ClockThứ Tư, 26/03/2014 04:48

Khúc dạo đầu đầy khích lệ

TTH - Hưởng ứng Festival Huế 2014, chào mừng Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 4 (Vòng IV) tổ chức tại Huế, đồng thời hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức cho tờ báo của Đảng bộ tỉnh, tạo thêm “sân chơi” bổ ích để thu hút bạn đọc và lực lượng cộng tác viên, Báo Thừa Thiên Huế đã phát động cuộc thi ảnh báo chí-nghệ thuật với chủ đề “Thừa Thiên Huế - Những góc nhìn”. Đến nay, sau hơn nửa năm kể từ lúc phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 500 tác phẩm của 30 tác giả gửi đến dự thi.

Trung tuần tháng 3/2014, đúng thời hạn quy định, Ban Tổ chức đã tổ chức tuyển chọn và chấm giải. Tham gia tuyển chọn và chấm giải là Ban Giám khảo gồm 5 thành viên do ông Đinh Khắc An, Trưởng ban Tổ chức - Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế làm Trưởng ban. Ông Phạm Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội NSNA tỉnh Thừa Thiên Huế làm Phó Trưởng ban. Hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế; Đình Nam, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Thừa Thiên Huế; Diên Thống, Thư ký Toà soạn Báo Thừa Thiên Huế làm các uỷ viên.

Một buổi làm việc của BGK   

Qua tuyển chọn, 59 tác phẩm của 14 tác giả đã lọt vào vòng chung khảo. Ban Tổ chức đã chọn được bộ ảnh trưng bày triển lãm nhân Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung -Tây Nguyên, đồng thời cũng là một hoạt động hưởng ứng trước thềm Festival Huế 2014.

Dù thời gian phát động không dài, giải thưởng công bố chưa phải lớn, song số lượng tác giả, tác phẩm tham gia như trên đã khẳng định sự thành công nhất định của cuộc thi. Đồng thời, còn thể hiện sự quan tâm, yêu mến của giới nghệ sỹ nhiếp ảnh, anh em báo chí và cả những người cầm máy không chuyên đối với tờ báo của Tỉnh đảng bộ Thừa Thiên Huế.

Các tác giải đoạt giải cùng bè bạn lễ tổng kết, trao giải

Hơn 500 bức ảnh gửi về dự thi đã phản ánh một cách khá toàn diện bức tranh của Thừa Thiên Huế trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn khác nhau. Nhìn vào bộ ảnh dự thi, có thể thấy các tác giả của chúng ta đã toả đi khắp nơi, bất kể thời gian và không chịu bỏ sót bất kỳ sự kiện nào diễn ra trên vùng đất Thừa Thiên Huế. Từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ rừng núi cho đến biển cả, sông đầm. Từ nông, công, ngư nghiệp cho đến dịch vụ, du lịch, QPAN, văn hoá văn nghệ… Tất cả đều được các tác giả thu vào ống kính của mình và lưu giữ cho đời những khoảnh khắc đẹp. Người xem có thể cảm nhận được niềm đam mê, sự lao động miệt mài và những nỗ lực cố gắng sáng tạo của các tác giả nơi từng bức ảnh. “Nắng công trường” của Nguyễn Đăng Hạnh phản ánh không khí lao động trên công trình Hồ Tả Trạch- một công trình trọng điểm của tỉnh. Tác giả đã không phải ngẫu nhiên để chụp được bức ảnh này. Xem bộ ảnh tham gia dự thi của anh, ta có thể thấy anh đã có chủ đích và rất chịu khó để cố gắng có được cho mình những bức ảnh ưng ý ở công trình này. Bằng chứng là cũng trong bối cảnh ấy, công trường ấy, anh còn đã “phục” lại ngay giữa núi rừng nơi tít tắp đầu nguồn sông Hương, đợi mặt trời xuống, ca đêm vào trận để có được bức “Đêm công trường” mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Cảm xúc về một công trường hối hả, sôi động; cảm xúc về tính thẩm mỹ; và trên hết là cảm xúc về tinh thần lao động của người cầm máy.

Tham quan triển lãm ảnh

Kết quả cuộc thi ảnh Báo chí- Nghệ thuật “Thừa Thiên Huế - Những góc nhìn”
 
* Giải nhất (5 triệu đồng/ giải): 
 
- “Món quà của biển” - Tác giả Hữu Tâm.
 
* Giải Nhì (3 triệu đồng/ giải):         
 
- “Nỗ Lực cứu rừng” – Tác giả Trương Vững
 
- “Giữ gìn vốn quý” – Tác giả Vĩnh Hướng.
 
* Giải Ba (2 triệu đồng/ giải): 
 
- “Làm gốm Phước Tích” - Tác giả Đức Trí
 
- “Đòn quyết định” - Tác giả Nguyễn Hữu Hài
 
- “Lên nêu đón Tết” - Tác giả Đặng Văn Trân.
 
