ClockThứ Năm, 16/08/2012 06:11

Khuyến mãi để kích cầu

TTH - Lúc đầu còn bỡ ngỡ, lâu dần cảm nhận được những lợi ích, người tiêu dùng ở Huế bây giờ thành quen, không còn xa lạ, thờ ơ với hàng khuyến mãi. Cùng một chủng loại nhưng được giảm giá khi mua hay sử dụng có trường hợp lên tới 50% như đối với card điện thoại thì cái lợi dành cho người tiêu dùng là điều trước mắt và thấy rõ. Còn thử xem các hình thức khuyến mãi được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, như cho khách hàng dùng thử hàng mẫu miễn phí, tặng quà, giảm giá, tặng phiếu mua hàng, tặng phiếu dự thi, được tham gia các chương trình may rủi, chương trình khách hàng thường xuyên… có cảm giác nhà kinh doanh phải chịu thiệt thòi, còn khách hàng thì hoàn toàn hưởng lợi.     

Tháng bán hàng khuyến mãi lần thứ VI- 2012 đang triển khai tại Huế và các địa phương trong tỉnh thu hút trên 300 chương trình của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia với tổng giá trị hàng hoá khuyến mãi trên 270 tỷ đồng và số lượng dùng để khuyến mãi có giá trị gần 14 tỷ đồng. Riêng Siêu thị Big C Huế, dịp này có đến 300 mặt hàng được khuyến mãi. Rõ ràng, con số 14 tỷ đồng vừa nêu là không nhỏ. Đó là bài toán mà các doanh nghiệp phải tính đến. 

Khuyến mãi (hay khuyến mại) lâu nay được hiểu là hoạt động thương mại nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích thoả đáng. Suy cho cùng, mục đích hướng tới là kích cầu, thúc đẩy người tiêu dùng mua và mua nhiều hơn các hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hoặc phân phối. Với ý nghĩa đó, khuyến mãi được xem là một chiêu thức trong kinh doanh buôn bán. Tổ chức tốt hoạt động khuyến mãi, các doanh nghiệp sẽ thu được rất nhiều lợi ích, cả trước mắt lẫn lâu dài.
 
Đáng bàn hiện nay là đã và đang xảy ra tình trạng lợi dụng khuyến mãi, đặc biệt là bán hàng giảm giá, rất nhiều doanh nghiệp đã tuồn ra thị trường nhiều mặt hàng tồn kho, kém chất lượng, đã quá hạn sử dụng… nhằm trục lợi từ sự hiểu biết hạn chế và cả tâm lý hám lợi của người tiêu dùng. Bởi vậy, một hoạt động khuyến mãi tốt và có hiệu quả phải được xây dựng trên những nguyên tắc kinh doanh cơ bản. Trong đó, đặt lên hàng đầu là sự trung thực, công khai, minh bạch hàng hoá khuyến mãi; không lạm dụng lòng tin của người tiêu dùng và phải trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.
 
Việc tổ chức “Tháng khuyến mãi” là cách tạo dựng nên một trật tự lành mạnh trong hoạt động khuyến mãi. Địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp đồng loạt thực hiện khuyến mại trong thời gian dài, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và thu hút du lịch. Thực tế, việc tổ chức định kỳ trong nhiều năm liên tiếp khiến “Tháng khuyến mại” trở thành quen thuộc với người tiêu dùng. Hiệu quả khuyến mãi do thế cũng sẽ lớn hơn và rõ ràng hơn. Đó là sự kích cầu cần thiết cho nhiều doanh nghiệp và thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh nền sản xuất gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
 
Khi mà cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và cả nhà quản lý cùng hưởng lợi thì khuyến mãi không còn là hoạt động cá nhân riêng rẻ mà đã mang tính cộng đồng sâu sắc hướng đến mục tiêu kích cầu và thúc đẩy kinh tế phát triển.
 
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top