ClockChủ Nhật, 27/07/2014 05:58

Khúc tráng ca Trường Sa

TTH - Dự lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc (DK1); thắp hương tưởng niệm ở đài liệt sĩ, viếng các mộ liệt sĩ ở đảo Nam Yết và đảo Trường Sa... chúng tôi không ai kìm nổi nước mắt. Để xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền tuyệt đối, vững chắc của quốc gia dân tộc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện ý chí và khát vọng từ ngàn đời của tổ tiên ta, đã có bao thế hệ người Việt đổ công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng; trong đó, có lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Máu các anh đã hòa với vị mặn của nước biển…  

 

Cuộc chiến không cân sức

 Khi chuyến tàu cao tốc cập đảo Côlin, tất cả chúng tôi lòng nhói đau khi hướng mắt về đảo Gạc Ma chỉ cách 2 hải lý, vùng biển lấp lánh nắng, hòn đảo của đất Việt đang bị chiếm đóng trái phép. Cách đây 26 năm, ngày 14/3/1988, Trung Quốc ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự các tàu không có trang bị vũ trang của ta cạnh đảo Gạc Ma. Đó là cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, thủy thủ các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn 146 và trung đoàn công binh 83 Hải quân, những cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, dao xây và súng bộ binh đối chọi với những tàu chiến của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại. Song các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Trong cuộc chiến đầy cam go để bảo vệ đảo Gạc Ma, đã ngời sáng những tấm gương dũng cảm. 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh anh dũng. Các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý “Bộ đội cụ Hồ” - người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đó là tấm gương mẫu mực của Anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ-604; Anh hùng liệt sĩ, thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, bảo vệ và giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương hiên ngang quấn cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Đó là Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng; là Anh hùng Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ-505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài giữ vững chủ quyền trên đảo....
 
Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Văn Công Hùng
Quyết bảo vệ Nhà Giàn DK1
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn mới, ngày 5/7/1989, Chính phủ quyết định xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam. Từ đó đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1 - Vùng 2 Hải quân, đã có mặt làm bám trụ trong muôn vàn khó khăn, gian khổ khắc nghiệt.
Vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000, sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn. Vào thời khắc ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đã nêu cao lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, và nhân dân; kiên cường bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc.
Chiều 4/12/1990, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần dưới sự chỉ huy của trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và thượng uý, Trạm phó Chính trị Nguyễn Hữu Quảng, đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 đồng chí đã anh dũng hi sinh. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau vượt qua sóng dữ. Anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản chìm vào biển sâu, đi vào cõi vĩnh hằng mãi mãi.
Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8, năm 1998, Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội... nhưng các anh cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy. Với ý chí “còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng”... các anh bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống lại những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, nhưng sức người thì có hạn... Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 sĩ quan và QNCN là đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương; chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng; chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn hóa thân vào sóng, nước... Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời mà anh chưa kịp nhìn mặt. Liệt sĩ - chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị đổ, Hồng chỉ kịp gửi lời chào“Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi vào lòng biển khơi. Thượng uý Phạm Tảo, thượng úy Chuyên nghiệp Trần Văn Là, chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hi sinh thân mình để tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn mà không một chút so đo, suy tính.
Còn biết bao tấm gương cao đẹp của chưa nói hết, kể hết được. Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất và ý chí kiên cường của người chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong thời kỳ mới. Các anh đã nằm lại nơi này, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Đến nay, hình hài nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi theo thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố....
Nhân ngày 27/7, vòng hoa trắng, nén hương thơm, xin dâng lên các anh, những người làm nên khúc tráng ca Trường Sa!
Nguyên Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gửi yêu thương trên thao trường

Ngày 29/3, Tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Hội phụ nữ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình Đồng hành cùng chiến sĩ mới – Gửi yêu thương trên thao trường, Khâu áo chiến sĩ và bữa cơm ấm lòng tình mẹ.

Gửi yêu thương trên thao trường
Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa

Đội chiếu phim lưu động Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa và doanh trại quân đội tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Return to top