ClockThứ Bảy, 19/11/2022 14:22

Kiến tạo môi trường để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

TTH - Phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khởi nghiệp ĐMST đang từng bước tạo cú hích lớn giúp các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân đề xuất, xây dựng các dự án khởi nghiệp, kết nối đầu tư, tham gia thị trường... Để hiểu rõ hơn quá trình hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN.

Phát triển mạng lưới nhà đầu tư khởi nghiệp: Cần nhiều giải phápPhát triển mạng lưới truyền thông khởi nghiệp

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Ông đánh giá thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh sau 6 năm thực hiện Đề án 844 - Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”?

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là mô hình mà ở đó huy động được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia hỗ trợ, thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, các dự án khởi nghiệp nhằm giúp các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được phát triển đúng hướng, có khả năng thương mại hóa, thành lập thêm các DN và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Được khởi tạo từ năm 2016 (Đề án 844) của Bộ KH&CN, đến nay, hầu hết các thành tố đã được định hình và ít nhiều có đóng góp cho sự thúc đẩy và phát triển các hoạt động khởi nghiệp của tỉnh. Mạnh nhất là trong khoảng 3 năm gần đây, tinh thần khởi nghiệp ĐMST đã được khơi dậy mạnh mẽ trong nhiều tổ chức, cá nhân, DN, cũng như đã kết nối được mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương liên kết mạng lưới toàn cầu... Thành quả là trong năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thừa Thiên Huế được vinh danh là 1 trong 3 “Địa phương tiêu biểu về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tiêu biểu toàn quốc” và Giải thưởng Thành phố thông minh năm 2022 tại lĩnh vực “Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp ĐMST”.

Những hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ 6 dự án đạt giải thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; hỗ trợ 100 DN cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn tổ chức các khóa ươm tạo, tập huấn phát triển ý tưởng khởi nghiệp ĐMST; hướng dẫn gọi vốn, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ mức chi hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Nhiều DN khởi nghiệp ĐMST được kết nối, tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp tại địa phương và các tỉnh, thành...

Thừa Thiên Huế vinh dự được nhận nhiều giải thưởng lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến phát triển các ý tưởng, dự án thành các sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển trên thị trường, như đã thành công với: gia vị Bún bò Huế, giày Xưa, tinh dầu Sao La, sản phẩm Atiso đỏ, sen Huế, tranh hoa giấy…

Để có được những “đứa con” ưu tú trong hệ sinh thái khởi nghiệp không thể không kể đến Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh hằng năm. Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng từ cuộc thi này?

Qua 5 lần tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST và đây là năm thứ 6, tỉnh thu hút hàng trăm DN tham gia ý tưởng, dự án khởi nghiệp và số lượng tham gia năm sau tăng cao hơn năm trước. Đến nay, những ý tưởng, dự án này đã được cá nhân, DN phát triển tạo ra sản phẩm có tính sáng tạo thực thụ, góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả. Đã có trên 50 DN khởi nghiệp hình thành hoạt động tốt thông qua cuộc thi. Nhiều mô hình kinh doanh mới cũng được hình thành và khai thác thị trường rất tốt. Có những DN đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 10 nước trên thế giới và đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu Huế ra nước ngoài như gia vị bún bò Huế.

Số lượng ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi năm nay như thế nào và có những đề tài nào được đánh giá cao?

Con số 54 ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi vào năm 2021 được Ban tổ chức ghi nhận là rất cao. Nhưng qua vòng sơ khảo cuộc thi Cố đô khởi nghiệp năm 2022 đã tăng lên hơn 60 ý tưởng, dự án của cá nhân, doanh nghiệp tham gia. Số lượng dự thi tăng lên cho thấy tinh thần khởi nghiệp ngày càng cao, sự quan tâm của cộng đồng ngày càng nhiều. Chất lượng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi năm nay nhìn chung có tính sáng tạo, tính mới, thực tiễn, đa dạng, có tiềm năng phát triển. Nhiều dự án, ý tưởng hay trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, ẩm thực, nông nghiệp và công nghệ...

Các vòng bán kết và chung kết sắp tới, chúng tôi hy vọng kinh nghiệm từ các cuộc thi năm trước cũng như của những người đi trước, mỗi tác giả sẽ chuẩn bị bài thuyết trình chu đáo, nêu bật được nội dung cốt lõi, để biến những ý tưởng, dự án của mình có khả năng thương mại hóa tốt và phát triển mạnh trên thị trường.

Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp là yếu tố không thể thiếu trong hành trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phải không thưa ông?

Đúng vậy, nhất là trong xu hướng hội nhập, xu hướng chuyển từ ĐMST sang ĐMST mở như hiện nay. Vì thế, chúng tôi đặt DN là trung tâm và kiến tạo môi trường, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm KHCN và ĐMST để đưa các sản phẩm khởi nghiệp vươn ra thị trường trong ngoài nước.

Lâu nay, chúng ta tập trung ưu tiên kêu gọi các ý tưởng khởi nghiệp trong khuôn khổ địa phương. Nhưng trong xu hướng khởi nghiệp ĐMST mở, chúng ta phải mở rộng sân chơi, liên kết vùng, liên kết với các làng công nghệ quốc gia, kết nối mạng lưới thị trường, nhà đầu tư lớn... để tạo ra hệ sinh thái ĐMST mở kết nối quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Theo ông cần những định hướng gì để phát triển hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp?

Về định hướng phát triển mạng lưới hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, chúng tôi đặt ra 5 việc cần làm. Thứ nhất là tiếp tục tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho DN khởi nghiệp ĐMST; thu hút các startup đến Huế khởi nghiệp; huy động và sử dụng nguồn vốn FDI vào khởi nghiệp tại Huế. Thứ hai, tập trung phát triển các ngành trọng điểm, ưu tiên như: công nghệ thông tin, du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ cao, phát huy các tài nguyên bản địa... để DN khởi nghiệp tham gia đầu tư phát triển. Thứ ba, tập trung chuyển đổi số, chú trọng tạo lập các cơ sở dữ liệu lớn, phục vụ cho DN khai thác phát triển các dịch vụ trong hệ sinh thái đô thị thông minh, thúc đẩy DN khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số. Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, các sáng chế, giải pháp hữu ích. Thứ năm, tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST trên cơ sở hình thành văn phòng hỗ trợ DN khởi nghiệp tư vấn ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST để giải đáp, chia sẻ, giải quyết các khó khăn của DN, startup gặp phải.

Với quan điểm mở rộng các đối tượng để hỗ trợ liên kết, phát triển khởi nghiệp ĐMST, chúng tôi mong muốn các làng công nghệ đến Huế thực hiện các dự án khởi nghiệp ĐMST thực chất và hiệu quả dựa trên các giá trị nền tảng của địa phương. Các làng công nghệ sẽ cùng với Huế tổ chức các hoạt động kết nối, đào tạo, tập huấn, kết nối thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất; hình thành các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ mới từ các làng công nghệ để cùng hợp tác với các DN trên địa bàn tỉnh xây dựng thành phố ĐMST.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Return to top