ClockThứ Năm, 08/07/2021 06:32

Kiên định thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép"

TTH - Chiều 7/7, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6/2021.

Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu kết luận tại cuộc họp​

Đây là phiên họp đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021; giải quyết một số vấn đề quan trọng khác.

Thu ngân sách tăng 33,4%

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của dịch đối với phát triển KT-XH, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách điều hành linh hoạt, sáng tạo nhiệm vụ phát triển KT- XH. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, đơn vị. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển KT-XH.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng 4,86%, chiếm 47,74% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 30,33%, tăng trưởng 6,91%; sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,64%, tốc độ tăng trưởng 4,66%.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực địa bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)

Điểm sáng đáng chú ý là thu ngân sách ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công ước đạt 25,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54,4% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã huy động vốn ước đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm...

Tuy nhiên, các thành viên UBND tỉnh cũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh; quy mô nền kinh tế nhỏ, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch, lượng khách giảm mạnh. Một số năng lực mới ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng đi vào hoạt động, song chưa có nhân tố mới đột phá, góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế. Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên các dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán và tổ chức đấu thầu nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Kiên định thực hiện “mục tiêu kép”

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian tới tỉnh tiếp tục nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH. Trên tinh thần này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.

Về những nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển KT-XH. Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Chú trọng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, chú trọng chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực. Quan tâm lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời. Tổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2021 được UBND tỉnh thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các cấp, các ngành thống nhất, đồng lòng, cùng quyết tâm triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

Lần thứ 3 liên tiếp TP. Huế đạt giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN là cơ hội để du lịch Huế tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch. Với nhiều giải pháp mà tỉnh đặt ra, giữ vững thương hiệu thành phố du lịch sạch cũng đồng nghĩa với việc gắn tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững.

Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top