ClockThứ Năm, 22/09/2016 14:40

Kiên cố hóa đường kiệt: Đầu tư mới đi đôi với bảo trì

TTH - Những năm gần đây, nhiều con đường kiệt trên địa bàn TP. Huế được mở rộng, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông đi lại của người dân, tạo bộ mặt khang trang cho đô thị Huế. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít đường kiệt không đảm bảo lưu thông khiến người dân bức xúc.

Đường kiệt 30 Đoàn Hữu Trưng chưa được hoàn trả mặt bằng trong đi lại

Vướng mắc

Ông Nguyễn Q., người dân sống ở kiệt 180 Phan Bội Châu, phường Trường An phản ánh: Tại kiệt 180 Phan Bội Châu là nơi có nhiều trụ sở của các đơn vị như: Chùa Hải Đức, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, Hội Người mù, Trạm Y tế phường và rất nhiều nhà dân. Mỗi ngày lượng người ra vào rất lớn, nhất là vào những dịp tiêm chủng cho các cháu. Tuy nhiên, đường đất đá gồ ghề, chưa được bê tông hóa, khiến việc đi lại rất khó khăn. Đến nay, TP. Huế đang triển khai dự án xây dựng hệ thống thoát nước nên đường càng trở nên lầy lội vào những ngày mưa. Cuối năm 2015, các đơn vị và người dân đã đóng góp tiền để cùng với phường bê tông hóa đường kiệt, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng, người dân rất lo lắng khi mùa mưa bão đang gần kề...

Ông Trương Đại Thành, Chủ tịch UBND phường Trường An khẳng định: Đối với đường kiệt 180 Phan Bội Châu, phường đã xây dựng phương án bê tông hóa với kinh phí trên 277 triệu đồng, trong đó Nhân dân đóng góp là 40 triệu đồng, còn lại là ngân sách của phường và thành phố. Về vấn đề xây dựng kiệt 180 Phan Bội Châu đã được UBND TP. Huế phê duyệt và đang tiến hành các thủ tục để triển khai xây dựng trong thời gian tới. Đối với kiệt 325 đã được UBND TP. Huế phê duyệt thành đường rộng 11,5m. Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng đang vướng mắc 2 hộ dân là ông Nguyễn Duy Truyền và bà Lê Thị Thu Hương. Trước mắt, phường sẽ tuyên truyền, vận động 2 hộ giải phóng mặt bằng và sẽ vận động Nhân dân đóng góp bê tông hóa đường kiệt. Riêng mở rộng đường theo quy hoạch thì sẽ tiến hành các bước giải tỏa, đền bù theo quy định.

Cũng như kiệt 180 Phan Bội Châu, người dân kiệt 325 Điện Biên Phủ cũng phản ánh về việc đường kiệt chưa được bê tông hóa trong nhiều năm qua. Để tiện việc đi lại, người dân đã tự tráng xi măng trước cửa nhà, nhưng xe đi lại nhiều, vật liệu chưa được gia cố tốt nên gồ ghề cho con đường. Bên cạnh đó, một đoạn kiệt nối liền giữa Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu vẫn còn là đường đất, thắt cổ chai đoạn dốc gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, nhiều tuyến kiệt trên địa bàn TP. Huế đã được bê tông hóa nhưng theo thời gian đã xuống cấp trầm trọng.

Hiện nay, TP. Huế đang triển khai dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 1, nhiều đường kiệt được đào xới lên để làm hệ thống thoát nước, nhưng chưa hoàn trả mặt bằng, gây bức xúc cho người dân. Theo phản ánh của ông Trần Văn Lư, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 14, phường Phước Vĩnh, kiệt 30 Đoàn Hữu Trưng dài 120m, rộng chưa đầy 3m, nhưng bị đào xới lên có chỗ 1m, có chỗ xói lở 2m, đã 2 tháng nay chưa được hoàn trả lại bằng bê tông. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Người dân có ô tô thì không thể đưa vào nhà, phải gửi ở nơi khác. Có nhà đang xây dựng, nhưng không thể đưa vật liệu vào thi công. Ngoài ra, cổng chào bị tháo dỡ ra để thi công nhưng đến nay vẫn chưa hoàn trả lại cho khu phố...

