ClockThứ Sáu, 16/09/2016 15:51

Kí ức nhãn lồng

TTH.VN - Tuổi thơ tôi thường gắn liền với những trò chơi dưới gốc nhãn cổ thụ trước sân nhà. Mạ tôi bảo, cây nhãn đó có từ thời ông bà cố, áng chừng lúc đó cây cũng đã gần 100 tuổi. Gốc cây to, sần sù, cành vươn cao tỏa bóng mát cả một khoảng sân rộng.

Thưa vắng nhãn lồng Huế

Tháng Giêng, tháng 2 (AL), nhãn ra hoa. Hoa nhãn có mùi thơm dịu nhẹ. Mỗi sớm mai, phảng phất khắp khoảng sân rộng trước nhà, mùi thơm hoa nhãn hòa trong màn sương mỏng.

Nhãn lồng là một phần trong kí ức của nhiều người dân Huế. Ảnh: Đ. Từ

Đến mùa nhãn, chú Ngật ở gần nhà thường qua xin lồng nhãn rẽ, chú chịu công lồng, rồi ăn chia theo tỷ lệ 6:4 (người lồng 6 phần, chủ nhà 4 phần). Khoảng 1 tháng sau nhãn bắt đầu kết trái, đến tháng 4-5 (AL) khi trái nhãn đã to cỡ bằng nửa lóng tay út là chú Ngật với anh Tánh - con trai đầu của chú cùng hai người làm công, mang hai cái thang tre dài nghệu đến sân nhà để lồng nhãn. Nhãn có lồng thì trái chín mới ngọt, vỏ mỏng và tránh dơi ăn. Lồng nhãn của chú Ngật làm bằng đủ loại, cái thì bằng bao đệm, cái thì bằng mo cau kết lại. Những người thợ trèo lên cái thang dài, trẩy lá gọn ghẽ rồi buộc từng chùm nhãn cho vào bao đệm hoặc mo cau cột chặt lại phía trên đầu - như vậy gọi là lồng nhãn.

Cây nhãn nhà tôi thuộc cây cổ thụ, cao, nhiều cành nên đoàn quân của chú Ngật thường phải lồng ba đến bốn ngày mới xong. Những ngày ấy, anh em tôi vui ơi là vui. Đặc biệt hai anh trước tôi, vốn tính hoang nghịch, cứ chờ mạ tôi đi chợ là leo lên lồng cùng chú Ngật. Những lúc ấy, chú Ngật la ơi ới: “Tý- Năm ơi, xuống mau, xuống kẻo bổ (ngã) rồi bà về bà la tui. Tội quá, xuống đi!”. 

Những ngày sau đó, tôi thường hay ngắm cây nhãn nhà mình, hàng trăm lồng nhãn treo lủng lẳng trên cành cao nhìn cũng vui. Áng chừng nhãn chín, hai ông anh hoang nghịch của tôi thường rủ bạn về nhà, đêm sáng trăng trèo lên hái trộm nhãn ăn. Có lúc còn mở lồng bẻ trái ăn rồi cột lại, giả vờ dơi ăn. Năm nào cũng vậy, đến ngày bẻ nhãn, sau khi đếm lồng bao giờ chú Ngật cũng la làng, vào báo với mạ tôi là mất mấy lồng nhãn và trừ vào số lồng của nhà tôi. Chú Ngật còn đưa ra mấy lồng “dơi người ăn” làm mạ tôi chỉ biết cười trừ. Tôi cũng mấy lần lập công méc mạ hai anh trèo cây, mạ tôi hiền, không la nhiều, bà chỉ nói: “Mấy con trèo cây mạ sợ bổ, với lại có ăn thì bẻ một lồng mà ăn cho đàng hoàng, đừng giả đò (giả vờ) dơi ăn như rứa, thiệt cho chú Ngật”. Mạ la vậy nhưng năm nào nhà tôi cũng bị chú Ngật trừ cả chục lồng nhãn. Nhãn có lồng thường trái to hơn, vỏ trắng hơn và ngọt hơn. Nếu không lồng thì trái vừa nhỏ, vỏ vừa dày mà cũng ít ngọt. Có nhiều năm mất mùa nhãn, chú Ngật buồn bã: “Bà ơi, năm nay mất mùa nhãn, được ít quá, con lỗ tiền mua bao đệm”. Thế là mạ lại bù cho chú.

