau mày như: “Hỏa diệm hóa hồng liên”, “Nhập pháp giới”, “Tam bảo”, “Bể khổ”, “Chuyển động tâm thức”…

Họa sĩ Vĩnh Phối bên tác phẩm của mình. Ảnh: Hạnh Dung

Trong một lần triển lãm tranh với đề tài về Phật giáo ở Liễu Quán (Huế) của nhiều tác giả, tôi nhìn tranh họa sĩ Vĩnh Phối rồi nói bên tai, thầy đã nhìn thấy tục đế của Phật giáo rồi? Thầy nhìn tôi rồi nói “chỉ có mi mới hiểu” và cười thật hiền.

Hôm đó, tranh của họa sĩ Vĩnh Phối vẽ lục đạo, vẽ sự nghiêng ngả, vẽ những bấp bênh của thuyền âm và cả một khoảng trống sâu hút vào lòng đất…

Theo nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy, “… một bài báo ở Ý nhận xét về nghệ thuật của anh (họa sĩ Vĩnh Phối) - nhân cuộc triển lãm 30 tác phẩm chọn lọc, bày ở Galleria Approdo Romano, Roma, năm 1965 - rằng, chẳng phải là vấn đề nghệ thuật trừu tượng hay có hình (figuratif), nghệ thuật Á châu hay Âu châu ở Vĩnh Phối, mà là nên nhìn thấy, như trường hợp đại thi hào Rabindranath Tagore: “Một hồn thơ chất ngất phương Đông đã Tây phương hóa, đã hiện ra trong hình thái, ngôn ngữ phương Tây. Khối thể, nhịp điệu, đường nét, màu sắc, và cảm xúc được pha trộn một cách tinh tế, thanh nhã, và rất hài hòa”.

Họa sĩ Vĩnh Phối thuộc dòng đế hệ, phòng Trấn Định Quận công. Ông tốt nghiệp trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958, tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật La Mã (Ý) từ 1961 – 1966. Ông cũng là người sáng lập và Tổng thư ký Hội nghệ sĩ châu Á ở La Mã. Năm 1967 – 1975, ông làm Giám đốc Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1973, ông được hưởng học bổng UNESCO nghiên cứu mỹ thuật Đông phương qua các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan. Sau 1975, ông được phong Phó Giáo sư về Mỹ thuật, Nhà giáo Ưu tú và giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu. Từ 1960 – 1995, họa sĩ Vĩnh Phối có nhiều giải thưởng và triển lãm cá nhân ở nước ngoài.

LÊ HUỲNH LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
Vai trò chủ động của người thầy

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với cấp trung học phổ thông (THPT). Sau một năm thực hiện, thầy cô giáo và các em học sinh dần thích nghi với việc tổ chức dạy và học.

Vai trò chủ động của người thầy
Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang

Xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, yêu thương, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Kim Sơn miệt mài đem yêu thương đến cho biết bao cảnh đời cơ cực. Bước chân thầy Sơn đã đến nhiều làng, nhiều bản để giúp đỡ, sẻ chia… đã trở nên gần gũi, xúc động đối với học sinh và bà con nghèo.

Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang
Return to top