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Phó Ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế cho biết, dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế giai đoạn 1 đã tiến hành thi công ở hơn 100 đường kiệt. Trong tháng 6 và 7/2016, đã tập trung chỉ đạo hoàn trả mặt bằng ở hầu hết các đường kiệt, chỉ còn lại một số ít đường kiệt do vướng mắc nên chưa hoàn trả kịp. Trong đó, đường kiệt 30 Đoàn Hữu Trưng do Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (Hà Nội) thi công. Tại đây, mật độ dân cư dày, việc đấu nối của các hộ dân ra đường ống chính chậm. Một số hộ ở cuối kiệt không đồng ý cho làm hố ga thu nước ở đoạn này (mặc dù đơn vị thi công đã làm đúng thiết kế và đã được nghiệm thu), khiến việc hoàn trả mặt bằng chậm. Hiện nay, việc giải quyết các vướng mắc đã cơ bản hoàn thành và sẽ hoàn trả mặt bằng cho đường kiệt này trong tháng 9/2016.

Khó về kinh phí

Trong những năm qua, phong trào Nhân dân hiến đất, góp công, góp tiền bê tông hóa, nâng cấp, mở rộng đường kiệt và đang được triển khai sâu rộng. Thống kê của Phòng Quản lý đô thị thành phố, năm 2015, hàng chục đường kiệt được đầu tư xây dựng như: phường Hương Long có đường Phạm Tu nối dài, kiệt 240 Lý Nam Đế, Nam Bình, đường liên xã Hương Long (cũ); phường An Tây có kiệt 114 Nguyễn Khoa Chiêm, kiệt 86 Tam Thai; phường Hương Sơ có kiệt 91 và 121 Trần Quý Khoáng… Ngoài ra, các phường cùng Nhân dân bỏ kinh phí đầu tư các đường nhỏ, hẹp, xuống cấp theo nguyện vọng của người dân.

Ông Trương Đại Thành, Chủ tịch UBND phường Trường An khẳng định: Vấn đề bê tông hóa đường kiệt được phường quan tâm, chú trọng. Trên địa bàn phường có khoảng 100 đường kiệt thì 98% số đó đã được bê tông hóa. Hiện nay, phường đang huy động mọi nguồn lực, giải quyết những vướng mắc để hướng đến 100% đường kiệt đều được bê tông hóa. Hàng năm, phường đều phân bổ ngân sách, xem xét những đường kiệt nào xuống cấp trầm trọng sẽ đầu tư xây dựng theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Điển hình trong năm nay sẽ mở rộng, đầu tư nâng cấp kiệt 162, 180 Phan Bội Châu (những nơi người dân bức xúc). Những đường đã được bê tông hóa nay xuống cấp, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên không thể một sớm một chiều giải quyết hết những bức xúc của người dân.

 Làm việc với các phường trên địa bàn TP. Huế, chúng tôi được biết, hàng năm các phường đều đầu tư từ 30 đến 100 triệu đồng (tùy vào nguồn ngân sách) để sửa chữa, nâng cấp đường kiệt. Ngoài ra, TP. Huế cũng trích ngân sách hàng tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, mở rộng đường kiệt. Thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, hàng năm từ nguồn ngân sách của thành phố, của phường và người dân đóng góp đã có 4 đến 5km đường kiệt được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông cũng như phố phường thêm khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cộng với thời gian dài đưa vào sử dụng nên hàng năm nhiều đường lại hư hỏng. Trong khi đó, kinh phí cho hàng năm cho vấn đề duy tu, bảo dưỡng còn hạn hẹp. Người dân vẫn chưa quyết liệt trong công tác này. Do đó, nhiều đường kiệt vẫn chưa được bê tông hóa, nâng cấp mở rộng.

Hiện nay, các phường đã ngừng triển khai việc thu phí đối với xe máy (nguồn kinh phí này được trích lại cho các phường để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương). Do đó, kinh phí cho nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng đường kiệt đã hạn hẹp nay lại càng hạn hẹp hơn. Ngoài nguồn kinh phí của thành phố, của phường để bê tông hóa, duy tu, bảo dưỡng đường kiệt thì việc phát huy sức mạnh toàn dân để chung tay sửa chữa, nâng cấp đường kiệt cần được nhân rộng ở các phường. Có như vậy, diện mạo của vùng đô thị Huế sẽ khang trang, sạch đẹp, góp phần là hạt nhân trung tâm để phát triển các vùng đô thị phụ cận.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, năm 2016 và 2017, thành phố Huế đã và sẽ đầu tư trên 18 tỷ nâng cấp, mở rộng 18 tuyến đường kiệt với tổng chiều dài là 6.256m. Ngoài ra, Nhân dân hiến 7.827m2 với tổng giá trị gần 13 tỷ đồng. Hiện nay, các đường kiệt đang được triển khai xây dựng như: kiệt 27 và 39 Hoàng Quốc Việt, kiệt 24 Lê Thánh Tôn, kiệt 103 và 111 Nhật Lệ, kiệt 378 Đinh Tiên Hoàng, kiệt 36 La Sơn Phu Tử…

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top