Hồi ấy, vùng Vỹ Dạ và vùng Tây Thượng, nhà nào cũng có vườn rộng nên chí ít vườn nào cũng có từ 1 đến vài ba cây nhãn. Đến mùa nhãn, cả xóm rộn ràng, tụi con nít chúng tôi nắm lịch nhà nào lồng nhãn ngày nào để đến lượm nhãn rơi. Trên cao mấy chú, mấy anh vất vả. Dưới đất, tụi tui cũng chí chóe. Thường những người thợ lồng nhãn không lồng hết mà để dành những trái nhãn ở trên cao hoặc quá xa tầm tay để cho dơi ăn. Khi viết những dòng này tôi nhớ đến nông dân Nhật Bản cũng thường để lại một ít lúa trên đồng sau mùa vụ để cho chim, chuột đến ăn. Âu đó cũng là cái tình mà con người dành cho muôn loài quanh mình!

Nhãn Huế trái nhỏ nhưng thơm, cơm dày, ngọt, dai. Ảnh: Đ.Từ

Cơn bão lịch sử năm 1985, cây nhãn nhà tôi bị trốc một phần gốc, cây đổ nghiêng về một phía. Mạ tiếc không cho chặt nhưng cây ở trước sân nhà, ai vào cũng bảo để cây nghiêng ngả trước nhà không hay. Thế là mạ kêu bán cây cho chú Ngật. Ngày chú Ngật đưa cưa đến, tôi hãy còn quá nhỏ để biết tiếc thương cây như người lớn nhưng vẫn còn nhớ mãi dòng nhựa đen quánh lại trên thớ gỗ đỏ au của cây cổ thụ. Chú Ngật cưa cây nhãn nhà tôi đến mấy ngày, chở mãi cả ngày mà vẫn không hết thân và cành, mới biết nó cao đến chừng nào. Anh thứ 5 của tôi thuộc hàng hoang nghịch, ngày nào anh cũng trèo tít lên ngọn cây nhãn rồi nhìn qua phố, lúc nào anh cũng nói: “Cây nhãn nhà mình cao thiệt, tau trèo lên thấy cả rạp Hưng Đạo - tức nhà văn hóa thành phố bây giờ”.

Dưới bóng mát cây nhãn là những trưa hè đầy kỷ niệm của tụi nhỏ chúng tôi. Trong tiếng ve kêu râm ran, ngoài sân là nắng chói chang, dưới gốc nhãn, chúng tôi chơi trò buôn bán, nhảy dây, ô làng; nhóm bạn anh tôi thì gọt ná để đi bắn chim, chơi đánh bun, làm diều, làm đầu lân…

Bạn đã bao giờ nấu cơm bằng lá nhãn khô? Đó là một chất đốt tuyệt vời! Lá nhãn nhỏ nhưng dày nên cháy rất đượm và rất lâu tàn. Tôi ghét nhất là nấu cơm bằng lá chuối. Lá chuối mỏng, cháy nhanh, lửa phừng phừng lên rồi trơ lại cái cuống, rất khó đun, trong khi lá nhãn cháy chậm, lại có than mỏng. Cơm vừa cạn, om tro lại ủ quanh nồi là cơm chín rất ngon.

