ClockThứ Năm, 11/07/2019 06:45

Kiểm soát tham nhũng trong cơ quan thanh tra, kiểm tra

TTH - Sự việc nhận hối lộ xảy ra mới đây tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) của Thanh tra Bộ Xây dựng là bề nổi lộ diện của một số cơ quan có chức năng thanh tra. Lẽ ra những cơ quan đó là “thanh bảo kiếm”, là chỗ dựa vững chắc cho Đảng, Nhà nước trong kiểm soát tiêu cực, chống tham nhũng. Nhưng đáng tiếc, một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan này đã làm mất lòng tin trong Nhân dân.

Xử lý "tham nhũng vặt”

Có tiêu cực

Trong hệ thống chính trị của nước ta, nhiều cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, trong đó có thanh tra chung, thanh tra chuyên ngành. Một số đầu mối lớn như: Hải quan, thuế, kiểm lâm, kiểm toán, cảnh sát giao thông… là những cơ quan có trách nhiệm thực thi, kiểm soát trong từng lĩnh vực quản lý. Mỗi cơ quan có chức năng riêng, nhưng cùng chung mục tiêu là kiểm soát thực thi pháp luật ở từng lĩnh vực, chống tiêu cực, chống tham nhũng.

Vậy nhưng tại sao dư luận vẫn xì xào nhiều về tiêu cực của các cơ quan này? Thông tin về kiểm lâm để lâm tặc hoành hành, hải quan nhận phong bì cho thông quan, thuế thất thu bởi có sự bắt tay với doanh nghiệp, phạt cho tồn tại trong xây dựng, cảnh sát giao thông nhận mãi lộ, kiểm toán bỏ qua những khoản chi ngoài quy định... Đến cơ quan kiểm soát thuốc men của y tế, giám thị ngành giáo dục không làm tròn nhiệm vụ, tổ chức không phát hiện bổ nhiệm trái quy định… Thế nên mới có chuyện xảy ra tham nhũng, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở một số tổng công ty, các doanh nghiệp lớn. Trong khi trước đó thanh tra đã làm việc nhiều lần nhưng không phát hiện được vi phạm. Hiện tượng phạt cho tồn tại trong xây dựng, bổ nhiệm không đúng điều kiện, tiêu chuẩn trong công tác tổ chức cũng là một số kiểu tiêu cực như vậy. Nhiều hiện tượng mà trách nhiệm của cơ quan thanh tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chức năng, dẫn đến vi phạm xảy ra tràn lan. Nhưng quan trọng nhất là tham nhũng lại xuất phát từ chính công tác thanh tra, kiểm tra.

Đâu là nguyên nhân?

Có thể xác định nguyên nhân từ cả 2 phía: Tiêu cực từ cơ quan thanh tra và luồn lách, chạy chọt, hối lộ của các chủ thể bị thanh tra. Phía cơ quan thanh tra thì câu trả lời đơn giản là quyền lực không được kiểm soát dẫn đến lạm quyền, lợi dụng chức năng để tham nhũng. Ở đây pháp luật bắt buộc phải làm nhưng thanh tra không thực hiện hoặc làm không đầy đủ chức trách được giao. Bên cạnh một vài yếu kém về năng lực nghiệp vụ thì lợi ích vật chất tác động đã làm méo mó quá trình hoạt động kiểm tra. Khi thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra đã có những biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó dễ, gợi ý “bồi dưỡng” theo dạng ban phát.

Chúng ta đã từng nghe: “Thanh tra, thanh trẻ, thanh gì. Nếu có phong bì thì gọi thanks you (cảm ơn)”. Dù chỉ là câu truyền cửa miệng mang tính dân gian, nhưng nó nói lên một thực trạng đáng lo ngại trong công tác này. Chính vì lý do đó nên giữa cơ quan thanh tra và đối tượng bị thanh tra xuất hiện thỏa thuận ngầm để đôi bên đều có lợi. Thường thì không cần gợi ý nhưng người bị thanh tra chủ động biết điều nên "đi trước một bước". Khi công bố quyết định thanh tra thì đơn vị bị thanh tra chủ động bố trí chu đáo nơi ăn nghỉ, tham quan và cẩn thận hơn còn ứng trước những phong bì “tiêu vặt”.Quá trình thanh tra thường được “chủ nhà” chủ động thỏa thuận ngầm để hạn chế mức phạt, gợi ý chi tỷ lệ phần trăm những khoản vi phạm. Khi đi ngầm ổn thỏa thì thanh tra làm việc chỉ còn là khâu thủ tục, cả đôi bên đều có lợi, lại vừa được việc.Những khoản thanh tra có con số cụ thể thay vì xử lý theo quy định thì được thỏa thuận hạ xuống mức thấp nhất theo những tỷ lệ chấp nhận được. Những vi phạm theo thông thường được chia đôi hoặc trích phần trăm theo ngầm hiểu mà lâu nay chúng ta vẫn được nghe từ dư luận. Những vi phạm thể hiện trên thủ tục giấy tờ được “chỉ vẽ” hợp thức hóa, bổ sung chứng từ theo đúng quy định quản lý tài chính. Như vậy, đối tượng bị phạt cũng có lợi, cán bộ thanh tra cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ. Người ta hay nói “thiếu tinh thần trách nhiệm” hoặc “buông lỏng quản lý” của thanh tra nhưng không hẳn hoàn toàn như vậy. Đó chỉ là cái cớ để dễ nghe và làm giảm nhẹ mức độ sai phạm của cơ quan và cá nhân thanh tra khi bị phát hiện tiêu cực. Bởi vì với nghiệp vụ, người ta biết đầy đủ, thậm chí rất cao tay trong phát hiện sai phạm nhưng cái khoản “cám ơn” đã làm che mắt tất cả.

Cán bộ thanh tra phải bản lĩnh, trong sáng, liêm khiết

Chống tham nhũng vốn đã khó, nhưng chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn khó khăn hơn nhiều. Câu hỏi đặt ra ai sẽ là người kiểm tra lại cơ quan thanh tra? Sẽ khó trả lời đầy đủ nếu không thực hiện đồng bộ cơ chế, pháp luật và quyết tâm chống tham nhũng của lãnh đạo các cấp, của cả hệ thống chính trị. Không thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có chức năng thanh tra thì đó sẽ là chỗ dựa, mầm mống cho tham nhũng tiếp tục bùng phát khó lường. Một trong những giải pháp là có cơ chế phúc tra lại kết quả thanh tra theo xác suất. Động tác này tương tự như chấm thẩm định bài thi của ngành giáo dục nhằm xác định mức độ đúng, sai. Cần phải quy định ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ thanh tra bằng các hình thức kỷ luật thật nghiêm, quy trách nhiệm đền bù thiệt hại, kể cả xử lý hình sự. Nhưng khâu quan trọng nhất vẫn là lựa chọn cán bộ thanh tra phải là những người có bản lĩnh, trong sáng và liêm khiết.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quân khu 4
Kiểm tra huấn luyện tại các đơn vị

Ngày 11/3, đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 4 tiến hành kiểm tra huấn luyện tháng đầu năm 2024 tại Trung đoàn 6 và Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3.

Kiểm tra huấn luyện tại các đơn vị
Return to top