ClockThứ Bảy, 14/01/2012 14:37

Kiểm soát 10 loại hợp đồng dịch vụ độc quyền

TTH - 10 dịch vụ thiết yếu mà xưa nay người tiêu dùng buộc phải ký hợp đồng mua nhưng không có quyền thương lượng, dù nhiều điều khoản trong hợp đồng gây bất lợi cho họ, thì tới đây, những hợp đồng này phải được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát trước khi được đem ra ký với người tiêu dùng.

Đó là một trong những điểm rất mới trong luật Bảo vệ người tiêu dùng mà bà Vũ Thị Bạch Nga, trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công thương cho biết tại hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng, do dự án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CSR), thuộc tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức vào ngày 12/1.


Điện sinh hoạt là loại mặt hàng không mua không được

Theo bà Nga, trước mắt đó là mười mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng, không mua không được, là: điện sinh hoạt; cung cấp nước sạch, nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; thuê bao điện thoại cố định; thuê bao di động trả sau; kết nối internet; vận chuyển hành khách hàng không, đường sắt; mua bán căn hộ chung cư; cung cấp các dịch vụ sinh hoạt trong căn hộ chung cư. Những mặt hàng này sẽ được ký theo mẫu hợp đồng đã được phê duyệt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phương Nam, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh: “Trong quá trình xây dựng luật Bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi tham vọng đưa dịch vụ ngân hàng, y tế, bảo hiểm, giáo dục vào nhưng khi mời đại diện bộ ngành, hiệp hội liên quan thì tất cả đều đưa ra đủ lý do, trong đó có ý là đã có luật chuyên ngành nên không thể đưa vào luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đây là một khó khăn với chúng tôi, nhưng dù tạm thời chưa có, thì chúng tôi vẫn sẽ làm trong tương lai”.
 
Ông Florian Beranek, cố vấn kỹ thuật trưởng, dự án CSR: “Cái khó khi thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quản lý được thị trường. Ngày nay, vấn đề sản phẩm nhập khẩu chất lượng như thế nào đang là một câu hỏi bỏ ngỏ, người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Nhà nước cần cho người tiêu dùng biết nguồn gốc sản phẩm, đơn vị chịu trách nhiệm”.

Bà Nga cho biết, hiện bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ danh mục mười mặt hàng dịch vụ thiết yếu nói trên. Sau khi được phê duyệt 90 ngày, các doanh nghiệp liên quan đến những dịch vụ này cần phải đăng ký với cơ quan chức năng, cấp Trung ương là cục Quản lý cạnh tranh, cấp địa phương là sở công thương, mẫu hợp đồng của mình trước khi tiến hành ký hợp đồng với người tiêu dùng. Danh mục hợp đồng các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu với người tiêu dùng được kiểm soát sẽ được thay đổi, bổ sung hàng năm.

Theo lý giải, hiện nay người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế so với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong những hợp đồng của những bên này thường đưa ra những điều kiện có lợi cho họ, nhưng không lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, điểm mới của luật đã chỉ rõ nhiều điều khoản cụ thể dù hai bên đã thoả thuận rồi, nhưng vẫn đương nhiên vô hiệu, do gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đây là những điều khoản đã xảy ra thường xuyên trong thực tế, mà phần thiệt luôn là người tiêu dùng. Có thể kể những điều khoản như: loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương xác định việc thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng thì đương nhiên những điều khoản đó không có hiệu lực.

Khẳng định luật Bảo vệ người tiêu dùng là siết doanh nghiệp, nhưng ông Nguyễn Phương Nam, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, với doanh nghiệp chân chính thì đây là điều bình thường. Vì vậy, đã đến lúc doanh nghiệp cần hình thành những bộ phận chăm sóc khách hàng, đồng thời phải kiểm soát thật tốt hệ thống bán hàng để giữ khách hàng. “Tuy nhiên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải nhiệm vụ của riêng ai mà của cả xã hội, nó có liên đới đến 22 bộ luật và phối hợp chặt chẽ giữa người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, đến tháng 6/2012, UBND các tỉnh phải hình thành bộ máy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Ở Trung ương là chi cục quản lý cạnh tranh, ở địa phương thì sở công thương tham mưu trực tiếp cho UBND các cấp. Nhưng thực tế, theo ông Nam, hệ thống bảo vệ người tiêu dùng là rất đáng lo, có tỉnh đưa về quản lý thị trường, có tỉnh đưa về phòng quản lý thương mại, nhiều tỉnh không biết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc bộ phận nào.

Lê Quỳnh (Theo SGTT)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top