Chiều nay, bắt gặp những thúng nhãn Huế của các chị hái ở vườn nhà đem ra bán ở cửa Thượng Tứ, tôi dạo xe khắp những con đường quanh Thành Nội. Dọc đường 23 tháng 8 cũng có vài chị bán như thế. Ký ức tuổi thơ kéo về từng đợt trào dâng. Tôi ghé vào quán cà phê Thành Nội với cây nhãn già trong sân, ngồi một mình nhớ về vùng trời tuổi thơ xanh mát của mình cùng với mấy ông anh hoang nghịch và mạ hiền từ. Tôi ngắm hai bàn tay mình, những đường gân xanh nổi lên trên làn da bắt đầu nhăn, tôi như thấy lại những ngón tay thơ bé của mình ngày nào vẫn còn rin rít chất đường của những trái nhãn chín mọng vườn nhà, như vẫn còn nghe tiếng cười, tiếng cãi nhau của con Huệ, thằng Đào, thằng Bụng, Cu Anh, Cu Em vang lên khi đi lượm nhãn rơi….

 Vùng Vỹ Dạ, Tây Thượng và Thành Nội Huế bây giờ không còn nhiều nhà vườn và nhiều cây nhãn cũng đã đi vào xa vắng. Mùa nhãn lồng ở Huế cũng dần đi vào dĩ vãng. Không biết ở đâu còn lồng nhãn chứ ở vùng Tây Thượng của tôi và cả Vỹ Dạ giờ không còn người lồng nhãn rẽ nữa. Tôi lấy chồng gần nhà, thỉnh thoảng vẫn gặp chú Ngật, chú bây giờ già lắm, lưng còm, chân đi run rấy, chủ bỏ nghề từ lâu. Bất chợt tôi nghĩ bây giờ nếu nói “đi làm rẽ” hay “ lồng nhãn rẽ” chắc cũng ít người hiểu. Từ ngữ là sự lưu thông của đời sống mà đời sống không dùng thì từ ngữ cũng biến mất mà thôi.

Mùa nhãn Huế đang về, nhãn Huế trái nhỏ nhưng thơm, cơm dày, ngọt, dai. Tôi nghe tiếng cười tuổi thơ lẫn đâu đây trong từng chùm nhãn còn dính những cành lá xanh, như thấy lại cả những khu vườn xưa của vùng Vỹ Dạ, Tây Thượng quê tôi.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới

Cơ sở vật chất cũ xuống cấp trầm trọng, Trường mầm non Bắc Sơn (xã Trung Sơn, A Lưới) được trang bị cơ sở mới tọa lạc tại thôn A Đeng Pleng 2. Chỉ trong thời gian ngắn, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đoàn kết, nỗ lực 200%, đã xây dựng được cảnh quan môi trường đảm bảo, xanh tươi, thực sự là “khu vườn cổ tích” cho tuổi thơ nơi xã biên giới.

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới
Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim Long đều lắc đầu. Một nhà ba đời chuyên hái buôn trái cây vườn Huế cũng tiếc rẻ, bởi “cầu” không có nên “cung” ắt đứt đoạn. Ấy là bởi có nhiều nguyên nhân khiến trái nhãn lồng xứ Huế ngày càng hiếm dần…

Ai còn lồng nhãn nữa không
Chạy còng

Trang bị gọn ghẽ với đèn pin, chiếc xẻng, một cái que dài tầm 1m, bao đựng, bấy nhiêu đó là đủ để có những cuộc rượt đuổi còng thú vị vào ban đêm.

Chạy còng
Sân bóng “ruộng” tuổi thơ

Chiều nay, đưa lũ trẻ về quê thăm ông bà. Đi ngang qua con đường làng thân thuộc, vô tình bắt gặp một trận bóng đá sôi động với bầu không khí vô cùng nhộn nhịp ở trên một cánh đồng lúa vừa gặt còn nguyên đó những gốc rạ. Nhìn các cháu say sưa theo nhau tranh trái bóng, trong tôi lại mường tượng ra những người bạn cùng trang lứa, cũng đã từng có những trận cầu nảy lửa trên sân "ruộng" ngày nào.

Sân bóng “ruộng” tuổi thơ
Mùa dừa

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, vào những ngày hè nắng đổ lửa như thế này, thể nào ba tôi cũng lúi húi ra nương chuối. Ông nhặt nhạnh những tàu lá chuối đã khô, róc lấy sống lá nhúng nước cho dai và đan thành chiếc nài chắc nịch để trèo dừa.

Mùa dừa
Return to top