ClockThứ Bảy, 08/10/2016 12:49

Khủng hoảng & lợi nhuận: Yếu tố thúc đẩy cuộc đua vắc - xin Zika

TTH - Trong khi dịch bệnh Zika tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, cuộc chạy đua tìm kiếm vắc-xin chống lại loại virus nguy hiểm này đang được thúc đẩy bởi nỗ lực giải quyết khủng hoảng của các chuyên gia y tế và tiềm năng mang về lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất dược phẩm.

Ác mộng của tương lai

Zika, loại virus lây truyền qua muỗi trở thành cơn ác mộng cho cộng đồng thế giới không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cho tương lai, do khả năng gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến não bộ.

Vắc-xin Zika được điều chế trong một phòng thí nghiệm tại trụ sở của Tập đoàn Protein Sciences Corporation ở thành phố Meriden, bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong khi hầu hết bệnh nhân nhiễm Zika chỉ có các triệu chứng nhẹ, Zika ở phụ nữ mang thai được chứng minh gây ra nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Một lý do đáng lo ngại khác là virus này có thể dẫn đến hội chứng Guillain-Barré, một chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại biên, có thể dẫn tới tê liệt toàn thân và khó thở.

Hiện nay, Zika đang lây lan ở hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, nhất là Puerto Rico, vùng Caribe, Trung và Nam Mỹ. Trong thời gian qua, số trường hợp nhiễm virus Zika tại một số nước Đông Nam Á cũng được xác nhận ngày càng tăng. Singapore báo cáo ca nhiễm Zika đầu tiên vào ngày 27/8 và đến nay, số ca nhiễm Zika lên đến 387 ca. Thái Lan cũng ghi nhận 349 trường hợp nhiễm bệnh kể từ tháng 1/2016, trong đó có 25 phụ nữ mang thai.

Ngày 29/9 vừa qua, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ban bố cảnh báo đi lại, khuyến cáo phụ nữ mang thai cân nhắc hoãn những chuyến đi không quan trọng tới 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó có Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam, do nguy cơ lây nhiễm virus Zika.

Thị trường lợi nhuận lớn

Triển vọng của một loại vắc-xin có khả năng chống lại Zika đang thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất dược phẩm lớn trên thế giới, trong đó có các tập đoàn dược phẩm Sanofi, GlaxoSmithKline Plc và Takeda Pharmaceutical.

“Loại virus này đang làm mọi người sợ hãi. Người dân châu Âu và nước Mỹ có thể phải trả một mức giá khá cao cho loại vắc-xin này”, nhà nghiên cứu Zika Scott Weaver thuộc trường đại học Y Texas ở thành phố Galveston, tiểu bang Texas của Mỹ nhận định.

Vắc-xin Zika có thể được tung ra thị trường ít nhất trong 2 năm nữa. Tại thời điểm đó, ngay cả khi các ổ dịch hiện tại ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe được loại bỏ, những người sống trong các khu vực này vẫn muốn được tiêm chủng trước nguy cơ Zika có thể quay trở lại.

Theo lãnh đạo các hãng dược phẩm, thị trường hấp dẫn nhất đối với vắc-xin Zika là những người cần chủng ngừa loại virus này, trong bối cảnh Zika đang lây lan nhanh chóng trên khắp châu Mỹ.

Hàng chục triệu du khách từ Mỹ và các quốc gia giàu có khác, cũng như những người phải đi công tác đến những khu vực có Zika sẽ được bảo hiểm y tế của công ty tài trợ để tiêm vắc-xin trước các chuyến đi.

“Nếu chỉ tính toán trên một phần trong tổng số du khách Mỹ, chúng tôi có thể hình dung một thị trường tiêu thụ vắc-xin Zika có giá trị hơn 1 tỷ USD/năm”, ông Joseph Kim, Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Inovio Pharmaceuticals cho hay.

Thậm chí, các hãng dược phẩm khác cũng dự đoán rằng, vắc-xin Zika sẽ trở thành tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cho các bé gái trước tuổi dậy thì, nhằm giúp họ tránh những dị tật bẩm sinh ở thai nhi sau này.

“Hy vọng rằng, một loại vắc-xin có thể được phát triển và bán với mức giá thấp tại các khu vực đặc hữu của virus Zika”, ông Weaver nói thêm.

Trong một động thái liên quan, Tập đoàn Protein Sciences Corporation của Mỹ đang điều chế vắc-xin Zika bằng cách sử dụng công nghệ tương tự như vắc-xin cúm Flublok đã được kiểm duyệt. Hãng dược phẩm này có quan hệ đối tác với các công ty sản xuất dược phẩm tại Argentina, Brazil, Nhật Bản, Mexico và đang có kế hoạch tìm nguồn tài trợ, với hy vọng bắt đầu thử nghiệm vắc-xin Zika trên người vào tháng 1/2017.

Giám đốc điều hành tập đoàn nói trên, ông Manon Cox ước tính chi phí để phát triển và đảm bảo kiểm duyệt cho một loại vắc-xin có thể lên đến 1 tỷ USD.

Trong khi đó, với gói tài trợ ban đầu trị giá 43 triệu USD từ Chính phủ Mỹ, hãng dược phẩm Sanofi của Pháp đang trong quá trình phát triển một vắc-xin thử nghiệm sử dụng virus sống giảm độc lực. Sanofi có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm loại vắc-xin này trên người trong năm tới.

“Chúng tôi có công nghệ, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm để hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Nick Jackson, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu vắc-xin của Sanofi khẳng định.

một nhà sản xuất vắc-xin khác của Pháp là Valneva SE đang điều chế một vắc-xin thử nghiệm bất hoạt, bằng cách sử dụng phương pháp tương tự như vắc-xin viêm não Nhật Bản đã được kiểm duyệt.

Hãng dược phẩm Takeda của Nhật Bản cũng được Chính phủ Mỹ bảo đảm kinh phí để phát triển một loại vắc-xin sử dụng virus Zika đã bị giết chết và có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm trên người trong 2 quý cuối của năm 2017.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, Fox News & The Fiscal Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

Dù là xu hướng của tương lai, song để chuyển đổi giao thông xanh không phải là điều đơn giản. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế đã có những trao đổi về chiến lược của tỉnh trong lĩnh vực này.

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh
Return to top