ClockChủ Nhật, 21/05/2017 07:08

"Khuyến du" cho Bạch Mã

TTH - Đường lên Bạch Mã "tiền trạm" vui vì đã không còn "độc hành", tuy chưa nhiều, nhưng đã thấy có khách lên và có cả khách về.

Lần đầu tiên lên Bạch Mã cách đây đã hơn hai mươi năm, khi ấy, con đường dẫn lên đỉnh Bạch Mã mới được phục hồi chừng hơn nửa, và đang còn nhỏ hẹp, dốc đứng quanh co, nhưng trong tôi vẫn có một niềm tin thật mãnh liệt là rồi thế nào Bạch Mã cũng "sống dậy". Bởi không thể ngẫu nhiên khi mà từ cách trước đó hơn nửa thế kỷ, giới công chức, thương gia, quý tộc đã rủ nhau tạo lập 139 ngôi biệt thự hoành tráng nay vẫn còn nguyên dấu tích...

Và rồi cũng đến lúc được nghe một vài ngôi biệt thự hoang phế đầu tiên bắt đầu được trùng tu đưa vào phục vụ du lịch. Thông tin khiến nhiều người rất phấn khích. Cơ quan tôi đã chọn Bạch Mã làm điểm tổ chức tổng kết, chia tay các chuyên gia nước ngoài sau một dự án. Bạch Mã đã khiến cho các vị khách ngoại quốc thực sự ấn tượng khi họ được trải qua một đêm lửa trại bập bùng trước sân của một khu biệt thự đẹp như cổ tích; được "vén mây" để lên với Vọng Hải đài ngắm cảnh bình minh, được "lội" trong những cánh rừng nguyên sinh để đắm mình trong dòng nước trong veo mát lạnh của Ngũ Hồ... Trước lúc chia tay, khách bảo nhất định sẽ có một lúc nào đó họ sẽ quay lại, và không chỉ có một mình. Cứ ngỡ... Nhưng rồi Bạch Mã dường như vẫn lại rơi vào im vắng. Những ngôi biệt thự đầu tiên được trùng tu hình như thu không đủ bù chi, cuối cùng lại đóng cửa, lại xuống cấp. Cho đến 2014, doanh nghiệp Thanh Tâm "xông lên" tiếp nhận tái đầu tư, khai thác các biệt thự Phong Lan, Đỗ Quyên 1-2, Kim Giao, Bảo An... Ai cũng mong cho doanh nghiệp này thành công, cũng là thành công của Bạch Mã.

Chuẩn bị cho một sự kiện có sự tham gia của nhiều tờ báo lớn, chúng tôi muốn nhân dịp này đưa họ đến với Bạch Mã để tranh thủ quảng bá cho kho báu của quê hương mình. Đường lên Bạch Mã "tiền trạm" vui vì đã không còn "độc hành", tuy chưa nhiều, nhưng đã thấy có khách lên và có cả khách về. Thăm một vòng các phòng khách, chúng tôi biết là chủ doanh nghiệp đã rất cố gắng mới giữ được cho phòng ốc được tươm tất. Một số phòng ở biệt thự Đỗ Quyên cho thấy sự "trễ nải" trong chăm sóc dù khu biệt thự rất đẹp. Bất chợt gặp một đoàn khách Hàn chừng hai chục người vừa đỗ xuống, guide nhanh nhảu liên hệ rồi bưng lên mỗi người mỗi ly... mì ăn liền. Hỏi dò thì biết nhiều tour chỉ đưa khách lên cho biết Bạch Mã, loáng cái là về ngay chứ không lưu trú. Không/vắng khách lưu trú, làm sao doanh nghiệp "đủ sức" để ngày ngày quét dọn, chăm chút phòng ốc? Phòng ốc không được chăm chút, bất chợt lại có khách muốn lưu trú thật, ghé ngó qua, nản, lại bỏ về... Cứ như cái vòng luẩn quẩn "con gà và quả trứng".

Lâu nay nghe vốn khuyến công, khuyến nông nhưng hình như chưa nghe vốn "khuyến du" - ai đó trong đoàn nói đùa, nhưng ngẫm lại thấy không phải không hữu lý. Ước sao có nguồn vốn "khuyến du" đủ khích lệ giúp doanh nghiệp vẫn duy trì được "phong độ" phòng ốc trong những lúc không có khách để giữ được chân khách. Giữ được khách lưu trú thì sức hấp dẫn của Bạch Mã mới có cơ hội phô bày và tỏa lan. Chứ cứ như kiểu đoàn khách Hàn nọ, Bạch Mã sẽ còn "khó nhọc" dài dài. Và đó là sự "thu hồi", là lãi của vốn "khuyến du". Lãi của nguồn vốn đầu tư này còn là thuế từ doanh nghiệp khi đã làm ăn hiệu quả; là công ăn việc làm cho người lao động; là tăng ngày lưu trú/khách du lịch cho Huế...

Tất nhiên, bên cạnh câu chuyện phòng ốc còn phải tính đến những câu chuyện chiến lược khác nữa. Lại mơ về một khu vui chơi giải trí, mua sắm kết hợp với du lịch khám phá, nghỉ dưỡng - điều mà cảnh quan, sinh thái của Bạch Mã hoàn toàn có thể đáp ứng và đáp ứng tốt. Vấn đề là ai sẽ là nhà đầu tư? Một bài toán không dễ. Trong lúc tìm kiếm đáp số, trước mắt hãy có "đối sách" lẫn "chính sách" với các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch để họ mời khách đến với Bạch Mã một cách đàng hoàng chứ đừng theo kiểu "chuồn chuồn đạp nước". Mà biết đâu, trong số những du khách do họ mời đến lại có những đại gia quyết "se duyên" cùng Bạch Mã...

DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top