ClockThứ Sáu, 07/10/2016 13:51

Kiểm soát ô nhiễm không khí còn bỏ ngỏ

TTH - Nước ta đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, việc kiểm soát ô nhiễm không khí lại đang là khoảng trống đáng báo động.

Khói bụi không được xử lý thải mù trời tại Cụm công nghiệp Thủy Phương

Ngoài nguồn thải từ tự nhiên, do quá trình công nghiệp hoá càng mạnh, đô thị hoá ngày càng phát triển, nên nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải… ngày càng nhiều. Với hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong khi đó phần lớn có công nghệ lạc hậu nên lượng khí thải, khói bụi từ các cơ sở này thải ra rất lớn. Theo đánh giá của chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông vận tải gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%, nguyên nhân chủ yếu là do số lượng xe máy, phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu... tăng lên nhanh. Hiện cả nước có gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô đang lưu hành, tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí. Ngoài ra, nguồn ô nhiễm không khí do hoạt động xây dựng, từ sinh hoạt đun nấu của người dân cũng rất đáng kể.

Theo báo cáo hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí gần đây nhất, hầu hết các đô thị nước ta đều bị ô nhiễm bụi, nhiều nơi bị ô nhiễm bụi trầm trọng, tới mức báo động. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh trong những năm gần đây, chất lượng các thành phần môi trường không khí xung quanh trên địa bàn Thừa Thiên Huế trung bình năm cơ bản đảm bảo. Nồng độ các khí SO2, CO, NO2 trong không khí ổn định ở mức thấp và đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, độ ồn và hàm lượng bụi lơ lửng cao vượt quy chuẩn cho phép vẫn xuất hiện tại một số điểm trên địa bàn T.P Huế như ở khu vực bến xe phía Bắc, bến xe phía Nam và một số chốt giao thông. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu vẫn là từ các hoạt động giao thông.

Kết quả quan trắc của Trạm Quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục, cố định quốc gia tại T.P Huế hằng quý, các thông số môi trường: Bụi, CO, NO, NO2, NOx, O3, SO2; nhóm chất hữu cơ bay hơi BTEX… đều đạt quy chuẩn về chất lượng môi trường không khí xung quanh và quy chuẩn về một số chất độc hại trong không khí xung quanh. Xét theo tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (AQI), chỉ số AQI theo ngày trên địa bàn thành phố đạt loại tốt chiếm từ 70 đến trên 80%, còn lại là loại trung bình, không có loại kém, xấu và nguy hại. 

Hiện nay, vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí mới chỉ tập trung quan trắc và cho kết quả đánh giá kịp thời, cảnh báo chất lượng không khí khu vực T.P Huế. Do đó, về lâu dài, không riêng Thừa Thiên Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 sẽ kiểm soát chặt các nguồn khí thải, tập trung vào khí thải công nghiệp, năng lượng và giao thông, đảm bảo xử lý bụi và khí thải nguy hại như SO2, NOx, CO... đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 

HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Theo dữ liệu của công ty công nghệ về chất lượng không khí IQAir của Thụy Sĩ, thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 9/8 đã đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới sau khi thường xuyên nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu kể từ tháng 5.

Thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố ô nhiễm nhất thế giới

TIN MỚI

Return to top