* Giải Khuyến khích (1 triệu đồng/ giải):
 
- “Giờ Trái đất” - Tác giả Trương Vững
 
- “Giật giải” - Tác giả Đức Trí
 
- “Dẫn cháu qua đường” -  Tác giả Cảnh Tăng
 
- “Vịnh Lăng Cô” - Tác giả Tâm Hành
 
- “Thợ trẻ làng nghề” - Tác giả Cảnh Tăng
“Nỗ lực cứu rừng” của Trương Vững chụp lại cảnh cứu một cánh rừng thông bị cháy. Bố cục tuy chưa xoáy hết vào đối tượng chính cần diễn tả, song đó là một bức ảnh rất chân thực, không hề dàn dựng, tính báo chí đậm nét và cho thấy sự dấn thân của tác giả với sự kiện.

“Vịnh Lăng Cô” được tác giả Tâm Hành bấm máy từ đèo Hải Vân lúc hoàng hôn, góc chụp có thể không còn mới song thời khắc để thu được tác phẩm này đã nói lên tư duy và sự kiên trì của tác giả.

“Đến trường” của Nguyễn Hữu Hài chụp các nữ sinh xứ Huế thướt tha trong tà áo dài trắng đang đạp xe qua cầu Trường Tiền để đến trường. Điều thú vị là tác giả đã rất khôn ngoan khi quyết định sử dụng thể loại ảnh trắng đen khiến bức ảnh gợi cho người xem chút gì đó bâng khuâng đầy hoài niệm của miền Hương Ngự - miền đất Xưa nhưng chưa bao giờ Cũ…

Cuộc thi đã khép lại, các giải thưởng theo thể lệ quy định đều đã chọn được chủ nhân. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn thấy có một số vấn đề cần sẻ chia, rút kinh nghiệm để những lần tiếp theo cuộc thi đạt kết quả mong muốn hơn nữa. Đó là, số lượng tác giả tham gia tuy không ít, song vẫn thiếu vắng những người cầm máy ở ngoài địa bàn Thừa Thiên Huế. Có thể do thời gian phát động chưa dài, do thông báo cuộc thi chưa được lan truyền rộng rãi, hoặc cũng có thể do giải thưởng chưa đủ sức hấp dẫn người cầm máy… Điều này, Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp.

Số lượng ảnh tham gia thi dù chưa nhiều nhưng cũng không phải là ít. Nội dung ảnh phản ánh khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, lại khá mất cân đối. Ảnh ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ảnh về các lực lượng vũ trang, về cuộc sống thường nhật… vẫn đang là “của hiếm” tại cuộc thi. Trong lúc đó, ảnh về phong cảnh, ảnh về lễ hội, về du lịch lại chiếm đại đa số. Sự mất cân đối này hoàn toàn “nằm ngoài sự kiểm soát” của Ban Tổ chức giải. Ban Tổ chức nêu lên như một sự đánh động, hy vọng các tác giả lưu tâm cho những lần thi sau. Bên cạnh đó, đề tài của nhiều tác phẩm vẫn còn bị trùng lặp, mô típ thể hiện không mới, góc bấm máy ít độc đáo, tính phát hiện đề tài chưa cao, chưa thể hiện tính sáng tạo của người cầm máy. Một số ít tác giả có kỹ thuật rất non nên tác phẩm thể hiện hết sức thô mộc và đơn điệu; một số khác lại quá lạm dụng kỹ thuật photoshop khiến cho màu sắc, độ tương phản, bố cục của bức ảnh thiếu tự nhiên, nặng tính sắp đặt mà mờ nhạt tính báo chí. Thậm chí có một vài bức nếu xem kỹ thì thấy bất hợp lý, không đảm bảo tiêu chí mà thể lệ đề ra…

Cuộc thi đã kết thúc. Và nếu xét một cách tổng thể, tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng kết quả gặt hái được như thế có thể xem là “khúc dạo đầu đầy khích lệ”. Cuộc thi không chỉ đã góp phần tích cực giúp Báo Thừa Thiên Huế không ngừng nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu của bạn đọc, đồng thời tạo thêm sân chơi, khuyến khích những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh sáng tác và cống hiến. Ban Tổ chức ghi nhận và cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các tác giả và hy vọng những mùa giải tới sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những tác phẩm giàu chất nghệ thuật và báo chí, phản ánh một cách toàn diện vẻ đẹp, tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế - vùng đất giàu truyền thống, văn hiến và anh hùng.

“Món quà của biển” - Tác giả Hữu Tâm
“Nỗ Lực cứu rừng” – Tác giả Trương Vững
“Giữ gìn vốn quý” – Tác giả Vĩnh Hướng
“Làm gốm Phước Tích” - Tác giả Đức Trí
“Đòn quyết định” - Tác giả  Nguyễn Hữu Hài
“Lên nêu đón Tết” - Tác giả Đặng Văn Trân

“Giờ Trái đất” - Tác giả Trương Vững

“Giật giải” - Tác giả Đức Trí
“Dẫn cháu qua đường” - Tác giả Cảnh Tăng
“Vịnh Lăng Cô” - Tác giả Tâm Hành

“Thợ trẻ làng nghề” - Tác giả Cảnh Tăng

 

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top