ClockThứ Hai, 27/07/2015 18:26

Kiên quyết với “mạng nhện”

TTH - Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố tái diễn tình trạng dây thuê bao viễn thông, truyền hình cáp (VT,TH) giăng mắc ở nhiều tuyến đường gây mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Thực trạng         

Không khó để nhận ra, tại nhiều tuyến đường, như: Trần Phú, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trãi, Ngự Bình... có quá nhiều dây cáp, dây thuê bao treo chằng chịt trên cột, trong khi khoảng cách cột khá xa dẫn đến tình trạng dây võng xuống, thậm chí là bị đứt, rơi xuống đường trở thành mối nguy hiểm cho người đi đường.

Xử lý dây thuê bao treo không đúng quy định trên đường Điện Biên Phủ

Tại các tuyến đường mới được sửa chữa, nâng cấp khang trang như: Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Điện Biên Phủ, tình trạng này cũng tái diễn. Việc nhiều doanh nghiệp (DN) cùng cung cấp các dịch vụ VT,TH trên địa bàn đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Mỗi DN đều chọn phương án tiện lợi, ít tốn kém nhất là treo dây. Theo đó, vấn nạn “mạng nhện” dây thuê bao, cáp viễn thông diễn ra khá phổ biến.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sau thời gian gia hạn (từ 1/4 đến 15/7) Sở TT&TT phối hợp với UBND TP Huế xử lý các dây thuê bao treo trái quy định trên tuyến đường Điện Biên Phủ. Trước đó, các DN Viettel. FPT đã tự tháo dỡ các tuyến cáp nổi trên đường Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Đội Cung. Đối với các đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu và Phạm Ngũ Lão, Sở TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp căng kéo, bó gọn cáp, dây thuê bao trên tuyến đường này và đề nghị các DN liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế để xác định vị trí, hướng tuyến và kế hoạch triển khai vào tháng 9/2015. Đến tháng 11/2015, sẽ tập trung sắp xếp, cải tạo dây thuê bao các tuyến đường Lê Lợi, Bà Triệu, Nguyễn Sinh Cung, Đoàn Thị Điểm và Lê Huân.               

Đã có nhiều cuộc ra quân của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các ban ngành liên quan để sắp xếp lại hệ thống dây thuê bao trên địa bàn thành phố Huế, như: sử dụng hệ thống cột điện sẵn có, gia công các giá đỡ có phân cấp cho từng hệ thống đường dây của DN và treo ở độ cao 4,5-5m. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Thực trạng dây thuê bao treo không đúng tiêu chuẩn vẫn khá phổ biến; nhiều dây thuê bao vô chủ vẫn tồn tại (do khách hàng đã hủy hoặc thay đổi đơn vị cung cấp dịch vụ) nhưng các DN vẫn không thu hồi. Tình trạng dây thuê bao đan xen nhau nhiều lớp trên một cột của nhiều DN; dây thuê bao kéo băng đường theo hướng rẻ quạt; việc thi công vội vã, kéo dây không đúng quy định... làm cho bộ mặt thành phố hết sức nhếch nhác.

Không chỉ treo trên cột, có đơn vị còn “mạnh dạn” hạ cáp từ trên trụ điện xuống nằm dọc lề đường, gây bức xúc cho người dân. Bác Hoàng Đại, ở 226 Điện Biên Phủ kể: “Thấy VTVcab Huế thả dây cáp tròn trước mặt nhà, dọc theo đường; tôi đã có ý kiến làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho người dân, nhưng đơn vị cứ thực hiện. Sáng hôm sau, con gái tôi vừa cua xe ra đi làm đã bị trượt té bởi sợi dây này. Nếu nghiêm trọng, vấn đề đó ai chịu trách nhiệm?”

Quyết liệt hơn

Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, cải tạo dây thuê bao tại 72 tuyến đường trên địa bàn (giai đoạn 2013-2014) theo Quyết định 1968 về quy định tạm thời treo dây thuê bao trên cột tại TP Huế, trung tâm thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch 37 của UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp dây thuê bao treo trên cột, thời gian sau, tình trạng lộn xộn lại tái diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu xây dựng một thành phố không dây cáp viễn thông.

Một cán bộ của Sở TT&TT cho rằng, nguyên nhân chính do nhu cầu của người dân rất lớn, lợi ích của DN rất cao dẫn đến DN bất chấp các quy định, quyết định của UBND tỉnh. Tại đường Điện Biên Phủ sáng 17/7, Sở TT&TT cùng với các đơn vị liên quan đã tiến hành cắt các tuyến cáp do VTVcab Huế thả dọc hai bên lề đường trước đó. Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở cho biết: Đây là hành động coi thường văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Nếu chúng tôi không cương quyết cắt thì đến tối, dây sẽ được treo lên. Vì vậy, chúng tôi đã xử lý toàn bộ số cáp nổi mà VTVcab Huế đang còn trên tuyến đường này”.

“Trong lúc chờ Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động Sở TT&TT tiếp tục thực hiện kế hoạch sắp xếp dây thuê bao theo mô hình những tuyến đường không dây (từ diện rộng sang diện hẹp). Trước mắt, đối với những tuyến đường tập trung nâng cấp đã được thông báo, các DN phải có trách nhiệm thu hồi và phải đi ngầm toàn bộ các tuyến cáp của mình. Sở cũng yêu cầu Viettel sắp xếp lại dây thuê bao từ trạm BTS ra bằng công nghệ GPON để giảm thiểu lượng dây thuê bao trên đường phố. Nếu DN nào vi phạm, sẽ tiếp tục xử lý và khi quy hoạch được ban hành thì các chế tài sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.

LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối giao thương giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường

Tối 20/4, Cộng đồng kết nối doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh Việt Nam (OBC) tỉnh tổ chức chương trình kết nối giao thương và kỷ niệm 2 năm thành lập chapter OBC Unity. Sự kiện thu hút 100 khách mời và thành viên là các chủ doanh nghiệp đến từ Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Tại sự kiện, có 35 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Kết nối giao thương giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường
Tạo tác động tích cực để phát triển doanh nghiệp bền vững

Chiều 20/4, Liên đoàn lãnh đạo và Doanh nhân trẻ thế giới (JCI) tại Việt Nam, thuộc Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường đại học Kinh tế Huế tổ chức hội thảo với chủ đề “Lãnh đạo 4.0 – Tạo tác động tích cực và phát triển bền vững”. Hội thảo được tổ chức dành cho các chủ doanh nghiệp (DN), quản lý các cấp, nhân viên và các bạn sinh viên.

Tạo tác động tích cực để phát triển doanh nghiệp bền vững
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Return to top